Những nữ nhà giáo đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy

Cập nhật: 19-10-2018 | 05:10:50

 Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ nữ nhà giáo tỉnh nhà đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này phù hợp với tình hình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo mà toàn ngành đang thực hiện. Ba tấm gương Báo Bình Dương nêu dưới đây là những điển hình cụ thể về người thầy nhiệt huyết với nghề dạy học.

* Cô Đoàn Thị Minh Yến: Dạy học là nghệ thuật

 Với quan niệm, giáo viên lên lớp tương tự như người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, nên cô Đoàn Thị Minh Yến, giáo viên dạy môn tiếng Anh trường Tiểu học Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một) áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, hiện đại, hầu hết các tiết dạy của cô đều bằng giáo án điện tử. Mỗi giờ lên lớp, cô tận dụng tối đa đồ dùng dạy học được trang bị và đồ dùng tự làm, như bảng tương tác thông minh, tranh ảnh... để phát huy tối đa ưu thế khi dạy với bảng tương tác thông minh, cô Yến chuẩn bị cho tiết dạy thật chu đáo.

Cô tâm sự, nguồn tài nguyên trên mạng internet rất dồi dào, cô đã chịu khó tìm kiếm, chọn lọc phù hợp để soạn giảng cho từng tiết dạy. Bài dạy của cô luôn có hình ảnh minh họa thật sinh động, kết hợp với file âm thanh, file video. Theo dõi một tiết học của cô, chúng tôi nhận thấy giờ học diễn ra thật sinh động, tất cả học sinh (HS) đều cùng tham gia vào bài học. Các em không chỉ được tương tác trực tiếp trên bảng thông minh, mà còn được nghe những đoạn hội thoại tiếng Anh của người nước ngoài, đồng thời các em cùng thực hành đối thoại, hát với nhau bằng tiếng Anh. Áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy, giờ học trôi qua nhanh chóng và các em HS hiểu bài ngay tại lớp.

Cô Yến chia sẻ, học tốt ngoại ngữ này sẽ là chìa khóa để các em mở mang kiến thức, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Để HS học giỏi tiếng Anh, các em cần có nền tảng căn bản từ tiểu học. Xác định điều đó, cô đã đem hết tâm huyết đầu tư cho các tiết dạy, mong muốn đem đến cho các em những giờ học sinh động.

Tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, năm học 2017- 2018, cô đã đạt giải nhất cuộc thi “Sưu tầm và sử dụng bộ đồ dùng dạy học điện tử cấp tiểu học”, do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức.

* Cô Nguyễn Thị Hương Thơm: Giúp học sinh hứng thú với môn học

 Cô Nguyễn Thị Hương Thơm, giáo viên dạy ngữ văn trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên), cũng là nhà giáo giàu tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Năm học 2017-2018, cô đã đạt giải ba hội thi “Giáo viên dạy giỏi giải thưởng Võ Minh Đức” cấp tỉnh.

Trong quá trình giảng dạy, cô Thơm đã kết hợp nhiều phương pháp; trong đó có phương pháp dạy học theo chủ đề trong một số bài học, cụ thể đó là chủ đề “Lòng yêu nước” trong một số tác phẩm văn học chương trình ngữ văn 12. “Dạy học theo chủ đề là một mô hình mới cho hoạt động lớp học, thay thế cho lớp học truyền thống bằng việc chú trọng những nội dung học tập có tính tổng quát, liên quan đến nhiều lĩnh vực, với trung tâm tập trung vào HS và nội dung tích hợp với những vấn đề, những thực hành gắn liền với thực tiễn. Với mô hình này, HS có nhiều cơ hội làm việc theo nhóm để giải quyết những vấn đề xác thực, có hệ thống và liên quan đến nhiều kiến thức khác nhau. Các em thu thập thông tin từ nhiều nguồn kiến thức. Với hình thức dạy học theo chủ đề, HS được làm việc nhóm nhiều hơn, cùng nhau chuẩn bị bài thuyết trình cho cả nhóm”, cô Thơm cho biết.

Với phương pháp dạy này của cô Thơm, HS có khả năng tự tìm hiểu, nghiên cứu và hệ thống các văn bản theo yêu cầu giảng dạy của bộ môn, từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng thấp và vận dụng cao. Từ đó từng bước hình thành những tư tưởng, tình cảm đúng đắn và yêu thích bộ môn trong quá trình học tập. Nâng cao khả năng tự chủ của HS trong quá trình học tập, chiếm lĩnh tri thức, phát huy cao độ khả năng tổng hợp kiến thức, kỹ năng học - hiểu - vận dụng. HS chủ động tìm hiểu, lĩnh hội tri thức; tự tin nêu lên suy nghĩ cá nhân; rèn luyện kỹ năng học tập độc lập và kỹ năng làm việc nhóm; biết cách trình bày ý tưởng, trình bày trước tập thể.

* Cô Huỳnh Lệ Xuân: Dạy học lịch sử bằng tranh

 Yêu quê hương đất nước, yêu thích các nhân vật lịch sử, cô Huỳnh Lệ Xuân đã chọn môn lịch sử để đeo đuổi sự nghiệp dạy học. Cũng bởi yêu sử nước nhà, cô Xuân đã cháy hết mình với nghề, luôn luôn đổi mới phương pháp giảng dạy. Dù đã nghỉ hưu, nhưng cái nghiệp vẫn còn đeo bám nên 3 năm nay cô tham gia giảng dạy tại trường Trung Tiểu học Pétrus Ký.

Cô tâm sự: “Muốn nâng cao chất lượng đào tạo đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp giảng dạy, tác động vào chủ thể nào đó để các em say sưa, hứng thú với những lời giảng của thầy, từ đó HS phát huy khả năng, năng lực tích cực, chủ động của bản thân để nắm bắt tri thức, đặc biệt là ở môn lịch sử. Qua đó, giúp các em ý thức say mê học tập các bộ môn khác có liên quan, để đạt kết quả cao và tạo khí thế cho các em tham gia vào các hoạt động khác”. Với suy nghĩ ấy, cô tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó nổi bật là dạy học lịch sử bằng tranh. Đây cũng là sáng kiến kinh nghiệm mà cô Xuân đã được Sở Giáo dục - Đào tạo đánh giá cao trong năm học 2017-2018.

Cô cho rằng, giảng dạy qua kênh hình ảnh vẫn là phương pháp giáo dục hữu hiệu và gần gũi với HS. Bên cạnh việc chuẩn bị giáo án tốt, cô còn tự làm, sưu tầm tài liệu, tự vẽ tranh phục vụ cho bài dạy của mình. Với cách dạy này, cô đã cuốn hút HS ngày càng yêu thích môn học. Với những bài học có liên quan đến các nhân vật lịch sử, cô khuyến khích HS về nhà chuẩn bị bài, từ đọc kỹ nội dung, đến vẽ ký họa các nhân vật, đồng thời sưu tầm thêm những tranh ảnh khác để minh họa. Khi đến lớp, các em đã kể lại nội dung bài học qua tranh ảnh đã được chuẩn bị. Chủ động tham gia vào bài học, giúp các em khắc sâu được kiến thức, đồng thời còn rèn cho HS phương pháp làm việc nhóm, thể hiện khả năng tư duy, sáng tạo trong học tập.

Cô Xuân đúc kết, muốn đào tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức thì nhà trường phải nâng cao chất lượng dạy học bằng cách luôn luôn cải tiến nội dung, phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng đặc điểm của nội dung kiến thức và trình độ nhận thức của HS theo lứa tuổi, nhằm tạo cho HS hứng thú và từ đó phát huy được tính tích cực, chủ động học tập của các em.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=709
Quay lên trên
X