Những kỷ vật người lính

Cập nhật: 18-12-2013 | 00:00:00

Bài 1: Người trong ảnh kể chuyện người trong ảnh

Bài 2: Chuyện về những chiếc đèn tự tạo

Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh, Nhà truyền thống các huyện, thị trưng bày rất nhiều đèn tự tạo. Mỗi ngọn đèn mang câu chuyện gắn với cuộc sống và chiến đấu của người lính. Những chiếc đèn ấy như một kỷ vật, “người bạn” của từng chiến sĩ. Ánh sáng đèn cũng là ánh sáng niềm tin, sức mạnh, tình yêu quê hương đất nước của mỗi người chiến sĩ soi rọi cho lớp trẻ ngày nay, trở thành “ngọn lửa sống mãi” để thế hệ trẻ noi theo.  

Thế hệ trẻ xem những chiếc đèn cổ ngoéo và kỷ vật của các chiến sĩ trong kháng chiến

Ánh sáng soi đường

Tìm đến nhà ông Nguyễn Thạnh (SN 1934, ấp Tân Hòa, Đông Hòa, Dĩ An), chúng tôi được nghe ông kể nhiều về những kỷ vật gắn bó với mình suốt những năm tháng chiến đấu ác liệt. Ông Nguyễn Thạnh là cán bộ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ. Ông tham gia cách mạng từ năm 1951 trong Tiểu đoàn 302 tại vùng Tam giác sắt. Kỷ vật ông luôn nhắc đó là chiếc đèn cổ ngoéo, do đơn vị cấp. Ông Thạnh cho biết: Trong chiến tranh, những ngọn đèn là vật dụng cần thiết cho người lính. Ngoài Bắc gọi là đèn pin, còn trong Nam gọi là đèn cổ ngoéo. Chiếc đèn này, đầu đèn không thẳng mà uốn theo hình thước thợ. Do nằm trong căn cứ mật nên mọi cử chỉ, hành động đều rất cẩn mật. Không chỉ đánh giặc trên mặt đất, bộ đội còn hoạt động mật dưới các hầm, địa đạo. Những lúc này, ánh đèn rất quan trọng, giúp anh em rà đường đi, xem bản đồ, họp bàn chiến sự.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc đến 1966 trở về miền Nam, nhận các công tác tại Ban kinh tài khu miền Đông. Năm 1971, ông về Dĩ An công tác, từng hoạt động trong các vùng căn cứ Sặt, rừng Tràm, Hố Lang, Hố Ngựa. Dù ra Bắc vào Nam, tham gia hàng chục trận đánh, chiếc đèn ở nguyên vị trí nơi thắt lưng người chiến sĩ Nguyễn Thạnh. Chiếc đèn làm từ nhựa tổng hợp, màu nâu đen, có nhiều đường vân, đầu đèn và thân đèn vuông góc với nhau. Mặt kiếng của đèn màu xanh lá. Để giảm bớt ánh sáng của đèn, mỗi lần sử dụng, ông dùng vải mỏng bịt kín chỉ để ánh sáng mờ mờ, nhằm đánh lừa địch khi di chuyển. “Tôi lấy vải bịt để tránh bị phát hiện. Nếu nhìn từ xa, từ trên cao, ánh sáng đèn được bịt lại như ánh đèn đom đóm. Khi di chuyển, để sát đèn xuống đất rọi tránh đụng phải cây, vấp trúng đá. Bởi những đêm không trăng, trong rừng một màu đen mịt khó nhận biết”, ông Thạnh nói. Hiện nay, chiếc đèn đã được ông tặng cho Nhà truyền thống Dĩ An. Ngoài ra, ông còn lưu giữ kỷ vật là cuốn nhật ký của bản thân được viết từ năm 1970.

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, thiếu thốn, bộ đội ta còn tự tạo ra các ngọn đèn bằng nhiều chất liệu: lọ dầu thủy tinh, vỏ chai, hộp dầu lau súng, vỏ đạn M79, vỏ bom bi, bom cam, bom dứa… miễn sao gọn nhẹ, cơ động, lúc hành quân mang vác, chiến đấu, va đập không bị vỡ. Kỷ vật, chiếc đèn tự tạo của bà Trương Tú Linh (SN 1952, Dĩ An) cũng mang nhiều kỷ niệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiếc đèn được làm bằng vỏ chai nước hoa để sử dụng trong đời sống sinh hoạt ở chiến khu. Chiếc đèn bà dùng để đọc tài liệu không để lộ ánh sáng nên địch khó phát hiện. Đèn có thể để bàn tại khu căn cứ hoặc treo đầu võng, thân cây, phù hợp và thuận tiện hành quân. Bà Trương Tú Linh theo tiếng gọi của Tổ quốc từ khi còn là thiếu nữ 15, với công việc giao liên. Sau đó, bà tiếp tục thoát ly vào kháng chiến tại Long Thành (Đồng Nai). Chiếc đèn của bà do các anh trong đơn vị làm tặng. Từ đó, chiếc đèn ý nghĩa ấy luôn theo bà trên mọi nẻo đường và giờ được trưng bày trong Nhà truyền thống Dĩ An.

Ngọn lửa sống mãi

Chiến tranh đã đi qua, có người còn, người mất nhưng những gì họ để lại luôn mãi được trân trọng và khắc ghi. Trong đó, những chiếc đèn, những vật dụng sinh hoạt đời thường, tưởng chừng đơn giản, bình dị ấy đã góp phần làm nên lịch sử, giành độc lập tự do cho dân tộc. Ánh sáng đèn, hay ánh sáng niềm tin của thế hệ đi trước mãi soi bước thế hệ sau. Những con người bình dị ấy, sau những năm tháng kháng chiến, họ trở về địa phương tiếp tục cống hiến sức mình. Trường hợp bà Định Thị Ẻn (SN 1949, tự Út Thảo) là một minh chứng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ, bà đã tham gia làm giao liên. Mỗi ngày, bà đi chợ mua rau, quả trong xóm, ấp để liên lạc, nhận nhiệm vụ của các đồng chí cán bộ Huyện ủy đang hoạt động bí mật nhằm xây dựng cơ sở, giữ gìn lực lượng, củng cố niềm tin cho nhân dân. Năm 1968, bà thoát ly vào rừng. Trong một trận càn, bà và đồng đội bị lọt ổ phục kích. Với bóng đêm mờ mịt, bà đã dùng chiếc đèn tự tạo cõng đưa bạn Năm Lan ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng vết thương quá nặng, chị Năm Lan đã hy sinh. Với lòng căm thù, ý chí chiến đấu sục sôi, người con gái Út Thảo đã xông pha mọi trận càn làm quân thù khiếp sợ. Từ đó, chúng sử dụng hình ảnh của cô dán khắp nơi, truy bắt. Mỗi lúc ra khỏi căn cứ, cô phải thay hình đổi dạng để địch không phát hiện và tiếp tục làm công tác liên lạc lập cơ sở. Người con gái ấy từng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ Xã đội phó Đông Hòa, tham gia công tác phong trào, công tác phụ nữ, Bí thư chi bộ xã… Giờ đây, tuy đã về hưu nhưng lòng quả cảm, ý chí sắc bén của bà luôn được thế hệ trẻ Dĩ An noi theo.  

Ông Nguyễn Thạnh trao đổi với phóng viên về cuốn nhật ký của bản thân được viết từ năm 1970

 

Những chiếc đèn trong kháng chiến

Nói đến cây đèn kỷ vật thời chiến, ông Trần Hoài Tâm (Bình Thắng, Dĩ An) cũng một thời làm quân địch khiếp sợ. Ông luôn hiên ngang với tinh thần quật cường. Chiếc đèn khí ông được ba mẹ tặng lúc vào quân ngũ. Ông sử dụng soi sáng dưới hầm trong kháng chiến chống Mỹ cũng được ông lưu giữ cẩn thận. Lúc hành quân, chiến đấu, đèn luôn được đeo bên mình. Khi ở dưới hầm, anh em cùng nhau thắp đèn để chuẩn bị phương án tác chiến, ghi biên bản cuộc họp, hay viết thư, ghi nhật ký. Ngoài ra, chiếc đèn còn là người bạn thủy chung, son sắt, vẹn tình, trọn nghĩa. Những lần sinh nhật của ai trong phân đội, anh em tập trung tất cả đèn lại thắp sao cho số đèn tương ứng với số tuổi của người đó. Còn khi có đồng đội ngã xuống, thì số lượng đèn cũng lại được anh em thắp lên bằng số tuổi của người hy sinh để tiễn biệt thay cho hương, nến...

Có thể nói, ở thời bình những ngọn đèn thể hiện sự đầm ấm gia đình, sự thao thức, mong chờ; trong kháng chiến, vượt qua biên độ của gia đình, chúng đã trở thành ánh đuốc soi đường cho các chiến sĩ ra trận, chiến đấu và chiến thắng. Không những vậy, có ngọn đèn còn là nơi người lính gửi gắm ước mơ. Với ý nghĩa đó, chiến tranh lùi xa, những người lính vẫn cất giữ các ngọn đèn này như báu vật. Nay, nhiều người đã đem kỷ vật ấy trao tặng cho Bảo tàng, Nhà truyền thống để chúng tiếp tục “truyền lửa” cho các thế hệ sau.

Bài 3: Bộ tiểu phẫu cứu sống hàng trăm đồng đội

• TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên