Những người ở trại 979A

Cập nhật: 06-01-2014 | 00:00:00

Họ là những người đã phải trốn chạy khỏi đất nước trước họa diệt chủng Khmer Đỏ và được người dân các nước láng giềng cưu mang, che chở. Hôm nay, nhiều người trong số họ đã trở thành những công dân của nước sở tại; được học hành, làm ăn, sinh sống bình thường như bao người dân khác. Họ là những người dân Campuchia tị nạn ở Việt Nam cách đây 35 năm hiện đang sinh sống ở xã Minh Tân (Dầu Tiếng).

Bài 1: Những nạn nhân… may mắn

Cuộc sống thanh bình bỗng chốc bị đảo lộn. Nhiều người dân bị xua đuổi khỏi thành phố về các vùng nông thôn. Cảnh giết chóc diễn ra khắp nơi… Đó là ký ức hãi hùng của những người tị nạn Campuchia về hình ảnh đất nước xứ chùa tháp cách đây 35 năm trước.

Trốn chạy

Mặc dù đã 35 năm trôi qua nhưng những sự kiện diễn ra ở đất nước Campuchia cũng như cuộc trốn chạy sang Việt Nam lánh nạn ngày ấy vẫn là những ký ức không thể nào quên đối với ông La Son. Ông La Son là người Campuchia gốc Hoa đã chạy khỏi đất nước và tị nạn ở Việt Nam từ năm 1979, hiện ở tại ấp Tân Phú, xã Minh Tân, (Dầu Tiếng). Ông La Son kể lại, đó là vào khoảng những năm 1975-1979, lúc bấy giờ gia đình ông cũng như cộng đồng người Hoa ở Campuchia và những người dân khác đang làm ăn, sống yên ổn ở Phnôm Pênh thì quân lính Khmer Đỏ xuất hiện. Chúng nhanh chóng chiếm lấy thủ đô và bắt đầu cướp bóc, chém giết, xua đuổi tất cả người dân ra khỏi thủ đô. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phnôm Pênh đã không còn một cư dân nào sinh sống và nơi đây đã trở thành thành phố chết.

Ông La Son (thứ hai từ phải sang) đang kể về những ngày kinh hoàng ở Campuchia thời Khmer Đỏ. (Ảnh: CÔNG KHANH)

Ông La Son lúc đó cùng gia đình chạy dạt về một vùng quê rất xa Phnôm Pênh. Ông không nhớ đó là ở đâu, chỉ biết nó gần biên giới với Việt Nam. Tại đây cũng có rất nhiều người ở thành thị bị dồn về và cùng chung sống trong những ngày hoảng loạn, căng thẳng. Ông La Son đã chứng kiến hàng trăm ngàn người cố chạy thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Gia đình ông cùng với nhiều người khác đã tìm con đường sống bằng cách cắm đầu chạy về hướng Việt Nam. Cuộc trốn chạy giữa hiểm nguy rình rập bởi lúc đó quân Khmer Đỏ đã kiểm soát nhiều khu vực ở biên giới. Vượt qua nhiều cánh đồng, rừng rậm, sông suối, cuối cùng đoàn người chạy trốn cái chết cũng đã đặt chân đến Tân Châu, An Giang. Ông La Son nhớ lại, lúc đã đặt chân sang Việt Nam nhiều người vẫn chưa hết sợ. Chỉ khi về đến TP.HCM rồi đến Minh Tân (Dầu Tiếng) lúc vào hẳn trong trại tị nạn mới cảm thấy an toàn vì có sự bảo vệ của chính quyền địa phương và các tổ chức nhân đạo quốc tế.

“Tái sinh”

Những người tị nạn ở An Giang rồi sau đó đến TP.HCM một thời gian trước khi được chuyển đi các nơi khác. Những người tị nạn được tập trung ở nhiều trại khác nhau. Các trại 979B (Củ Chi, TP.HCM), 979C (Minh Long, Bình Phước) và 979A (Minh Tân, Dầu Tiếng) là những trại có số người tị nạn lớn nhất.

Ông Nguyễn Văn Răng, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, tài vụ Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Sông Bé, nguyên Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, cho biết ở trại 979A lúc mới thành lập số người tị nạn lên đến 10.000 người. Chính quyền tỉnh Sông Bé đã dành 300 ha đất cho số người tị nạn nói trên sinh sống và sản xuất.

Với những người tị nạn vừa mới thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ thì trại tị nạn 979A - Dầu Tiếng là nơi đánh dấu sự “tái sinh” của những con người khốn khổ ở chốn “địa ngục trần gian” trong những ngày Khmer Đỏ thống trị Campuchia. Ông Nguyễn Văn Răng cho biết, mặc dù ở trại tị nạn nhưng họ đều được đối xử như những người dân bình thường; con em họ đều được học hành, khám chữa bệnh cũng như hưởng một số chế độ khác. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế cũng dành sự quan tâm đối với những người tị nạn Campuchia. Nhờ vậy cuộc sống của những người tị nạn trong những ngày đầu rời xa đất nước cũng như suốt thời gian ở Việt Nam vẫn luôn nhận được sự che chở, đùm bọc. Nhiều người đã bắt đầu học tiếng Việt và làm quen với những tập tục văn hóa của người Việt.

Sau năm 1979, khi chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ bị lật đổ, nhiều người ở trại tị nạn 979A được đoàn tụ với gia đình; nhiều người sang nước thứ 3, trong khi không ít người vẫn chưa dám trở lại Campuchia vì những ám ảnh đối với Khmer Đỏ. Trại tị nạn 979A tồn tại đến năm 1996 thì giải thể, tuy nhiên những người tị nạn vẫn ở lại đây sinh sống, làm việc cho đến ngày họ được Chủ tịch nước cho phép nhập Quốc tịch Việt Nam.

Theo thống kê của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia - tổ chức lãnh đạo nhân dân Campuchia nổi dậy lật đổ chế độ diệt chủng, trong thời gian cầm quyền, chính quyền Khmer Đỏ đã giết hại hơn 2.700.000 người, tức là gần 1/3 dân số Campuchia khi ấy. Gần 6.000 trường học, hơn 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa, hơn 100 nhà thờ đạo Thiên Chúa và đạo Hồi bị phá hủy, hoặc biến thành nhà kho, trại giam...

Bài 2: Những công dân đặc biệt

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1630
Quay lên trên