Những người mẹ đất nước mãi gọi tên

Cập nhật: 02-02-2015 | 08:06:16

Chiến tranh đã lùi xa, có những ký ức nhập nhằng giữa cõi quên và cõi nhớ, chỉ còn là những chuỗi chắp nối mờ nhạt, nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn còn đọng lại trong những đôi mắt đã đục màu vì thời gian.Vượt lên tất cả, các mẹ vẫn đứng dậy hiên ngang, tỏa sáng giữa đời thường.

Cuộc đời gắn với những hy sinh

Chúng tôi đến thăm mẹ Trương Thị Mừng (SN 1926) tại khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên vào một ngày cuối năm. Một chuyến đi với rất nhiều cảm xúc khó gọi thành tên. Dáng mẹ hao gầy, làn da nhăn nheo, đôi mắt đã không còn nhìn rõ, những hình ảnh ấy khiến lòng chúng tôi thêm trĩu nặng. Tiếp chuyện với chúng tôi, người con gái thứ năm của mẹ là Nguyễn Thị Đậy. Qua cuộc trò chuyện với những người con vốn đã thuộc nằm lòng truyền thống gia đình cũng đã phần nào giúp chúng tôi hiểu thêm về đức hy sinh của mẹ.

Người con trai thứ hai, anh Nguyễn Văn Chừa (SN 1946), tham gia lực lượng an ninh quận Châu Thành (nay là TP.Thủ Dầu Một) từ năm 1964. Trong thời gian công tác, với sự nhanh nhẹn, tháo vát anh đã có nhiều đóng góp cho đơn vị, chỉ chưa tròn 20 tuổi, anh đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng hành chính. Năm 1967, trong một lần đi công tác, anh và đồng đội lọt vào ổ tập kích của Mỹ. Anh bị thương, được chuyển về trạm xá, nhưng vết thương quá nặng anh không thể qua khỏi. Ôm người con vào lòng khi trên đầu máy bay địch còn đang quần đảo, người mẹ không kìm được nỗi đau. Dẫu biết chiến tranh sự sống và cái chết chỉ nhập nhằng trong một cái chớp mắt, nhưng lòng mẹ vẫn xót xa khi mất đi “núm ruột” thân thương của mình. Anh hy sinh ở cái tuổi mười tám đôi mươi, để lại tình yêu dang dở với người con gái quê nhà.

Người con trai thứ tư, anh Nguyễn Văn Cất (SN 1951), đi bộ đội năm 1964 cùng năm với người anh trai. “Lúc nhập ngũ anh tôi chỉ mới 13 tuổi, nhưng má kể anh rất gan dạ, hồi ở nhà đã sớm đi liên lạc. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng anh đã có lòng căm thù giặc sâu sắc, nằng nặc một hai xin đi chiến đấu”, bà Nguyễn Thị Đậy kể lại. Năm 1968, lịch sử dân tộc khắc ghi một chiến công vang dội là chiến thắng Mậu Thân năm 1968. Một cuộc tổng tấn công đã làm rung chuyển Nhà trắng và Lầu năm góc, làm đảo lộn hoàn toàn thế chiến lược của Mỹ, đẩy địch vào thế bị động, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tìm giải pháp thương lượng hòa bình, báo hiệu sự thất bại của địch. Tại mặt trận sân bay Biên Hòa, đúng vào giờ G đêm 30 tết, các chiến sĩ nhận lệnh mở cuộc tổng công kích gây thiệt hại cho sân bay, máy bay địch không thể cất cánh. Ngay sau khi tiếng pháo vừa dứt, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 và Trung đoàn 4 chủ lực nổ tung đánh chiếm sân bay. Địch phản kích ác liệt, ném bom dữ dội vào đội hình tiến công của ta. Con trai mẹ, lúc đó là tiểu đội phó, Tiểu đoàn 1 cũng đã anh dũng ngã xuống khi vừa bước sang tuổi 17. Vừa mừng cho chiến thắng của đất nước thì ngay sau đó lại nhận tin dữ, mẹ chỉ biết khóc thầm nén nỗi đau.

Chỉ trong vòng 2 năm, mẹ mất đi 2 người con trai, nhưng mẹ vẫn đứng dậy nuôi dạy con cái, không những thế còn tiếp tế cho bộ đội. Từ củ sắn củ khoai, hạt gạo, thuốc men mẹ gom góp đưa cho các anh. Thế mới hiểu sức chịu đựng của những người mẹ Việt Nam anh hùng phi thường đến nhường nào. Thời chiến cũng như thời bình mẹ hăng hái tham gia phong trào địa phương. Có thời kỳ mẹ còn là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Tân Vĩnh Hiệp.

Mẹ Trương Thị Mừng cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng khác đã nếm trải mọi nỗi đau và mất mát, những gì mà các mẹ đã cống hiến, hy sinh sẽ luôn là hơi ấm lan tỏa trong lòng của bao thế hệ.

Khắc ghi một tấm lòng

Trong chuyến hành trình ý nghĩa của những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi được đến thăm mẹ Nguyễn Thị Minh (SN 1925) ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên. Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười nhân hậu là hình ảnh của mẹ Minh trong những ngày xế chiều.

Chồng mẹ - ông Trần Văn Dĩ tham gia cách mạng từ năm 1960. Mẹ một mình ở nhà chăm chỉ làm việc, nuôi nấng các con khôn lớn. Tại đơn vị, ông Dĩ được giao nhiệm vụ phụ trách hậu cần. Rồi mẹ tiếp chuyện: “Hồi ông đi bộ đội trong rừng, một lần về nhà ông nói chuyện với mẹ xong liền dẫn theo đứa con gái tên Trần Thị Nga đi làm cách mạng luôn. Nghe ông nói chuyện, phân tích mẹ hiểu nỗi đau chia cắt người thân vẫn không bằng nỗi đau mất nước. Dù con còn nhỏ nhưng có ba nó bên cạnh rồi nên mẹ cũng yên tâm”. Lúc đó, chị Nga chỉ khoảng 14 tuổi nhưng rất hoạt bát, tính tình lại vui vẻ. Chị Nga được cho đi học quân y, rồi trở về phục vụ ngay cùng đơn vị của ba mình. Một lần, chị Nga cùng 4 đồng đội nữ đi công tác thì bị địch bắn. 3 người hy sinh, còn chị Nga bị thương. Chị được đưa về căn cứ. Biết mình không thể qua khỏi, nên khi được đề nghị tiêm thuốc chị đã từ chối. Chị nói với ba rằng: “Đằng nào con cũng chết nên đừng tiêm thuốc cho con nữa, mà để thuốc đó tiêm cho người khác cần đến”. Chị Nga hy sinh vào ngày 10-2-1970 với chức vụ tiểu đội trưởng. Nhận được tin con gái đã hy sinh, lòng mẹ như quặn thắt.

Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì 2 năm sau mẹ lại nhận được tin chồng hy sinh. Cô Trần Thanh Mai, người con gái đang sống cùng mẹ Minh nhớ lại: “Hồi đó mỗi khi ba về thăm nhà, cô cũng thường hỏi ba làm gì, ở đâu? Ba chỉ cười rồi nói: bí mật! Đến khi ba hy sinh, cô mới biết ba mình làm hậu cần trong quân đội nên phải bí mật như thế”. Ông Dĩ hy sinh ngày 25-2-1972 khi đang trên đường đi công tác. Mẹ Minh nói: “Nghe người ta kể lại, trên đường đi công tác thì ông nhà tôi bị biệt kích Mỹ bắn chết tại Đất Cuốc”. Kể đến đây giọng mẹ nghẹn lại.

Con, rồi chồng mẹ đều hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nỗi đau riêng mẹ cũng đành gác lại, vì những người con còn sống và vì ba mẹ chồng đang cần người chăm sóc. “Nhiều khi buồn, nhớ chồng, nhớ con mà mẹ đâu dám khóc. Gia đình mẹ hồi đó nằm trong sổ theo dõi của bọn tay sai cho giặc, mình mà khóc chúng thấy rồi theo dõi mình thì khó bề hoạt động cho cách mạng”, mẹ kể.

Ngoài bản thân mẹ, các con của mẹ ở nhà cũng cùng tham gia lao động sản xuất và tiếp tế cho cách mạng. Mẹ làm đến 2 ha ruộng mướn. Đến mùa gặt, mẹ đập lúa xong nhưng chỉ mang về có một nửa, một nửa còn lại mẹ để lại ruộng cho mấy chú bộ đội trong rừng tối ra lấy về nuôi quân. Mẹ trồng hàng bông, cũng để dành phần cho cách mạng. Hết mùa gặt, để có đồ ăn cho bộ đội, mỗi lần gánh đồ ra ruộng chăm sóc lúa, hoa màu mẹ đều giấu một ít gạo trong đó. “Ký hiệu đã thống nhất với nhau rồi, ra đó mình để ở đâu là mấy chú biết liền à. Mẹ có nghĩ làm thế là có công với cách mạng đâu. Lúc đó, mẹ chỉ nghỉ mấy chú sống trong rừng sẽ thiếu thốn đủ thứ như chồng, con mình trước đây thôi”, mẹ cười móm mém. Nói vậy là vì, sau này khi mẹ được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhì vì “đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, mẹ mới biết rằng những việc làm ngày trước của mẹ ý nghĩa nhiều như thế. Chồng và con gái Trần Thị Nga đã hy sinh của mẹ cũng được Nhà nước công nhận là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đất nước trọn đời ghi nhớ tấm lòng mẹ. Điều đó đã được thể hiện qua những tình cảm, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến mẹ. Và nay, mẹ Nguyễn Thị Minh lại được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Thật trân trọng và ý nghĩa biết bao!

 

 HỒNG THỦY - HỒNG NGỌC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên