Họ là những tài xế bất đắc dĩ. Vì tình yêu thương đồng bào, họ bất chấp hiểm nguy để xông pha vào trận chiến chống Covid-19. Họ là những tình nguyện viên chuyên chở các bình oxy phục vụ cho khu cách ly, bệnh viện dã chiến để nối dài sự sống cho người bệnh trong cuộc chiến với tử thần.
Anh Bùi Văn Phi (phải) bàn giao đồng hồ ống thở của bình oxy tại khu cách ly trường Tiểu học Võ Minh Đức, TP.Thủ Dầu Một
Không thể ngồi yên trước đại dịch
Chung tay góp sức vào công cuộc chống dịch Covid-19, anh Bùi Văn Phi, ở khu phố 7, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một đã thành lập nhóm 8 người tình nguyện chở bình oxy đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Thời gian qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Bình Dương khá lớn, trong số đó có những người diễn biến nặng và rất nặng. Lúc này, sợi dây giữa sự sống và cái chết là rất mong manh. Vì thế, oxy là thứ không thể thiếu giúp các bệnh nhân vượt qua thời gian “vàng” để được cứu sống.
Thời gian qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Bình Dương khá lớn, trong số đó có những người diễn biến nặng và rất nặng. Lúc này, sợi dây giữa sự sống và cái chết là rất mong manh. Vì thế, oxy là thứ không thể thiếu giúp các bệnh nhân vượt qua thời gian “vàng” để được cứu sống. Việc hỗ trợ oxy cho những F0 đang điều trị tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến thật sự cần thiết lúc này. Dù ngày hay đêm, những tình nguyện viên chuyên chở oxy vẫn ngược xuôi mang sự sống đến với người bệnh khi họ cần tới. Họ chính là những “chiến sĩ” đã và đang tham gia trên mặt trận phòng, chống Covid-19, cùng Bình Dương nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. |
Dưới sự điều phối của Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, anh Phi cùng nhóm của mình đưa các thiết bị y tế, oxy… đến khu cách ly, bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu. Ngoài ra, nhóm của anh còn hỗ trợ đưa đồ ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm khác đến cho các y, bác sĩ và lực lượng phục vụ trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Ròng rã hơn 1 tháng nay, anh Phi cùng các thành viên trong nhóm hiếm có giây phút nghỉ ngơi ở nhà. Lúc đầu, anh chỉ hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân khó khăn trong vùng, nhưng sau đó thấy tình hình cấp bách, khi số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao anh quyết định tình nguyện chở thêm cả bình oxy dưới sự điều phối của Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, mặc dù biết rằng nhiệm vụ này nhiều hiểm nguy, rủi ro cao.
Anh Phi chia sẻ: “Lúc này, tôi thấy mình không thể ngồi ở nhà được. Các lực lượng tại Bình Dương đang căng mình chống dịch. Tôi đã từng chứng kiến người bệnh tử vong do không có oxy, đau xót quá nên tôi quyết tâm phải tham gia bằng được”. Anh nói thêm: “Có những ngày cả nhóm làm việc từ sáng đến khuya, vừa đi giao oxy đến các khu cách ly vừa lấy vỏ bình không về để đi nạp khí. Bữa trưa các thành viên trong nhóm ai cũng ăn vội để cho kịp thời gian, sợ các khu cách ly thiếu oxy nếu chuyển không kịp, lỡ bệnh nhân cần lại không có thì nguy hiểm đến tính mạng... “Tôi chỉ mong mình bị… “thất nghiệp” trong nghề chở oxy này, không có những cuộc gọi cần oxy gấp, cuộc sống sẽ được trở về trạng thái bình thường…”, anh Phi tâm tình.
Trao oxy - trao nguồn sống
Cũng như anh Phi, anh Bùi Đình Nghĩa (24 tuổi) cũng không thể đứng ngoài cuộc khi chứng kiến lực lượng y tế đang gồng mình chiến đấu trong cuộc chiến không tiếng súng-cuộc chiến chống Covid-19. Quê ở Lâm Đồng, cách đây hơn 2 năm anh xuống Bình Dương lập nghiệp với vai trò là quản lý một quán cà phê. Khi dịch bệnh bùng phát, quán cà phê nơi anh làm việc buộc phải đóng cửa để chống dịch. Lúc này, khi nghe tin Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một đang thiếu tình nguyện viên chở oxy nên anh chủ động đăng ký tham gia.
Anh Bùi Văn Phi (bên trái) cùng nhóm tình nguyện vận chuyển oxy lên xe tiếp tế cho khu cách ly, bệnh viện dã chiến
Ròng rã 1 tháng rưỡi trên những chuyến xe chở đầy bình oxy, cũng có những lúc anh cảm thấy mệt mỏi khi phải khuân vác hàng chục bình oxy nặng nề mỗi chuyến, nhưng khi nghĩ đến nhiều bệnh nhân sẽ qua khỏi căn bệnh Covid-19 khi có oxy để thở kịp thời, anh lại có thêm động lực để cùng nhóm của mình chiến đấu ngày đêm. Anh Nghĩa chia sẻ: “Nhiều lúc tôi nghĩ, mình không làm điều này cũng không sao, ở nhà thì sẽ an toàn cho mình. Nhưng tôi thấy ở ngoài kia biết bao nhiêu y, bác sĩ đang đối mặt với nguy hiểm, từng ngày giành giật sự sống cho mọi người. Bao nhiêu người đang ngày đêm không ngủ để hỗ trợ lương thực cho người dân. Tôi thấy mình còn may mắn nên muốn góp chút sức để cùng mọi người chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Trong hành trình làm shipper oxy bất đắc dĩ, hình ảnh về những đứa bé F0 đứng trên lầu 2 tại trường Tiểu học Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) vẫy tay chào khiến anh không thể nào quên. “Chứng kiến hình ảnh này, tôi cứ thấy xót xa làm sao. Các em mắc Covid-19 khi không có người thân bên cạnh nhưng vẫn vô tư, hồn nhiên. Sự khắc nghiệt của căn bệnh khiến bao gia đình phải chia cắt. Tôi chỉ mong dịch bệnh mau chóng qua đi…”, anh Nghĩa xúc động nói.
Theo Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, khi các khu cách ly, bệnh viện dã chiến cần thiết bị y tế hay oxy họ sẽ báo với Phòng Kế hoạch nghiệp vụ của trung tâm. Sau đó, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ sẽ thông báo trong group (nhóm) Zalo để các tình nguyện viên biết và đến Trung tâm Y tế chở đưa đi. Đội tình nguyện dưới sự điều phối của Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một có 4 xe, 8 tình nguyện viên. Họ là những người rất nhiệt tình, có tâm, không nề hà khó khăn. Cứ cần lúc nào là họ có mặt lúc đó, nên đáp ứng kịp thời được nhu cầu vận chuyển bình oxy, thiết bịy tế cho trung tâm, phục vụ cho cuộc chiến đầy cam go với tử thần để giành lại sự sống cho những người bệnh.
►“Lúc này, tôi thấy mình không thể ngồi ở nhà được. Các l ực lượng tại Bình Dương đang căng mình chống dịch. Tôi đã từng chứng kiến người bệnh tử vong do không có oxy, đau xót quá nên tôi quyết tâm phải tham gia bằng được…” (Anh Bùi Văn Phi) ►“Nhiều lúc tôi nghĩ, mình không làm điều này cũng không sao, ở nhà thì sẽ an toàn cho mình. Nhưng tôi thấy ở ngoài kia biết bao nhiêu y, bác sĩ đang đối mặt với nguy hiểm, từng ngày giành giật sự sống cho mọi người. Bao nhiêu ngư ời đang ngày đêm không ngủ để hỗ trợ lương thực cho người dân. Tôi thấy mình còn may mắn nên muốn góp chút sức để cùng mọi người chung tay đẩy lùi dịch bệnh”. (Anh Bùi Đình Nghĩa) |
HUỲNH THỦY