Những mô hình chống rác thải nhựa

Cập nhật: 27-06-2020 | 07:26:19

Nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình chợ dân sinh giảm rác thải nhựa, chung cư phân loại và giảm rác thải nhựa để hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.


Đoàn viên thanh niên tham gia phát túi vải cho người dân đi chợ

“Vì một Bình Dương xanh”

Với thông điệp “Vì một Bình Dương xanh”, hoạt động tuyên truyền, giáo dục được Đoàn Thanh niên trong tỉnh được đẩy mạnh để góp phần hình thành ý thức, thái độ tốt, hành động thân thiện với môi trường của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi; đặc biệt là phong trào chống rác thải nhựa. Công tác tuyên truyền thông qua hình thức trực quan như panô, khẩu hiệu, màn hình quảng cáo công cộng, biển, bảng thông tin; hạn chế dùng bạt hiflex, khuyến khích dùng các vật liệu thân thiện, tái chế khi tuyên truyền. Bên cạnh đó là tuyên truyền thông qua báo chí, truyền thông, xây dựng các bản tin, clip, phóng sự tuyên truyền, qua mạng xã hội...

Theo kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tổ chức tập huấn triển khai chương trình 2 mô hình. Trong đó, cả 2 mô hình đều được khuyến khích sử dụng “Ứng dụng phân loại rác tại nguồn được tích điểm tặng quà mGreen” có chức năng hướng dẫn phân loại rác, gọi người thu gom rác tái chế và tích điểm đổi quà cho cư dân và người thu gom khi phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, mô hình 1 là mô hình chung cư giảm thiểu rác thải nhựa. Nội dung mô hình này nhằm tập huấn cư dân, công nhân vệ sinh phân loại rác thải sinh hoạt; hàng tuần có các hoạt động tuyên truyền trực quan tại khu chung cư. Mô hình 2 là mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa. Trong mô hình 2, người bán hàng được tập huấn cách phân loại rác và thực hiện các hình thức gói hàng thay thế túi nylon như lá chuối, báo, các sản phẩm thân thiện với môi trường... Đối với người mua hàng sẽ được hướng dẫn cách tự cầm đồ đi đựng hoặc dùng các sản phẩm thay thế khác để gói thực phẩm, hàng hóa.

Đưa mô hình vào cuộc sống

Anh Trần Bảo Lâm, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết, để xây dựng 2 mô hình, bước đầu, Tỉnh đoàn sẽ khảo sát địa điểm phù hợp để chọn lựa triển khai các mô hình. Tùy thuộc vào địa điểm, đối tượng và các tiêu chí khung, xây dựng tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế; sau đó xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền trực quan và thông qua báo chí, truyền thông, trang tuyên truyền của Đoàn và địa phương; xây dựng các bản tin, clip, phóng sự tuyên truyền và thông qua các mạng xã hội. Các đội thanh niên tình nguyện triển khai mô hình sẽ được tập huấn, tuyên truyền, vận động Ban Quản lý chợ, người dân và các chủ quầy hàng thay đổi thói quen sử dụng nhựa trong mua bán; thực hiện và duy trì thực hiện các tiêu chí hành động chống rác thải nhựa, hàng tuần có các hoạt động tuyên truyền trực quan tại chợ. Để duy trì mô hình, Đoàn địa phương thường xuyên phối hợp với các bên liên quan như Ban Quản lý chợ, chung cư, chính quyền địa phương để duy trì triển khai mô hình; đồng thời, kêu gọi, vận động xã hội hóa các sản phẩm thay thế nhựa dùng 1 lần nhằm hỗ trợ cho người dân tại chợ thực hành, sử dụng.

Nhằm thực hiện tốt phong trào này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Thành đoàn Thủ Dầu Một triển khai thí điểm mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa” tại chợ Thủ Dầu Một và mô hình “Chung cư hạn chế rác thải nhựa” tại chung cư Hòa Lợi. Đối với các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai trên tinh thần tích cực chủ động tuyên truyền về 2 mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa” và “Chung cư hạn chế rác thải nhựa” đến các cấp bộ Đoàn cơ sở, đặc biệt là phổ biến, vận động đoàn viên, thanh niên và người dân thực hiện các tiêu chí hành động của 2 mô hình; thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ triển khai 2 mô hình.

Mặt khác, Tỉnh đoàn chủ động khảo sát, nghiên cứu các địa điểm phù hợp triển khai các mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa”, “Chung cư hạn chế rác thải nhựa” trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế, mỗi đơn vị Đoàn có ít nhất 1 mô hình và nhân rộng trong các năm tiếp theo. Các mô hình sẽ tạo phong trào hành động của đoàn viên, thanh niên; đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chung tay chống rác thải nhựa trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày.

 KIM TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1679
Quay lên trên