Những “người bạn” trên núi Châu Thới

Cập nhật: 04-02-2016 | 12:14:36

 Không ai biết đàn khỉ ở núi Châu Thới có từ bao giờ, nhưng có người nhớ rõ từng khuôn mặt, tính cách của đàn khỉ đang sống tại đây. Bà Tư, một người bán nhang đèn trước cổng chùa trên núi cho biết: “Khỉ ở đây rất tình cảm, nhưng chúng cũng biết giận, biết hờn nếu mình cư xử không đúng mực. Tôi xem bầy khỉ như những người bạn”. Với du khách đến núi Châu Thới thì họ xem bầy khỉ như những “viên ngọc” quý mà thiên nhiên ban tặng cho danh thắng này.

 “Thổ địa” của núi

Đến núi Châu Thới (tọa lạc tại phường Bình An, TX.Dĩ An), du khách không chỉ được viếng ngôi chùa cổ xưa nhất Nam bộ mà còn được hít thở bầu không khí trong lành ở độ cao khoảng 100m so với mặt nước biển. Đặc biệt, khi đặt chân đến đây khách hành hương sẽ được đàn khỉ núi “tiếp đón” nồng nhiệt.

Ngay từ chân núi, những chú khỉ ngộ nghĩnh bám theo du khách xin quà, nắm tay và không quên pha trò biểu diễn bằng những màn nhào lộn rất vui mắt. “Đàn khỉ ở đây rất thân thiện, nhưng du khách cũng không nên làm khỉ giận”, đó là lời dặn dò của anh Phạm Xuân Lương, chủ quán nước ở khu vực đỉnh núi.

Anh Lương kể, khi mới đến đây kinh doanh, anh cũng bị bầy khỉ quấy rầy không ít. Khi thì chúng trộm nước, khi thì lấy nhang đèn đem giấu. Hiểu được chúng, sau này anh không la hét hay lấy đá rượt ném, mà thỉnh thoảng mang cho chúng những trái cây tươi. Khi chúng cao hứng pha trò, anh không quên tán thưởng bằng những tràng pháo tay… Dần dần chúng xem anh như bạn. Bây giờ thì “nước sông không phạm nước giếng”, bầy khỉ rất ít khi đến phá hàng quán của anh Lương.

Khỉ núi Châu Thới có bờm lông cổ tuyệt đẹp

Từ chỗ yêu mến, anh Lương đã cất công tìm hiểu về đàn khỉ này. Anh cho biết: “Một số người cho biết khỉ ở đây đa phần được du khách gần xa đem đến phóng sinh, rồi phát triển thành bầy đàn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì tôi thấy không phải vậy. Ở đây chỉ có 2 loài khỉ, đó là khỉ đuôi dài và khỉ mặt đỏ. Loài khỉ mặt đỏ sống dọc chiều dài đất nước, riêng khỉ đuôi dài sống nhiều ở các tỉnh Tây nguyên trải dài xuống vùng đất Nam bộ. Chúng đã có mặt và tồn tại ở đây từ rất lâu. Loài khỉ này có bờm trên cổ rất đẹp, có con nặng gần 10kg. Tôi đã từng chứng kiến khỉ nhà được đem đến đây phóng sinh đều không tồn tại được, bởi bầy khỉ núi không cho khỉ lạ xâm nhập lãnh thổ.

Chị Lý Thị Phượng (nhà ở huyện Long Thành, Đồng Nai), cho biết nhiều năm trở lại đây, gia đình chị thường đến viếng chùa Châu Thới. Đứa con gái của chị gần như biết rõ nét mặt từng con khỉ trên chùa Châu Thới. Cứ mỗi lần nghe mẹ bảo đi chùa là cô bé mừng lắm và không quên dặn mẹ mua nhiều đậu phộng luộc làm quà cho khỉ vì đây là món khoái khẩu của chúng. "Tôi cho rằng bầy khỉ là một tài sản quý của thiên nhiên ban tặng cho núi Châu Thới, vì vậy cần được chăm sóc và bảo vệ chu đáo!”, chị Phượng chia sẻ.

Tình khỉ… tình người

Ở trên đỉnh núi này, có người dành cho khỉ rất nhiều tình cảm, xem chúng như những người bạn tri kỷ, đó là bà Nguyễn Thị Xê (tên thường gọi bà Tư), một người bán nước, nhang đèn cạnh những bậc thang lên cổng chùa. Bà Tư cho biết nhà bà ở dưới chân núi, lúc còn nhỏ, bà đã hành nghề bán nhang đèn cho khách thập hương đến viếng cảnh chùa. Cũng nhờ nghề này mà bà đã nuôi con cái trưởng thành.

“Năm nay đã gần 80 tuổi, con cháu bảo tôi ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng tôi không chịu. Một ngày không lên chùa là tôi thấy bứt rứt trong người vì đã quen khí hậu ở đây. Mỗi khi bệnh đau vài ba hôm là tôi nhớ lũ khỉ lắm. Khi lên núi tôi thường mua vài nải chuối, trái cây mà chúng thích. Tôi xem bầy khỉ như những người bạn. Nhớ lại những khi hàng quán đông khách, mình bận tay buôn bán rồi lớn tiếng quát tháo khi chúng đến là tôi biết thế nào chúng cũng quay lại rình rập lấy trộm nhang, nước đem lên cây cất giấu… Nhưng khi chúng đến mà tôi vui vẻ cho quà, bắt chí là chúng không bao giờ phá phách. Có hôm mình đang thiu thiu ngủ trưa, có con đến vạch hông áo, con thì bắt chí cho mình. Hôm nào tôi vắng mặt thì hôm sau tụi nó sẽ kéo đến rất sớm”, bà Tư trò chuyện.

Bầy khỉ luôn tỏ ra thân thiện với du khách

Nói về bầy khỉ núi đậm tình, đem đến cho du khách nhiều kỷ niệm khó quên khi đến cửa Phật, Hòa thượng Thích Huệ Thông, trụ trì chùa Châu Thới cho biết, bầy khỉ này đã có từ rất lâu. Khi còn là một đứa trẻ 3 tuổi, thầy Thông đã lên núi. Lớn một chút, hàng ngày thầy xuống núi lấy nước, làm ruộng thì ông đã phát hiện ở chân núi có rất nhiều khỉ. Quanh núi có khoảng 50 cây vú sữa, chuối và nhiều cây trái khác nên khỉ có thức ăn quanh năm. Cũng vì thế mà chúng rất ít khi tìm lên chùa phá phách, kiếm thức ăn. Những năm gần đây, cây trái trên núi không còn nhiều, nên nguồn thức ăn của khỉ chủ yếu do nhà chùa, du khách cung cấp…

Ở đỉnh núi Châu Thới, hàng ngày có không ít người ra sức bảo vệ, chăm sóc và dành cho bầy khỉ một tình cảm đặc biệt. Những việc làm ấy thật đáng trân trọng, bởi họ đã góp một phần công sức không nhỏ để bảo vệ loài động vật đầy tình cảm này. Hy vọng hàng chục, thậm chí cả trăm năm sau, “tài sản” mà thiên nhiên ban tặng vẫn tồn tại trên đỉnh núi thiêng.

 “Tôi cho rằng bầy khỉ là một tài sản quý của thiên nhiên ban tặng cho núi Châu Thới, vì vậy cần được chăm sóc và bảo vệ chu đáo!”, chị Lý Thị Phượng, một khách hành hương tại chùa Châu Thới nói.

 “Hơn 80 năm trước, chùa Châu Thới chỉ là một gian nhà nhỏ bằng gỗ, có 3 người tu hành. Vùng đất quanh chân núi toàn rừng, thỉnh thoảng mới có vài người đặt chân lên chùa đốt nhang, lễ Phật. Theo sử sách ghi chép, chùa Châu Thới được xây dựng từ năm 1612. Năm 1992, ngôi chùa này được trùng tu, nhiều công trình được hiện đại hóa. Năm 1989, chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Trong suốt thời gian chùa Châu Thới được hình thhành, người ta đã thấy sự hiện diện của bầy khỉ tại đây”, Hòa thượng Thích Huệ Thông cho biết.

 

QUẢNG ĐIỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=758
Quay lên trên