Những kỷ vật thời chiến - Bài 4

Cập nhật: 28-03-2015 | 09:03:46

Bài 4: Khẩu súng Rulô của Đại đội 61 anh hùng

Những kỷ vật thời chiến tranh là kho báu di sản văn hóa quân sự và những câu chuyện huyền thoại về tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hy sinh quên mình của các thế hệ người Việt Nam. Khẩu súng ngắn Rulô mang số đăng ký BTBD - KL14 đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương là vật kỷ niệm một thời chiến đấu oanh liệt của đơn vị Đại đội 61 (C61) Bến Cát anh hùng.

Khẩu súng do Mỹ sản xuất đưa sang Việt Nam trang bị cho quân đội ngụy Sài Gòn. Ngày 17-4-1974, C61- đơn vị bộ đội địa phương huyện Bến Cát đánh đồn Cây Lội, thuộc xã Mỹ Phước (nay là phường Mỹ Phước) đã tiêu diệt tại trận 18 tên, bắt sống 4 tên của Trung đội dân vệ của địch đóng tại đây, thu 22 súng, gồm 1 Đại liên M60, 2 M79, 18 Tiểu liên AR15 và khẩu súng ngắn Rulô này. Sau đó đơn vị C61 đã dùng khẩu súng này chiến đấu liên tục cho đến ngày Bến Cát được giải phóng năm 1975. Khẩu súng này được đưa vào kho quân khí của Huyện đội Bến Cát, sau đó được ông Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Đại đội trưởng C61, bộ đội địa phương huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé trao lại cho Bảo tàng Bình Dương bảo quản và giới thiệu đến khách tham quan. Khẩu súng đã bị mất phần báng ốp ngoài, chỉ còn khung báng bằng sắt, cũ, rỉ và không còn sử dụng được.

Khẩu súng Rulô của Đại đội 61

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, ngày 20-2-1961, tại rừng 123 xã An Điền, đơn vị lực lượng vũ trang của huyện Bến Cát chính thức được thành lập và lấy tên là C61. C61 với quyết tâm năm 1961 lực lượng vũ trang của huyện phải là năm chiến thắng. Quân số ban đầu của C61 có 37 người, trang bị bằng vũ khí thô sơ tự tạo và một số súng lấy được của địch, do đồng chí Đoàn Văn Chinh (Năm Chinh), Huyện đội phó làm Đại đội trưởng, đồng chí Hai Hải làm chính trị viên. Hàng trăm đồng bào 3 xã tây nam Bến Cát đến dự buổi tuyên thệ dưới cờ của cán bộ, chiến sĩ C61. C61 là đơn vị vũ trang cấp đại đội đầu tiên của huyện Bến Cát, cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một tổ chức lực lượng đơn vị vũ trang cấp đại đội.

Ngay sau khi được thành lập, lần đầu tiên ra quân, C61 đã tổ chức trận phục kích đồn Ban Xình, xã An Tây đi mở đường, đánh cháy 1 chiếc xe Dos, diệt gọn 1 tiểu đội địch, thu 11 súng cạc bin. Sau trận này đơn vị được bổ sung quân số, phát triển lực lượng đủ biên chế 3 Trung đội bộ binh, 2 tiểu đội trinh sát. Đơn vị được trang bị tương đối đầy đủ từ vũ khí thu được của địch. Từ đó đơn vị liên tục chiến đấu, có lúc độc lập tác chiến, có khi lại hiệp đồng chiến đấu cùng đơn vị bạn. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Đại C61 mở đợt hoạt động trên quốc lộ 13, đánh gỡ thế kìm kẹp cho dân. Tháng 7-1961, đơn vị đánh diệt gọn một trung đội địch tại ngã tư Ba Lăng Xi khi chúng đi càn, thu nhiều vũ khí. Tháng 2-1962, đánh cứ điểm ngụy tại Lai Khê, đánh bót Bến Thế (Tân An), diệt và làm bị thương 15 tên, bắt sống 3 tên, thu 12 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Đánh trận Gò Mối (Mỹ Phước) tiêu diệt hoàn toàn một trung đội lính thuộc Sư đoàn 5 ngụy, thu 30 súng, trong đó có 3 khẩu trung liên. Kết hợp tác chiến với vũ trang tuyên truyền, vân động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, C61 đã trở thành lực lượng nòng cốt dìu dắt du kích các xã phát triển. Giữa năm 1963, sau nhiều đêm nghiên cứu trinh sát nắm địch, C61 kết hợp với du kích các xã đã phục kích và tấn công đánh ấp chiến lược Truông Thơm phá thế kìm kẹp tiêu diệt gần hết số quân địch đóng tại đây, thu 22 súng, trong đó có 2 trung liên. Trận đánh này đã đã khẳng định sự trưởng thành, tiến bộ về trình độ tổ chức, chỉ huy, sáng tạo trong cách đánh, quyết tâm tấn công tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang huyện Bến Cát. Cuối năm 1963, tại Hội nghị tổng kết phong trào du kích chiến tranh của quân khu (miền Đông) đã khẳng định C61 xứng đáng là “con chim đầu đàn” của các lực lượng vũ trang địa phương. Đơn vị đã được tặng thưởng cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và Huân chương Chiến công hạng nhất, hai Huân chương Chiến công hạng ba.

Tiếp đó C61 đánh các trận: Cây Dền, Thới Hòa, Cầu Cây, Tân Định, Tân An… hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh chính trị, phá kìm. Cuối 1964, C61 cùng với các lực lượng vũ trang của huyện bức rút 15 đồn, tua, bốt. Đánh tiêu diệt gọn, xóa sổ phiên hiệu đại đội “Cọp đen” là đơn vị sừng sỏ ở vùng này. Khi Mỹ đến đóng quân, C61 đã đánh tan cuộc càn của quân Mỹ vào 3 xã tây nam Bến Cát.

Đêm 15-3-1966, C61 phối hợp với lực lượng Tiểu đoàn Phú Lợi, C62 huyện Châu Thành thực hiện tập kích địch tại ấp Gò Mối (xã Tân Định). Do không nắm được tình hình địch nên bộ đội ta gặp rất nhiều bất lợi, cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường. Đồng chí Đại đội trưởng và Chính trị viên đã hy sinh, đơn vị vẫn không rời trận địa, anh dũng chiến đấu và đã đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 bộ binh ngụy. Trong tháng 4-1966, tại An Điền, C61 cùng du kích xã đánh quần lộn với Mỹ suốt một tuần lễ, chống địch gom dân lập ấp chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên C61 được trang bị súng B40 và đã bắn cháy 1 xe tăng Mỹ.

Đến tháng 12-1967, huyện phát triển thêm các đơn vị mới như C2, C4 trợ chiến, Đội biệt động quân Bến Cát, Đội biệt động quân Lai Khê thì C61 đã san sẻ lực lượng làm nòng cốt xây dựng những đơn vị này.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, C61 cùng với các đơn vị mới thành lập trên đã hiệp đồng tấn công Chi khu Bến Cát, nơi đóng quân của Trung đoàn 8, thuộc Sư đoàn 5 ngụy và các đơn vị sắc lính khác. Chúng đóng giữ tại đây khoảng 3.000 tên. Sau 30 phút chiến đấu ta đã tiêu diệt 4/5 chi khu, tiêu diệt tại chỗ nhiều tên địch, tiếp đó còn đánh chặn viện binh, đánh tua Kiến Điền, tua Cầu Tây, Thới Hòa. Tổng số các trận đánh này C61 đã tiêu diệt 1.400 tên, bắn cháy 4 xe tăng, phá hủy nặng Chi khu quân sự Bến Cát. Tiếp đó, C61 đánh các trận tại ấp chiến lược Lò Than, Bến Củi, Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân An, Tân Định, Kiến Điền… sau đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, C61 được tặng cờ “Thành đồng Quyết thắng”, Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chiến công hạng ba.

Sau Tết Mậu Thân 1968, quân địch phản công quyết liệt, bằng những thủ đoạn tàn bạo và xảo quyệt, chúng tiến hành các phương thức mà chúng gọi là “chiến tranh hủy diệt, chiến tranh bóp nghẹt, chiến tranh giành dân”. Ta gặp nhiều khó khăn, liên tục phải đương đầu với các trận càn quét dài ngày của địch. Lực lượng cách mạng của huyện Bến Cát phải trải qua những ngày tháng khó khăn, gian khổ, ác liệt, phải chịu nhiều hy sinh cũng như thiếu thốn lương thực, y tế, vũ khí đạn dược, nhiều cơ sở cách mạng bị đứt liên lạc. C61 vừa phải chống lại cái đói thường trực hàng ngày vừa phải chiến đấu chống những đợt càn quét dài ngày của địch. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng gian khổ, đơn vị đã đánh chống càn của quân Mỹ nhiều trận, tiêu diệt 115 xe tăng và xe ủi đất, tiêu diệt trên 500 tên, trong đó có trên 300 tên Mỹ. Trong những trận đánh này đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu ngoan cường: đồng chí Quốc hai đêm bò sát vào cụm xe tăng địch bắn cháy 5 chiếc và đã hy sinh, đồng chí Vinh trong 1 trận bắn cháy 3 xe tăng, đặc biệt đồng chí Trí, một mình bắn cháy 4 xe ủi đất, khi 2 tay bị thương anh đã dùng 2 chân kẹp súng B40 bắn cháy 2 xe tăng địch, chi viện cho đồng đội, đồng chí Phúc, Đại đội trưởng C61 bị thương gãy một tay nhưng vẫn chiến đấu anh dũng, cản chân địch tạo điều kiện cho đơn vị rút lui an toàn.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, phối hợp với các đơn vị bạn và du kích xã, C61 đã liên tục tấn công địch ở các khu vục trọng điểm Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định… tiến đến giải phóng hoàn toàn Bến Cát, góp phần không nhỏ vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc vào ngày 30-4 -1975.

Liên tục chiến đấu thu nhiều thắng lợi, kết quả 15 năm chiến đấu C61 đã đánh 4.280 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 8.746 tên địch, trong đó có trên 1.000 lính Mỹ, bắt sống 170 tên, thu 2.132 súng các loại, trên 100 phương tiện thông tin liên lạc, phá hủy trên 2.000 súng các loại và phá trên 200 thông tin liên lạc, phá hủy trên 500 xe quân sự, xe tăng, xe ủi.

C61 đã được khen thưởng: 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Quân công hạng nhất, 4 Huân chương Chiến công hạng hai, 12 Huân chương Chiến công hạng ba, 2 cờ Thành đồng Quyết thắng, 2 cờ Quyết chiến Quyết thắng, 1 cờ luân lưu 3 năm liền của Bộ Tư lệnh miền, 1 cờ đơn vị Quyết thắng năm 1973, 120 bằng khen, 82 giấy khen, 250 dạnh hiệu dũng sĩ các loại, gần 100 chiến sĩ thi đua các cấp.

Ngày 20-12-1972, C61 được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng và một cá nhân anh hùng (đồng chí Thái).

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 12-1977, C61 lại tham gia chiến đấu chống quân Pôn Pốt - Iêngsary đánh phá biên giới của tỉnh Tây Ninh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé điều C61 tham gia chiến đấu và đơn vị đã chiến đấu anh dũng. Với những chiến công hào hùng của mình, C61 được đánh giá là một đơn vị lá cờ đầu trong chiến đấu, sản xuất và dân vận của tỉnh.

Bài cuối: Kỷ vật của Đại đội nữ pháo binh Bến Cát anh hùng

BÌNH CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2181
Quay lên trên