Quán phở “thoát nghèo”
Khi chúng tôi đến quán phở “thoát nghèo” của chị Hồ Thị Ngọc Điệp ở Thạnh Phước, Tân Uyên, chị đã bán hết và đang dọn dẹp để nghỉ trưa. Nắm mãi bàn tay của chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thạnh Phước, chị Điệp nói: “Không nói hết cái ơn của bản thân em, của hội dành cho chị đâu. Có được như ngày nay chị mừng lắm, khi nào cũng nhớ ơn”... Chị Điệp bên quán phở “thoát nghèo” của mình
Trở ngược thời gian 7 - 8 năm về trước, khi đó, chị Điệp còn “rất nghèo”. Trước tình cảnh của gia đình chị, Hội Phụ nữ xã xét cho chị tiếp cận nguồn vốn vay từ hơn 7 năm qua. Lần “tính đường làm ăn” đó theo chị Điệp kể là hội không cho vay... khơi khơi nữa mà kèm theo điều kiện hẳn hoi. Chị Tú hỏi chị Điệp tính vay tiền làm gì, chị trả lời vay mở quán phở. Nhưng với 10 triệu đồng sẽ không xoay xở được nên chị Tú “bù” thêm cho vay 5 triệu đồng theo yêu cầu của chị Điệp. Có 15 triệu đồng trong tay, chị Điệp về đóng xe, mua sắm bàn ghế, bếp, nồi, tô, chén... bắt đầu khởi nghiệp!
Sau hơn 3 năm chịu thương chịu khó thức khuya dậy sớm đi chợ, nấu phở bán ngay trước sân nhà, chị Điệp đã ổn định cuộc sống, nhà cửa khang trang. Chị vui hớn hở khi khoe: “Giờ chị... tạm biệt cái nghèo rồi. Có vốn thì giúp người khác đi em. Chị không cần vay thêm nữa”...
Không còn cách nào bằng tự phấn đấu
“Thừa thắng xông lên” là chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh năm 1975, hiện ngụ tại ấp Cây Da, xã Thạnh Phước, Tân Uyên. Không chỉ thoát nghèo, giờ chị Thảo ngoài công việc hàng ngày đã khá bận rộn còn nhận nấu cơm cho những chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Tân Uyên, gần nhà chị. Tất cả là “để cuộc sống khá giả dần, cái nghèo hết đường quay lại”...
Chị Thảo kể: “Mấy năm trước, tôi bị tai nạn ở cầu Thạnh Hội. Trước năm 2004, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Tôi không có việc làm, nhà nghèo lại bị tai nạn giao thông nên càng khó khăn hơn. Chồng tôi phải làm lụng vất vả để nuôi 4 người trong gia đình. Sau đó, tôi được Hội LHPN xã Thạnh Phước giúp đỡ, giới thiệu tiếp cận Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên để vay nguồn vốn 8 triệu đồng. Cuộc sống bớt khó khăn từ đó. Tất nhiên là có cả sự phấn đấu hết sức mình của tôi nữa”...
Đồng vốn ban đầu là sự giúp đỡ rất kịp thời cho gia đình chị Thảo lúc đó. Chị đem vốn về mua được 10 con heo giống, tiết kiệm chi tiêu trong nhà và được một hội viên phụ nữ giúp đỡ bán cám thiếu. Quá trình nuôi, sau khi bán bầy heo có lãi, chị dành 1 con để nuôi lai giống tiếp tục. Đến 3 năm hoàn trả vốn, chị có được 60 con heo thịt. Lần thứ 2, chị được vay tiếp 15 triệu đồng. Từ những lần vay vốn để làm ăn này, đến nay chị Thảo ngoài duy trì tiếp tục nuôi heo và đào hầm nuôi cá, trên vườn còn nuôi thả thêm gà, vịt xiêm…
Nhờ đồng vốn nghĩa tình, kịp thời của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên, nhờ sự quan tâm của Hội LHPN xã Thạnh Phước và chính quyền địa phương và sự cố gắng của anh chị, đến nay gia đình chị Thảo có kinh tế ổn định, sắm được giàn khoan giếng để tăng thu thập cho gia đình, mua được xe máy cho con đi học và sửa chữa nhà cửa, sắm thêm các vật dụng cần thiết trong gia đình.
Cái gì mình sợ mà nó không còn ám ảnh nữa là vui lắm, hạnh phúc lắm em ơi, nghèo cũng thế! Đơn giản thế thôi là hạnh phúc của người làm vợ, làm mẹ lo cho gia đình mình cuộc sống ngày một ấm êm và các chị đã làm được...
QUỲNH NHƯ