Những lớp xóa mù chữ của thanh niên

Cập nhật: 22-05-2010 | 00:00:00

ĐVTN hướng dẫn xóa mù chữ cho người dân ở Đất CuốcXã hội phát triển, đòi hỏi mọi người phải có tri thức, hiểu biết. Dù ở nông thôn hay thành thị, cái chữ luôn được mọi người quan tâm. Do những điều kiện khách quan, có người hiện đã ngoài 40 nhưng vẫn chưa biết chữ, tổ chức Đoàn cơ sở nhiều nơi đã tích cực vào cuộc và tổ chức lớp học dành cho những đối tượng này.

Lớp học xóa mù chữ ở Đất Cuốc (huyện Tân Uyên) đa số là những học viên lớn tuổi. Ban đầu, lớp được tổ chức tập trung nhưng do học viên không có điều kiện nên các đoàn viên, thanh niên tham gia giảng dạy phải đến tại nhà của học viên hướng dẫn. Vì phải đến tận nhà học viên nên các “thầy, cô” cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề đi lại. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Sương phụ trách lớp xóa mù chữ ở ấp Suối Voi, kể: “Tôi ở xã Tân Thành nên đến lớp hơi xa, khoảng 10 cây số. Lúc đầu, tôi cảm thấy khó khăn vì phải đi xa, nhưng khi thấy sự cố gắng học tập của những người đáng tuổi cha, tuổi chú mình đã giúp tôi có động lực để tiếp tục gắn bó với lớp”. Còn anh Lê Văn Cường, 43 tuổi (ở ấp Suối Voi) tâm sự: “Hồi đó, tôi sống với người bố dượng. Ông ấy bắt tôi phải làm việc kiếm sống nên tôi không được đi học. Không biết chữ tôi cảm thấy không thoải mái nên giờ phải cố gắng theo lớp học xóa mù chữ!”. Nhờ các lớp xóa mù chữ mà anh Cường và nhiều người ở Đất Cuốc đã biết đọc, biết viết, biết tính toán làm ăn...

Mặc dù vừa đi làm vừa tham gia hoạt động công tác Đoàn - Hội ở Chi hội khu phố 5, thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên), nhưng bạn Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh năm 1989) còn tình nguyện tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương ở một chi hội khu phố khác. Giàu nói: “Nhiều việc, có lúc cũng làm mình rối, nhưng biết cách sắp xếp thì cũng ổn. Em tham gia đứng lớp không chỉ vì sở thích sinh hoạt Đoàn - Hội, mà còn muốn giúp các em lang thang, cơ nhỡ biết cái chữ để sau này các em đỡ khổ” .

Tại lớp học tình thương do Xã đoàn An Phú (huyện Thuận An) tổ chức, chúng tôi ghi nhận sự nhiệt tình của Bí thư Xã đoàn Nguyễn Thị Ngọc Bích. Từ tổ chức địa điểm, dụng cụ học tập, vận động người học đến đứng lớp chị làm tất. Trò chuyện cùng chúng tôi nhưng chị vẫn không ngơi hướng dẫn, chỉ bảo cho các em trong lớp học tại văn phòng ấp nhỏ hẹp. Chị nói: “Đa số các em đều là dân nhập cư. Có đứa đã đi học, có em không được đến lớp vì hoàn cảnh khó khăn khi ở quê. Theo ba mẹ đến đây tụi nó cũng phải đi làm để kiếm sống như bán vé số, đánh giày. Ngày nào, mấy em bán hết, ba mẹ cho đi học thì đến lớp, còn không thì bỏ học nửa chừng. Đến vận động cũng không phải dễ, có ba mẹ đồng ý - số ngược lại cũng có, phải tìm đến nhiều lần họ mới biết học là cần thiết”. Hiện tại, các Đoàn cơ sở đã và đang duy trì lớp học tình thương, có thể nói đây là một điển hình tiên tiến. Lớp học tình thương không chỉ giảng dạy mà các em còn được tham gia sinh hoạt Đội để rèn luyện tốt hơn...

Những giáo viên không chuyên ấy với sự nhiệt tình, năng động của tuổi trẻ đã cùng góp phần vào sự tiến bộ của xã hội. Họ đã thắp lên một tia sáng, một niềm vui khi đất trời vào xuân.

KIM VÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên