Những người vượt lên bệnh tật

Cập nhật: 16-10-2012 | 00:00:00

Đến Phòng khám ngoại trú Life GAP Bệnh viện Đa khoa Bình Dương (OPC 1), tôi gặp Trần Thị Sen, nhân viên hỗ trợ điều trị và được Sen tâm sự những điều thầm kín nhất về bệnh tình, về số phận của mình và những người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ: “Em đến OPC 1 để được tư vấn, điều trị. Em tuân thủ nghiêm túc chế độ điều trị để sống nuôi con. Lúc đầu, khi phát hiện mình mang bệnh em đã lánh xa gia đình để chết, nhưng cuối cùng em chấp nhận sự thật, không trốn tránh. Và, cũng chính từ nơi này, em như được tiếp thêm nghị lực để giúp những người cùng cảnh ngộ”.

 

Hiện có hơn 1.000 bệnh nhân đăng ký khám và điều trị tại phòng khám OPC1

Vươn lên từ tận cùng nỗi đau

Ngày tôi đến phòng khám OPC 1 để xin chụp một tấm hình, ai nấy đều ngại ngùng, người vội vàng đeo khẩu trang, người tránh sang chỗ khác, riêng Sen, một cô gái tuổi gần 40, vẫn cười tươi như... sen và tự nhiên để tôi chụp hình. Vậy là tôi để ý em. Sen cho biết, tại phòng khám này ngày nào ít thì năm bảy chục bệnh nhân, còn ngày đông thì có đến hàng trăm. Mỗi người một cảnh, ai cũng khổ! Sen tâm sự: “Quê em ở Nghệ An, lấy chồng và chung sống với chồng được 18 năm, nhưng chỉ có 4 năm hạnh phúc. Đó là 4 năm anh mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối, bởi đến lúc này chồng em mới an phận ở nhà lo lắng việc nhà, nấu cơm, phụ vợ. 14 năm trước đó, chồng em thường vui thú với bạn bè, chơi ma túy và quan hệ trai gái bừa bãi. Suốt bao nhiêu năm sống với nhau, một tay em quán xuyến gia đình, nuôi chồng, chăm con. Năm 2005, gia đình em vào Nam sinh sống, cuộc sống dần ổn định. Đến năm 2007, cuộc đời em rẽ sang một bước ngoặt khác. Khi thấy chồng “ngoan”, em tính sinh thêm một đứa con, nhưng khi xét nghiệm mới biết mình đã bị lây nhiễm HIV/AIDS. Năm 2008, chồng em chết do bệnh AIDS. Lúc này em rất hoảng loạn. Sau đó em định thần lại... Bằng sự trải nghiệm của chính mình, hơn một năm nay em đã hỗ trợ điều trị cho hàng trăm bệnh nhân AIDS đến với OPC 1”.

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng khám OPC 1, phòng khám ngoại trú người lớn đi vào hoạt động từ năm 2004. Hiện có hơn 1.000 bệnh nhân đăng ký khám điều trị tại phòng khám này, trong đó hơn 600 bệnh nhân được điều trị đặc hiệu, số bệnh nhân còn lại được theo dõi định kỳ, điều trị chăm sóc giảm nhẹ và điều trị nhiễm trùng cơ hội. Từ năm 2009, phòng khám ngoại trú trẻ em bắt đầu đi vào hoạt động. Hiện có hơn 30 trẻ đăng ký khám, theo dõi định kỳ, điều trị đặc hiệu tại phòng khám. Tại phòng khám có 2 nhân viên hỗ trợ điều trị. Ngoài việc thường xuyên tư vấn, giúp đỡ nhân viên y tế tại phòng khám, họ còn tìm đến nhà các bệnh nhân bỏ điều trị để vận động bệnh nhân tiếp tục điều trị...

Hầu hết các bệnh nhân đến khi đến với OPC 1 đều thích được tâm sự, chia sẻ với các nhân viên để được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, vượt qua sự bi quan, mặc cảm. Nguyễn Thị H., một nhân viên tư vấn có hoàn cảnh còn khổ hơn Sen cho biết thường tâm sự để hiểu thêm hoàn cảnh các bệnh nhân. Do ở giáp biên giới Việt - Trung, nên có lần H. đã quan hệ với người nước ngoài và bị lây bệnh. Lấy chồng, H. càng khổ sở vì chồng em cứ lôi chuyện lỡ lầm của em ra chì chiết, đánh đập. Đau buồn, tuyệt vọng, em chỉ muốn chết nên mắc bệnh trầm cảm, sụt cân đến hàng chục kg. Không chịu đựng nổi, H. ly dị chồng vào Nam sống một mình và đến điều trị bệnh tại OPC 1. Mới đây, em được phòng khám nhận vào làm nhân viên hỗ trợ điều trị. “Được làm việc ở đây em thấy rất vui, vì vừa có thu nhập, vừa giúp được những người có hoàn cảnh giống mình!”, H. nói.

Bác sĩ Nguyễn Thiện Nam, Thư ký Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS ở Phòng khám ngoại trú Life GAP Dĩ An (OPC 2), cho biết: “Số bệnh nhân AIDS ở Dĩ An đến điều trị tại phòng khám cũng ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 8-2012, số bệnh nhân AIDS điều trị ngoại trú tại đây đã lên đến 93 người. Phòng khám có 6 nhân viên hỗ trợ. Mới đầu, các nhân viên này cũng rất bi quan, tuyệt vọng nhưng với sự giúp đỡ của câu lạc bộ bạn giúp bạn và OPC 2, họ đã vươn lên từ tận cùng nỗi đau của chính mình, rồi quay lại giúp những bệnh nhân không may mắn”. N. một nhân viên hỗ trợ điều trị ở OPC 2, tâm sự: “Em bị bệnh AIDS đã lâu nên bệnh cơ hội diễn biến nặng. Em rất buồn vì bị gia đình ruồng bỏ, sức khỏe yếu nhưng em vẫn gắng gượng để lo lắng cho vợ cũng bệnh như em và nuôi con ăn học. Từ ngày được nhận làm nhân viên tư vấn hỗ trợ chăm sóc cho các bệnh nhân, em rất vui vì mình sống có mục đích hơn so với trước”.

“Để đời còn có tên tụi mình”

Rõ ràng số bệnh nhân AIDS ở Bình Dương đang ngày càng tăng, nhưng nhân lực ở các tuyến đều rất thiếu. Đây là rào cản cho việc triển khai, mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Dù các chế độ đãi ngộ như ngành nghề, phụ cấp đặc thù và chế độ đãi ngộ của tỉnh ngày càng cao... vẫn chưa thu hút được cán bộ y tế đến với chương trình. Khó khăn càng nhiều hơn khi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ngày càng cao. Theo số liệu từ ngành công an và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.200 người nghiện, 2.000 gái mại dâm đang hoạt động. Trong khi đó, lực lượng đồng đẳng của Dự án LIFE GAP chỉ có 24 người! Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng khám OPC 1, cho biết: “Có những nhân viên đã gắn bó với phòng khám ngay từ những ngày đầu thành lập như anh T., cô Sen... và họ làm được rất nhiều việc. Do là người đồng cảnh ngộ, nên anh T., tư vấn cho bệnh nhân rất hiệu quả”.

Còn Sen thì cho biết: “Em được giao phụ trách khu vực TP.TDM và huyện Bến Cát. Nhiều đêm mưa gió mà em vẫn còn ở giữa vườn cao su. Em cố gắng đến với các bệnh nhân đang tuyệt vọng để khuyên họ hãy cố gắng, như em đã cố gắng, đừng bỏ cuộc. Trong thời gian đầu bệnh nhân được phát thuốc hàng tuần, sau đó được phát thuốc hàng tháng. Mỗi ngày dùng thuốc từ 1 - 2 lần theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, đúng định kỳ. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, các bệnh nhiễm trùng cơ hội không xuất hiện nên có thể sinh hoạt, lao động, học tập bình thường. Cụ thể như bản thân em nhờ điều trị thường xuyên, nên rất khỏe. Bệnh nhân thấy em nhờ uống thuốc đều đặn nên mạnh khỏe như một minh chứng sống động về hiệu quả của chương trình, nên họ nghe lời em và tiếp tục điều trị”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về chế độ đãi ngộ, Sen cho biết: “Mỗi tháng em được chương trình phát 2,5 triệu đồng, tiền ăn và xăng xe. Với số tiền này, em có thể gói ghém để toàn tâm toàn ý lo cho bệnh nhân”. Sen cho biết thêm, đây là quãng thời gian em cảm thấy hạnh phúc nhất, vì em cảm thấy mình vẫn còn có ích cho đời, còn có thể giúp người.

Trên thực tế, sự kỳ thị là rào cản làm cản trở công tác điều trị đối với bệnh nhân AIDS, bởi có người bệnh đã uống thuốc điều trị mấy năm nay, nhưng vợ hoặc chồng họ vẫn chưa biết! Nguyên nhân làm người bệnh không dám mở lời với gia đình, với vợ hoặc chồng là sợ bị phân biệt đối xử. Sự kỳ thị này đã vô tình “tiếp tay” làm cho căn bệnh thế kỷ này nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng...

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=441
Quay lên trên