Những người mẹ của trẻ mồ côi - khuyết tật

Cập nhật: 12-03-2010 | 00:00:00

Họ là những người phụ nữ bình thường và làm một công việc mà theo nhiều người cũng rất bình thường. Nhưng, có ai đó đã đến và tận mắt chứng kiến những công việc thầm lặng hàng ngày của họ đều có một cảm giác chung, đó là sự nể phục, trân trọng và lòng thầm cảm ơn. Chúng tôi muốn nói đến công việc của những cô bảo mẫu tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương.

Cô Phạm Ngọc Như đang vui đùa cùng các em khuyêt tật

Có mặt tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương vào buổi sáng thứ bảy. Vì là ngày cuối tuần nên trung tâm khá vắng vẻ, tuy nhiên đó chỉ là quang cảnh tại khu vực hành chính. Phía sau, nơi chăm sóc trẻ mồ côi thì hoàn toàn ngược lại...

2 và 15

Theo chân một nhân viên của trung tâm, chúng tôi mở cửa bước vào phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Khác với không khí phía ngoài, không khí ở đây thật sự “sôi động” với nhiều tiếng khóc của trẻ sơ sinh đang đòi cô bảo mẫu cho bú sữa. Quan sát, chúng tôi ghi nhận tại phòng chăm sóc trẻ sơ sinh có đến 15 cháu đang được nuôi dưỡng tại đây. Mỗi trẻ sơ sinh được đặt trong một chiếc nôi xinh xắn, có nhiều trẻ giống như vừa mới sinh ra, bé tí xíu và được quấn vào trong những chiếc khăn trắng trông thật tội nghiệp. Chăm sóc cho 15 trẻ sơ sinh lúc này chỉ có 2 cô bảo mẫu còn rất trẻ. Tuy nhiên, nhìn những động tác và thái độ ân cần của các cô khi chăm sóc cho các em thì biết được tình cảm của họ dành cho các trẻ sơ sinh lớn như thế nào.

Vì các cô bảo mẫu đang trong giờ làm vệ sinh và cho các trẻ sơ sinh bú sữa nên chúng tôi chưa tiện hỏi tên mà qua người nhân viên đi cùng, chúng tôi biết được tên của 2 cô bảo mẫu là Đặng Hồng Điệp và Đinh Thị Ngược. Lúc này, cô Điệp đang bế một bé trai cho bú sữa còn cô Ngược thì thoăn thoắt thay tã và quần áo cho các bé. Bé trai mà cô Điệp đang cho bú thỉnh thoảng lại khóc ré lên, giật miệng ra khỏi bình sữa, cô Điệp phải bỏ bình sữa ra và ôm sát bé vào người để dỗ dành. Có lẽ lúc này cháu bé cảm thấy yên tâm vì đã có hơi ấm của “người mẹ” nên không khóc nữa, chỉ khoảng 10 phút sau cháu đã ngủ ngon lành. Bỏ cháu trai vào nôi, cô Điệp lại tiếp tục cho một bé khác bú sữa. Bé gái được cho bú lần này có vẻ khó hơn, cháu khóc liên tục và không chịu bú. Cô Ngược sau khi làm vệ sinh cho các cháu xong phải qua cùng dỗ dành. Tìm hiểu, chúng tôi được biết bé gái tên N.N.G, em bị bệnh tim, viêm phổi và hội chứng đao. Em G. mới được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng vì bệnh phát nặng. Do bị bệnh nặng nên cô bé G. được “ưu tiên” hơn, hai cô bảo mẫu, người vừa ôm vừa dỗ, người thì đút từng muỗng sữa. Cuối cùng, bé G. cũng uống hết phần sữa của mình và ngủ ngon lành trên tay cô bảo mẫu. Cứ như vậy, các cô cùng nhau lần lượt cho tất cả các em bú sữa của cữ ăn sáng.

Tại phòng nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, chúng tôi cũng ghi nhận lại những hình ảnh vô cùng xúc động. Cô Trần Thị Mai đang tắm cho bé Thương, một em bé trai khoảng 6 tuổi bị bại não khá nặng, không biết làm gì, bị mẹ bỏ rơi cách đây 2 năm. Cô Mai ôm bé Thương sát vào người mình và thực hiện các động tác rất nhẹ nhàng và thuần thục, trước tiên cô gội đầu cho bé, sau đó tắm sạch sẽ các phần còn lại. Sau khi tắm xong và lau khô, bé Thương còn được bôi phấn thơm hẳn hoi. Bé Thương hình như rất thích thú khi được cô Mai tắm, đôi mắt em mở to nhìn thẳng vào người đang chăm sóc mình, tôi biết đôi mắt của em bé bị bại não thuộc loại nặng đang muốn nói gì!

Ở ngoài phòng thì cô Phạm Ngọc Như đang chải tóc và nói chuyện, chơi đùa với các trẻ em khuyết tật. Trừ 5 em đang đi học mẫu giáo còn lại 11 em đều bị khuyết tật khá nặng. Các chứng bệnh của các em mắc phải là bại não, hội chứng đao nên khả năng nhận thức rất kém. Tuy nhiên, các em rất ngoan và tỏ ra rất quý mến các cô bảo mẫu. Một bé gái ôm sát người cô Như đòi cô bế đi chơi, bé khác thì nũng nịu đòi cô chải tóc, một bé khác thì đòi cô Mai đưa đi tắm... tất cả làm nên một hình ảnh thật đẹp và mang một tính nhân văn sâu sắc.

Tấm lòng của người mẹ

Cô Trần Thùy Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương cho chúng tôi biết, trung tâm hiện đang nuôi dưỡng và chăm sóc 48 em, sắp tới sẽ tiếp nhận thêm 4 trẻ sơ sinh từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì lý do bị mẹ bỏ rơi. Phần lớn những em này đều bị bệnh nặng như bại não, hội chứng đao, yếu cơ, suy dinh dưỡng... tuy nhiên cũng có những trường hợp bé bị bỏ rơi là những đứa trẻ rất khỏe mạnh và khôi ngô như bé trai tên H. đang có gia đình làm thủ tục xin nhận con nuôi. Cô Vân nói: “Niềm vui lớn nhất của tập thể cán bộ nhân viên trung tâm nói chung và những cô bảo mẫu nói riêng là nhìn thấy các cháu khỏe mạnh sau khi được các cô tận tình chăm sóc vì thường những đứa trẻ khi chuyển đến đây sức khỏe rất kém...”.

Cũng theo cô Vân, các bảo mẫu tại trung tâm chỉ có cô Đinh Thị Ngược là chưa lập gia đình, còn lại tất cả bảo mẫu đều đã có gia đình và có con cái. Chính vì đã làm mẹ nên những bảo mẫu hiểu được sự thiếu thốn tình cảm của những đứa trẻ kém may mắn này. Do đó, họ chăm sóc các cháu như chăm sóc chính con cái của họ vậy, cô Vân nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi cô Ngược cho biết, lúc mới vào công tác vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc con nít nên cứ lóng nga lóng ngóng thế nào ấy, nhưng rồi qua hướng dẫn của các cô đi trước và nhìn thấy các cháu tội quá nên một thời gian ngắn cô đã làm thành thạo mọi công việc. Đến nay, cô đã công tác tại trung tâm gần 3 năm và trong gần 3 năm ấy cô đã làm mẹ của không biết bao nhiêu đứa trẻ sơ sinh. Cô Ngược nói: “Mình chưa lập gia đình nhưng mình hiểu được sự thiếu thốn tình cảm của những đứa trẻ này ngay từ khi mới chào đời. Mình phải làm hết khả năng có thể để bù đắp phần nào tình cảm cho bọn trẻ, nhiều hôm xin nghỉ phép nhưng chưa hết phép phải vào cơ quan vì nhớ các cháu quá...”. Chúng tôi cũng được biết cô Ngược là người thường xung phong theo các em bị bệnh nặng phải điều trị tại các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh với lý do chưa có gia đình nên không vướng bận. Các cháu ở bệnh viện bao nhiêu ngày thì các cô cũng phải phân công ở cùng với các cháu bấy nhiêu ngày.

Cô Đặng Hồng Điệp thì nói: “Là người đã có gia

Theo cô Trần Thùy Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương thì đối tượng trẻ em được tiếp nhận tại trung tâm là trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi... đối tượng là trẻ em bị bỏ rơi tại bệnh viện đang có dấu hiệu gia tăng. Vừa qua, trung tâm mới nhận 4 cháu và sắp tới lại tiếp nhận thêm 4 cháu bị mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong năm 2009, trung tâm làm thủ tục cho nhận con nuôi 7 em. Định kỳ, trung tâm đều cử người đến thăm gia đình để tìm hiểu về cuộc sống của các cháu...

đình và đã làm mẹ nên cô hiểu lắm sự thiếu thốn tình cảm của những đứa trẻ này. Công việc hàng ngày của cô là chăm sóc, làm vệ sinh, cho các cháu ăn và tập vật lý trị liệu cho những đứa trẻ khuyết tật. Mình chăm sóc con mình sao thì chăm sóc các cháu như vậy, nhiều lúc còn phải tận tụy hơn vì phần lớn những đứa trẻ này đều mang trong mình một căn bệnh...”.

Cô Trần Thị Mai cho chúng tôi biết thêm: “Ban ngày có nhiều người, các cháu còn vui chơi nhưng ban đêm có những cháu rất khó ngủ hoặc không ngủ, nhiều cháu đang ngủ lại gọi tìm mẹ làm các cô trực không cầm được nước mắt, những lúc như vậy chỉ biết ôm các cháu vào lòng để dỗ dành...”.

Chia tay các cô để ra về mà lòng chúng tôi mang nhiều suy nghĩ. Suy nghĩ trước tiên là sự cảm ơn những cô bảo mẫu, những người mẹ đích thực của những đứa trẻ mồ côi và khuyết tật. Chính họ bằng tình cảm và lòng nhân hậu đã ngày đêm chăm sóc các cháu thể hiện một truyền thống quý báu của dân tộc, đó là tính nhân văn của cuộc sống. Suy nghĩ thứ hai là về những người đã vô tình vứt bỏ đi núm ruột của mình, có biện hộ bằng lý do gì chăng nữa thì những hành động như vậy cũng cần bị phê phán, lên án.

NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên