Những người lính hội ngộ

Cập nhật: 11-05-2012 | 00:00:00

Ngày 10-5, những người lính kháng chiến huyện Châu Thành (cũ) - Chiến khu Vĩnh Lợi (Tân Uyên) đã có buổi họp mặt đầy ý nghĩa. Lâu lắm rồi, họ mới được gặp mặt nhau, mỗi lần như thế, họ đều vui mừng khôn xiết, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, những trận chiến oai hùng, viết lên bản hùng ca Chiến khu Vĩnh Lợi...  Cán bộ lão thành và lãnh đạo tỉnh tại buổi họp mặt

Oai hùng những người lính

Những trận chiến oanh liệt của quân và dân huyện Châu Thành (cũ) cách đây đã hơn 37 năm nhưng những người lính vẫn còn nhớ như in. Ông Phan Văn Hiếu, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành (cũ) giai đoạn 1973-1976, Trưởng ban liên lạc những người kháng chiến nhớ lại, Châu Thành ngày xưa là chiến trường ác liệt. Chính nơi đây đã tập hợp lực lượng yêu nước của các thế hệ. Tôi là người tham gia kháng chiến thế hệ thứ 2. Trong tâm trí của những người kháng chiến thì căn cứ Vĩnh Lợi là nơi học tập, rèn luyện, là căn cứ bàn đạp quan trọng của quân và dân ta. Nó đã ôm vào lòng đất mẹ hơn 1.100 liệt sĩ đã ngã xuống, trên 950 anh chị em bị thương tật được Huyện ủy Tân Uyên và một số địa phương giáp ranh góp phần giải quyết chính sách. Những người năm xưa đã đem chính phần thân thể của mình hiến dâng cho Tổ quốc thì đâu còn gì đẹp hơn, quý hơn. Chính những người lính đã ngã xuống và còn sống sót đã làm rạng rỡ vùng đất Châu Thành, để rồi hôm nay, nơi đây đã sản sinh ra 14/17 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Trên vùng đất này cũng có đến 208 bà mẹ VNAH, nhiều gia đình đã mất mát người thân vì đấu tranh giành độc lập dân tộc.   Ông Phan Văn Hiếu, Trưởng ban liên lạc tặng quà cho một gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng

“Vâng, vinh quang đã thuộc về những người lính, những người mẹ, những người ra đi không bao giờ trở lại vì chân lý bất di bất dịch “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Họ đã ngã xuống trên vùng đất thiêng liêng vì nghĩa lớn. Họ đã mãi mãi ra đi và không bao giờ trở lại. Họ là những người bất tử để lại cho chúng ta những tấm gương sáng chói cho đời sau” - ông Phan Văn Hiếu đã nghẹn ngào như thế. Cũng nhớ về những trận chiến oai hùng trong Chiến khu Vĩnh Lợi, ông Nguyễn Đức Tín, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn huyện Châu Thành kể, kỷ niệm của tôi về Châu Thành là một ký ức lớn, từ một vùng đất trắng xây dựng được 2 căn cứ, tiêu diệt nhiều đồn địch làm cho căn cứ của quân và dân ta càng phát triển. Hồi trước, mặc dù địch bao vây nhưng quân và dân ta đã mưu trí, dũng cảm, đánh địch tan tác trong nhiều trận đánh. Đây là những bài học lớn để quân và dân ta áp dụng vào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.   Nhiều cán bộ lão thành tay bắt mặt mừng sau bao năm gặp lại

Rất nhiều người lính giờ đã ở tuổi xế chiều, nhưng những hình ảnh về đồng chí, đồng đội và những ký ức về sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Châu Thành vẫn còn đó. Nếu sau này, Chiến khu Vĩnh Lợi không còn rừng nguyên sinh như xưa nữa thì chúng ta cũng không thể quên lịch sử của nó trong ký ức về vùng đất Châu Thành, Chiến khu Vĩnh Lợi. Bởi nơi đây đã viết nên những chiến công oai hùng, nơi cứ điểm quan trọng để ta tấn công địch, là tiền đồn án ngữ Chiến khu Đ oai hùng. Ông Phan Văn Hiếu cho biết: “Không có gì tự hào, vẻ vang hơn khi những người lính đã chiến đấu dũng cảm, tạo nên một Chiến khu Vĩnh Lợi oai hùng. Chính nơi bom cày, đạn xới năm xưa để hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã quyết tâm xây dựng thành một vùng đất phát triển năng động của cả nước. 

Thế hệ trẻ cần ghi nhớ

Rất nhiều người lính cho biết, Chiến khu Vĩnh Lợi là nơi nhiều thế hệ trẻ cống hiến tuổi thanh xuân của mình để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Do vậy, các thế hệ trẻ hôm nay cần ghi nhớ. Ông Nguyễn Thái Phương, nguyên là người lính Châu Thành, nguyên Giám đốc Sở Giao thông cho rằng, đứng ở thành phố mới hôm nay mới thấy những đổi thay tuyệt vời của vùng đất chiến khu xưa. Nhiều lớp trẻ hôm nay sẽ biết đến thành phố mới nhưng cũng cần nhớ đến những dũng khí của cha anh đi trước đã đổ bao xương máu để viết lên một Chiến khu Vĩnh Lợi oai hùng. Chính những vùng đất phát triển hôm nay như Vĩnh Tân, Tân Uyên, khu vực thành phố mới - những nơi này, cha anh đã đổ bao xương máu để có một Bình Dương đổi mới toàn diện như ngày hôm nay. Theo ông Phương, Tân Uyên cũng đã có quyết định chọn 5 ha đất Vĩnh Lợi để phục dựng lại di tích này. Đây sẽ là nơi ghi ơn những người lính, nơi để cho lớp trẻ hôm nay ghi nhớ và học tập, noi gương.   Những người lính năm xưa vui mừng gặp lại

Ông Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Châu Thành năm xưa là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các thế hệ cha anh đã không quản ngại hy sinh gian khổ, ác liệt, khó khăn, cống hiến sức lực, trí tuệ và sinh mạng cho sự nghiệp cách mạng. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt, đã thắm đượm biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ cách mạng, góp phần tô đậm những trang sử của Đảng và dân tộc ta. Cũng nơi đây đã tạo nên những thế hệ tiếp bước cha anh, làm rạng rỡ truyền thống bất khuất của vùng đất anh hùng. Truyền thống yêu nước và những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền bối, của các đồng chí lão thành cách mạng đã truyền cho thế hệ con cháu ngày nay ngọn lửa rực sáng của tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất, sự kiên định vững vàng của người chiến sĩ cách mạng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương mãi mãi tri ân những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã ngã xuống cho độc lập hôm nay. Những lớp thế hệ trẻ kế thừa luôn tự hào, mãi ghi nhớ những chiến công oanh liệt trong kháng chiến, cũng như những đóng góp quý báu của những người lính trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp.

HỒ VĂN - NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=276
Quay lên trên