Những người “lội ngược dòng” giữ nghề truyền thống

Cập nhật: 17-05-2018 | 15:32:05

(BDO) Nghề truyền thống dần biến mất theo dòng chảy của thời gian, nhưng vẫn còn đó những con người thầm lặng bám trụ với nghề, lội ngược dòng và cố giữ dây neo để níu lại ngành nghề truyền thống. 


Hơn 500 chú heo đất nhưng vắng bóng người ham làm nghề. Ảnh: 
THANH THẢO

Nghề làm heo đất ở thị xã Thuận An thời hoàng kim có hơn 200 hộ giờ chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề nằm rải rác. Heo làm từ đất, mà đất thì xưa giờ vốn tĩnh lặng, ôn hòa nên có lẽ nghề này cũng vậy, và người làm nghề cũng thế.

Xưởng sản xuất nhỏ của chú Vũ Văn Tâm khiến chúng tôi tò mò vì chỉ có một chị gái đang đứng quanh quẩn bên mấy con heo đất, chị là Xuân- con gái của chú Tâm. Chị đang tháo khuôn cho mấy con heo đất. Trận mưa đêm qua làm khu xưởng nhỏ trở nên sình lầy và ẩm ướt. Chị Xuân vừa nói chuyện với chúng tôi, tay vẫn không rời khỏi mấy con heo đang trong công đoạn tháo khuôn. Đi với chị qua hai hàng để khuôn, đôi dép chị mang đã dính một lớp đất, còn dép của chúng tôi thì nặng không buồn nhấc “thấy chưa, dơ vầy sao mà người ta chịu làm được”- Chị Xuân nói. Thật ra giờ cũng có mấy ai mua heo về bỏ tiền, chỉ mua về để trang trí cho đẹp. Làng nghề thủ công thì làm sao bằng sản phẩm heo nhựa do máy móc làm ra, giờ xã hội tân tiến thì tất nhiên mọi thứ đều phải tiến bộ, người ta đi về phía trước chứ mấy ai lại quay đầu nhìn ngược lại quá khứ làm gì. Lớp trẻ ngày nay cũng thế, ai cũng thích nhanh, gọn, lẹ mấy ai lại tiếp nối cái nghề thủ công của cha ông, mấy ai lại chịu mần mò học hỏi.


Muốn có thành phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh:
XUÂN HƯƠNG

Có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích về sự mai một của làng nghề. Nhưng không ai nói được lý do tại sao phải giữ lại nó, ngoài hai từ văn hóa và truyền thống. Nghề ở đây thường là cha truyền con nối, nên gia đình nào cũng làm heo được ba, bốn đời là ít. Cô Đào và chú Tâm là người nối nghiệp gia đình, họ như đang bị mắc kẹt giữa dòng chảy của thời gian và trách nhiệm, không thể đi tiếp cũng không thể dừng. Dáng vẻ khắc khổ của người phụ nữ ấy không che được niềm hạnh phúc và nụ cười đôn hậu khi cô nói đến công việc của mình: “Nghề này cực lắm, nhưng thích thì mới làm mấy chục năm nay, chứ không thích thì không ai theo nổi nghề này đâu”. Vậy là người ta có chục cái lý do để bỏ nghề nhưng chỉ cần một lý do “yêu nghề” thì vẫn có thể gắn bó.

Xuân từng là sinh viên đại học, nhưng chị quyết định nghỉ học để phụ giúp ba mẹ, nhà ít người lại không mướn được ai làm nên chị gác lại chuyện học để gắn bó với nghề của gia đình. Vậy là tới chị, đời thứ tư của dòng họ, nghề vẫn được truyền trong máu. Chúng tôi hỏi chị do hoàn cảnh gia đình chị mới nghỉ học để phụ hay sao? Chị cũng có câu trả lời như mẹ: “Chị thích nghề này lắm”, từ lúc nhỏ xíu chị đã biết đến heo đất rồi, chị phụ làm heo từ năm còn đi học cấp hai, cả nhà ai cũng có công việc riêng, người có nhiều kinh nghiệm thì nung heo, canh lửa, còn chị thì làm việc nhẹ nhàng hơn như tháo khuôn, cạo, trám cho heo mịn đẹp hơn, ấy vậy mà mười mấy năm qua việc quen người rồi người yêu việc, cứ thế mà không bỏ nhau được. “Chị thương mấy con heo lắm, phải làm kỹ càng thì ra heo mới đẹp, người mua mới thích. Công việc làm quanh năm suốt tháng, nghỉ là ngứa tay, nghỉ là nhớ nghề lắm, lâu lâu tối ngủ còn nằm mơ thấy tụi nó”. Nói rồi chị cười, ánh mắt chị quen lắm, là ánh mắt yêu nghề y hệt như cô Đào mẹ chị. Chị nói chuyện với chúng tôi cả buổi, trời nóng gay gắt, mồ hôi ướt đẫm nhưng việc thì vẫn phải làm liên tục, đôi tay mềm dẻo và điêu luyện, lấm đầy bùn đất.


Chị Xuân tỉ mỉ tháo từng chiếc khuôn vừa mới khô đêm qua. Ảnh:
THANH THẢO

Đến một con hẻm nhỏ tại khu phố Hòa Long (Lái Thiêu), cô Ngân chủ cơ sở heo đất Thiện Tâm cũng như nhiều người khác đều không biết nghề này có mặt từ bao giờ, cô chỉ nói rằng khi sinh ra đã ngửi được mùi sơn, thấy được con heo nhiều sắc màu rồi cứ thế công việc này cuốn lấy mình từ khi nào chẳng biết. Heo đất truyền thống ngày càng bị mai một, mỗi cơ sở làm nghề đều phải sáng tạo, đổi mới về ngoại hình, nét vẽ cũng phải đặc sắc hơn. Cô Ngân tâm sự: “bởi đâu có ai yêu cái nghề này đâu, nghề này là cái nghề lấm lem, có ai mà chịu theo học”.

Để nghề truyền thống không bị mai một rồi mất đi, cô Ngân mong sao cho thế hệ con cháu mình vì yêu mà ở lại với nghề. Nhưng rồi nhìn những nụ cười gượng, những ánh mắt ái ngại của con cháu mình khi hỏi về chuyện tương lai với nghề, chúng tôi lại thấy ánh lên trong mắt người mẹ ấy không nhiều tia hy vọng. Cô kể ngày trước heo đất còn được người ta ưa chuộng chứ hiện giờ thì bị tồn hàng nhiều, làm ra thì cứ chồng lên đấy chờ bán, nhưng đến khi nào không còn làm được hay không còn ai sử dụng heo đất nữa thì mới thôi làm nghề.


Heo đất phải đặc sắc thì mới có người mua.
Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Trong thời buổi kinh tế khó khăn này, mấy ai trụ với nghề heo đất mà làm giàu, “nói thẳng ra thì nghề này chắc chắn không giàu đâu, một sản phẩm lời có mấy trăm đồng, hư hết một sản phẩm là huề trất, sống được là nhờ mấy con heo kiểu”- Cô Ngân nói. Ngày trước cô chỉ buôn bán heo đất nhưng với tình yêu và mong muốn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông cô mới chính thức đứng ra làm nghề dù nó gian nan hơn mà lời lãi thì chẳng bằng việc buôn bán.

Cô Ngân cùng nhiều hộ gia đình làm heo đất khác luôn đặt niềm tin vào một ngày nào đó nghề truyền thống của cha ông mình sẽ nhanh chóng phát triển trở lại như trước đây.

Làng heo đất ngày xưa hưng thịnh là thế, đông đúc là thế, liệu vài năm nữa gia đình cô Đào, chú Tâm hay cô Ngân có còn ai tiếp nghề? Nghề làm heo đất sẽ ra sao? Liệu có ai sẽ "lội ngược dòng" như chị Xuân để giữ lại ngành nghề truyền thống?

THANH THẢO – XUÂN HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=346
Quay lên trên