Bài 1: Người trong ảnh kể chuyện người trong ảnh
Trong một lần đi công tác tình cờ tôi gặp anh, người trong một bức ảnh tư liệu. Anh kể cho chúng tôi nghe về đồng đội của mình, cũng là người trong bức ảnh này. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, tôi viết câu chuyện này như lời tri ân sâu sắc với những người đã và đang cầm súng bảo vệ quê hương, những người đã và đang đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong số ảnh tư liệu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh có bức ảnh chụp một đơn vị vũ trang. Đó là Đại đội 301, bộ đội địa phương huyện Phú Giáo (thường gọi là C301). Bức ảnh được chụp tại Bàu Gốc, xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên thuộc chiến khu Đ vào những tháng cuối năm 1974, thời điểm các lực lượng vũ trang bước vào chiến dịch mùa khô 1974-1975. Những người trong ảnh ai còn ai mất, Bảo tàng chưa có dịp tìm hiểu.
Trong một lần đi công tác về xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, chúng tôi tình cờ gặp các cựu chiến binh C301 năm xưa. Khi chúng tôi đưa bức ảnh, anh Quang, thường gọi là Một Quang vô cùng mừng rỡ, anh cầm lấy bức ảnh như bắt được vàng, anh chỉ và kêu tên từng người trong ảnh, trong đó có anh. Nhìn anh háo hức như đang gặp lại đồng đội sau bao năm xa cách, nhưng tôi cảm nhận được niềm xúc động đang dâng trào qua ánh mắt của anh, bởi đồng đội năm xưa trước mắt anh chỉ là người... trong ảnh.
Liệt sĩ Chừ (bìa phải), anh Một Quang (đứng thứ tư từ trái sang)
Có lẽ bức ảnh gợi lại cho anh nhiều ký ức về những tháng năm gian nguy ngoài chiến trận. Anh nói vui rằng những người như anh còn sống tới bây giờ là do may mắn sống sót, chứ chiến tranh mà, vừa mới nói cười với nhau trước khi ra trận, lúc quay về đồng đội mình có người nằm lại rồi!
Anh chỉ vào người đầu tiên trong bức ảnh hành quân: Đây là Chừ, nó hy sinh trong trận đánh Nam Bình Cơ vào tháng 3-1975. Có hơn hai lần anh nói với tôi: Thằng Chừ rất đẹp trai”. Dù anh không nói, khi nhìn ảnh tôi cũng đã khẳng định điều đó. Tôi chưa kịp hỏi thì anh đã kể cho tôi nghe về người đồng đội tên Chừ, anh chỉ biết tên là Chừ chứ không biết họ. Anh nói ngày đó các anh chỉ gọi tên thường dùng chứ ít quan tâm đến họ tên đầy đủ của nhau. Các anh năm đó khoảng 17 - 18 tuổi, rất trẻ, mặt mũi đứa nào cũng non nớt đến nỗi vị chỉ huy Tỉnh đội lúc đó khi nói chuyện với đơn vị đã nói: “Đơn vị này đáng lẽ được đi học, được cầm bút chứ không phải cầm súng”. Chừ nó sống với dì, không thấy nói đến cha mẹ. Trước ngày nó hy sinh, người dì có gửi cho nó một bộ quần áo mới, nó rất mừng nhưng không mặc. Anh còn nhớ, đó là bộ quần áo màu xanh rất đẹp. Đồng đội ai cũng bảo có quần áo mới thì mặc đi chiến đấu, nó nói chờ đến ngày giải phóng sẽ mặc, lúc đó mặc vào sẽ thích hơn. Đó là thời điểm trước khi ra trận đánh chốt Bình Cơ giữa tháng 3-1975. Trận đó Chừ và 2 đồng đội hy sinh phải bỏ thi thể lại không đưa về được. Bộ quần áo mới thằng Chừ chưa kịp mặc, trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa thôi là đến ngày giải phóng. Giọng anh Một Quang chùng lại, còn tôi cảm thấy mắt mình cay cay.
Anh Một Quang (bìa trái) (ảnh chụp tại Phước Hòa, tháng 11-2013)
Tôi hỏi về thời điểm chụp bức ảnh, anh Một Quang bảo đây là thời điểm đơn vị chuẩn bị bước vào chiến dịch mùa khô 1975. Rồi anh kể cho chúng tôi một vài trận đánh trong chiến dịch này có anh và Chừ cùng tham gia. Tháng 12-1974, từ Bàu Gốc các anh về đóng quân tại Chà Dúng. Ở đây, khi nghe quần chúng đưa tin có một lực lượng biệt động quân của ngụy được xe tăng hỗ trợ càn vào khu vực Chà Dúng; đơn vị phân công một tiểu đội do Chừ chỉ huy bất ngờ tập kích quyết liệt vào đội hình của địch. Đụng đòn phủ đầu của C301, lính ngụy hoảng loạn bỏ chạy bỏ lại nhiều súng cùng quân trang quân dụng và một tên bỏ mạng. Đến giữa tháng 1-1975, lực lượng C301 phục kích bọn địch đi mở đường từ chốt Thầy Phòng hướng về ấp 2 xã Bình Mỹ tiêu diệt gọn 1 trung đội của địch ở đây. Tháng 2-1975, C301 phục kích bọn địch đi mở đường từ Hội Nghĩa về cầu Bình Cơ. Đơn vị chia làm 2 tổ khóa đầu và khóa đuôi. Chừ bắn đại liên M60 cùng với các chiến sĩ khác giữ các hỏa lực mìn ĐH10, B40 để chặn đầu địch. Tổ khóa đuôi (có anh Một Quang) tiêu diệt các ổ kháng cự còn lại làm địch không đường thoát. Trận này C301 diệt gọn một trung đội địch và thu toàn bộ vũ khí, quân trang trong đó có 1 máy thông tin PRC25.
Giữa tháng 3-1975, C301 do đại đội trưởng Út Hết chỉ huy, phối hợp với lực lượng C8 thuộc Tiểu đoàn Phú Lợi 2 tập kích chốt Bình Cơ. Ta ém quân trong hầm trú ẩn của dân, mỗi hầm là 1 tổ từ 5 - 6 chiến sĩ; Chừ, Lực, Minh, Đỗ, Khả cùng một hầm. Trận đánh quyết liệt, tổ có 5 chiến sĩ đã hy sinh hết 3 người là Chừ, Lực, Khả và 2 người bị thương. Trong trận này, C301 đánh thiệt hại nặng trung đội bảo an địch nhưng đơn vị tổn thất cũng không nhỏ, ta hy sinh 3 người và 4 người bị thương, Chừ nằm trong số 3 người hy sinh không đưa thi thể về được.
Thật tiếc là không đủ thời gian để chúng tôi đến thăm gia đình của các liệt sĩ, nhất là liệt sĩ Chừ, người mà anh Một Quang nhắc đến nhiều nhất trong suốt cuộc nói chuyện. Có lẽ chuyện để dành bộ quần áo mới để mặc trong ngày giải phóng của liệt sĩ Chừ là một kỷ niệm khó quên đối với anh, kỷ niệm đó trở thành một tình cảm tiếc thương khôn nguôi đối với người đồng đội của mình...
Bài 2: Chuyện về chiếc đèn tự tạo
ĐỖ TIÊN