Những nỗ lực giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 16-12-2013 | 00:00:00

Kỳ 1: Bình Dương tiếp tục nâng chuẩn nghèo mới

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo (HN) đã được thụ hưởng từ các chủ trương chính sách mới của tỉnh và sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, đặc biệt sự nỗ lực cố gắng vươn lên thoát nghèo của HN. Dự kiến đến hết năm 2013, Bình Dương cơ bản thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Đây là thành quả quan trọng, quyết định thành công chương trình giảm nghèo để Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.

Nhiều chính sách giúp hộ nghèo

Để giúp các HN vượt qua khó khăn trong cuộc sống, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chủ động áp dụng các chính sách giảm nghèo của Trung ương, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương phù hợp với từng loại đối tượng và nguyên nhân nghèo (như tổ chức tiếp xúc HN và hộ mới thoát nghèo, thực hiện chính sách bảo lưu như đối với HN trong 2 năm với hộ mới thoát nghèo), đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho HN và con em của họ để có thu nhập bền vững hàng tháng, dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với từng lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình… Vì vậy, tỷ lệ HN của tỉnh giảm nhanh, giảm mạnh qua từng năm, đời sống HN có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động nâng mức chuẩn nghèo qua từng giai đoạn để tạo động lực cho HN vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trao tặng mái ấm tình thương cho hộ nghèo ở phường Lái Thiêu (TX.Thuận An)

“Tôi là HN của xã từ nhiều năm, hiện tôi đã vươn lên thoát nghèo và đây cũng là niềm mơ ước từ lâu, gia đình tôi phấn đấu rất nhiều mới có được”, bà Phan Thị Én ở xã Phước Hòa (Phú Giáo) vui mừng cho biết. Trước đây gia đình bà Én có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhà nghèo đông con (6 người con nhỏ) nhưng vợ chồng bà chỉ đi làm thuê. Không ngờ tai họa lại ập đến khi chồng bà bị tai nạn qua đời, gánh nặng lại đè lên vai người phụ nữ phải tảo tần nuôi con. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương cùng Ban chủ nhiệm giảm nghèo phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho bà vay vốn để chăn nuôi gà công nghiệp và chăm bón cao su. Gia đình bà Én cùng động viên nhau để vượt qua khó khăn. Đến nay, những người con bà Én đã trưởng thành, gia đình bà đã thoát nghèo, thu nhập ổn định từ chăn nuôi và vườn cây cao su.

Hộ anh Nguyễn Văn Hoanh, ở xã Phước Sang (Phú Giáo) cũng là một trong những gia đình tiêu biểu thoát nghèo bền vững ở địa phương. Gia đình anh Hoanh có 5 nhân khẩu, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Một mình anh Hoanh phải cáng đáng tất cả mọi việc nặng nhọc, thu nhập hàng tháng của anh thấp nên cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn khiến gia đình anh cứ trong vòng luẩn quẩn của hộ nghèo tại địa phương. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình anh vay vốn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi và được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò cũng như kỹ thuật khai thác mủ cao su. Đến nay, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, hộ anh chính thức thoát nghèo và được công nhận là hộ gia đình thoát nghèo bền vững ở xã Phước Sang. Tương tự, hộ anh Mai Văn Bảy ở xã Tân Định (Tân Uyên) cũng được địa phương công nhận là hộ thoát nghèo bền vững. Gia đình anh có 6 nhân khẩu, 3 người con đã học đại học. Trao đổi với chúng tôi, anh Bảy tâm sự: Gia đình anh được địa phương xét cho vay từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách để nuôi bò sinh sản, trồng nấm và nuôi gà thả vườn. Anh đã tích lũy được vốn để trồng cây cao su. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, anh Bảy đã thoát nghèo và yên tâm nuôi con ăn học.

Giảm nghèo nhanh, bền vững

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quy định chuẩn HN, hộ cận ng-hèo và chính sách bảo lưu đối với hộ vừa thoát nghèo tỉnh giai đoạn 2014- 2015. Theo đó, HN ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 1.000.000 đồng/ người/tháng (từ 12.000.000 đồng/ người/năm) trở xuống; HN ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1.100.000 đồng/người/ tháng (từ 13.200.000 đồng/người/ năm) trở xuống; hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1.001.000 đồng đến 1.300.000 đồng/người/tháng; hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1.101.000 đồng đến 1.430.000 đồng/người/tháng. Nghị quyết này cũng quy định, thực hiện bảo lưu các chính sách như HN trong thời gian 2 năm đối với hộ vừa thoát nghèo kể từ khi được công nhận thoát nghèo.

Kết thúc năm 2013, Bình Dương thực hiện chuẩn nghèo mới theo tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Bằng những chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn này cao gấp hơn 2 lần chuẩn nghèo quốc gia. Hộ nghèo, cận nghèo ngày càng có điều kiện tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thông qua các chính sách, chương trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh… Cuộc sống của người nghèo ngày càng được cải thiện, tỷ lệ HN giảm nhanh, hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chi 172,286 tỷ đồng cho các hoạt động chăm sóc người nghèo và đối tượng xã hội, trong đó: tặng 195 căn nhà đại đoàn kết; mua cấp 36.594 thẻ BHYT cho người nghèo, 13.176 thẻ BHYT cho người cận nghèo, miễn giảm học phí và chi phí học tập cho 39.721 học sinh, sinh viên...

Như vậy, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành trong cả nước có tỷ lệ hộ thoát nghèo nhanh, bền vững. Đạt được kết quả như trên, Bình Dương có những chính sách đột phá riêng để áp dụng cho chương trình mục tiêu giảm nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương, như chính sách tín dụng ưu đãi cho HN. Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tín dụng ưu đãi cho HN, đến nay đã có những chương trình cụ thể như chương trình cho HN vay, cho vay giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên, chương trình nước sạch môi trường nông thôn, sản xuất - kinh doanh ở vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ làm nhà ở. Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn; giới thiệu việc làm; hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, tinh thần cho HN, người nghèo và các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước dành cho HN, người nghèo. Phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách “đặc trưng” của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ “Quỹ vì người nghèo” ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho HN.

Đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác giảm nghèo ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những HN, cận nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, giúp Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Bình Dương trong tương lai.

Đánh giá về chương trình giảm nghèo trong thời gian qua của TX.Dĩ An, Trưởng phòng Lao động -Thương binh & Xã hội TX.Dĩ An Lê Văn Mới cho biết: Chương trình giảm nghèo ở TX.Dĩ An được thực hiện đồng bộ từ thị xã đến cơ sở. Ngoài ra, còn có sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo là trưởng các ban ngành, đoàn thể thị xã lồng ghép chương trình giảm nghèo vào công tác chuyên môn tác động qua lại góp phần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho HN, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, ở một bộ phận người nghèo nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Kỳ 2: Các giải pháp đột phá

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=267
Quay lên trên