Họ là những người nông dân chân đất. Tuy nhiên, cuộc sống nhọc nhằn không làm mất đi lòng yêu thích và ước muốn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Họ đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết cho niềm đam mê ấy...
Tiết mục tham gia liên hoan ca múa nhạc dân tộc dân gian
Đến ấp Tân Thịnh, xã An Bình, Phú Giáo, nơi rất nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Khơ-me sinh sống, tôi tìm gặp ông Kim Thật, một trong những người Khơ-me lớn tuổi nhất tại đây. Ông được thừa hưởng gia tài quý giá của ông nội để lại đó là dàn cồng chiêng, nét đặc sắc của dân tộc Khơ-me. Năm nay, ông đã 63 tuổi, bệnh nằm tại nhà nhưng khi nói đến bộ cồng chiêng ông Thật quên mọi đau đớn, bệnh tật ngồi dậy tiếp chuyện cùng tôi. Với giọng lơ lớ không rành tiếng Việt, ông Thật kể, lúc nhỏ mỗi lần có đợt giao lưu văn hóa văn nghệ các dân tộc trên địa bàn huyện, tiếng cồng chiêng lại ngân vang thu hút sự chú ý của nhiều người. Với niềm đam mê chơi cồng chiêng “cháy bỏng”, ông luôn là người đến sớm nhất để được thấy và nghe âm hưởng của nó. Sau đó, gia đình mua được một dàn cồng chiêng, có nhạc cụ tập luyện, ông càng đam mê hơn. Ông tìm học những người lớn tuổi trong phum, sóc và lập một đội tối tối đem dàn cồng chiêng ra đánh, ngoài ra khi được mời giao lưu ông không ngần ngại cho dù đường đi khá xa.
Ông Thật cho biết thêm, dàn cồng chiêng có tất cả 6 cái, sau nhiều lần đi giao lưu ông đã làm mất 2 chiếc. Dù không đủ bộ vẫn có thể đánh được, truyền tải được điều người chơi muốn thể hiện. Mỗi chiếc mang một âm hưởng khác nhau, khi chơi chiếc cồng lớn nhất sẽ được đánh trước, sau đó đến những cái nhỏ hơn. Một lần chơi ít nhất là 50 phút, trong quãng thời gian đó tiếng nhạc không được đứt quãng. Hiện nay, khi độ tuổi đã lớn, ông vẫn tìm đủ mọi cách để bảo tồn bộ cồng chiêng.
Chúng tôi đến nhà bà Thạch Thị Men, người ĐBDTTS Khơ-me còn lưu giữ lại những điệu hát của dân tộc Khơ-me. Trao đổi với chúng tôi, bà Men cho biết, người Khơ-me có một nền ca nhạc rất phong phú. Nhạc cụ gồm các loại nhị, đàn, đàn thuyền (rô néat), sáo gỗ (xralay), trống vỗ (xomphô), trống cái (xko thum); đặc biệt là dàn nhạc Pinh Piết gồm hai dàn chiêng (kôông thum) 18 cái, âm thanh từ rất trầm đến cao vút. Âm nhạc của người Khơ-me bao giờ cũng nổi đình đám khi hòa tấu trong các dịp lễ hội, đám cưới, đám cúng phật, cúng thần. Âm nhạc khơi nguồn cho ca hát bằng nhiều điệu: hát ru con, hát trong lao động, hát huê tình, hát lễ nghi, hát diễn truyện thơ (Chum riên chàpây), hát đối đáp (aday)... Thế nhưng hiện nay, số người Khơ-me định cư tại Phú Giáo biết về những điệu hát trên rất ít.
Rời nhà bà Men, tôi tìm đến gặp một người phụ nữ Khơ-me lưu giữ các điệu múa đặc sắc của dân tộc Khơ-me, bà Kim Thị Liên, ấp Tân Thịnh, xã An Bình. Cuộc sống của bà có lẽ khá khó khăn nhưng bà luôn vui vẻ, niềm nở đón chúng tôi. Theo bà Liên, đó là cách sống của người ĐBDTTS Khơ-me, bất kể cuộc sống như thế nào vẫn luôn lạc quan yêu đời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những bài hát mang nét văn hóa đặc sắc của người ĐBDTTS Khơ-me, dân tộc này còn được biết đến với những điệu múa đẹp, uyển chuyển. Trong đó, múa Lăm vông với điệu khoan thai, múa kiếm (Răm khách) chậm rãi, múa Răm saravan và Lăm lêu sôi động, nhanh nhẹn, cùng với các điệu múa ném nhung, múa trống (xè dăm), múa chim công (Răm ca ngok), múa gáo dừa (Răm ta lok)... cũng như các điệu hát, điệu múa của người Khơ-me tại đây cũng dần đi vào “quên lãng”.
Theo bà Liên, để tập luyện lại những điệu múa của dân tộc thật không dễ, bởi thế hệ già không “mặn mà”, con trẻ thì chê. Tôi hy vọng cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ để chúng tôi, những người còn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình có thể góp một phần nhỏ “thắp” lên niềm đam mê cho thế hệ trẻ.
Trước trăn trở của những người “giữ hồn” văn hóa Khơ-me, ông Đặng Văn Giáp, cán bộ văn hóa xã An Bình cho biết: “Từ khi phát hiện ra những người lưu giữ những giá trị văn hóa của ĐBDTTS Khơ-me trên địa bàn xã, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ VH-TT xã tìm gặp và động viên họ truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hiện nay, xã đang lên kế hoạch tổ chức lớp dạy chữ Khơ-me, dạy múa, hát cho chính người ĐBDTTS Khơ-me. Đồng thời, động viên các đoàn viên thanh niên là người Khơ-me đến tận nhà, vào tận ngõ khuyên anh em, bạn bè mình tham gia lớp học. Bên cạnh đó, UBND xã còn tích cực tổ chức nhiều hội thi, giao lưu văn hóa văn nghệ để họ có cơ hội tham gia. Qua đó, mong muốn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đồng bào Khơ-me phải luôn biết cách bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống của mình. Tuy nhiên, để khôi phục lại tất cả những nét văn hóa, văn nghệ truyền thống sôi động của người Khơ-me là cực kỳ khó. Bởi chỉ có chính những con người Khơ-me tâm huyết mới thật sự vực dậy được những nét văn hóa, văn nghệ sôi động này, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, của ngành VH-TT.
THIÊN LÝ