Trước tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông ngày một gia tăng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC nhằm góp phần ổn định tình hình hiện nay.
Thông tư quy định cụ thể về nội dung của các hành vi vi phạm như: làm giả thẻ ngân hàng mà trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ ngân hàng; Cố ý truy cập bất hợp pháp vào tài khoản người khác; Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng bằng thủ đoạn gian dối…
Bên cạnh đó, hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự cũng bị xử lý theo Điều 226b Bộ luật Hình sự. Tranh minh họa
Điều 3 của thông tư hướng dẫn rõ về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt: 1. Khi áp dụng các tình tiết: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” cần chú ý: Hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra (có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả đó). Hậu quả đó có thể là thiệt hại về vật chất (như tiền, máy móc, phần mềm kỹ thuật... hoặc thiệt hại do hỏng máy móc, phần mềm kỹ thuật dẫn đến thiệt hại về hoạt động sản xuất...) hoặc hậu quả phi vật chất như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người, uy tín của cơ quan, tổ chức... Việc xác định hậu quả là thiệt hại về tài sản để coi là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt không được căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, vì giá trị tài sản này đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt. Hậu quả phải là thiệt hại về tài sản xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Ví dụ: Tài khoản của B ở Ngân hàng T có số tiền là năm triệu đồng. A truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của B chiếm đoạt số tiền năm triệu đồng. Quá trình truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của B, hệ thống mạng của ngân hàng T bị tổn hại và ngân hàng T khắc phục sự cố này hết năm mươi triệu đồng. Trường hợp này, hậu quả thiệt hại do hành vi của A gây ra là năm mươi triệu đồng.
2. Thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra bao gồm thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp: a) Thiệt hại trực tiếp là thiệt hại do hành vi phạm tội trực tiếp gây ra, bao gồm thiệt hại về phần mềm, phần cứng, thiết bị số…; b) Thiệt hại gián tiếp là thiệt hại thuộc về hệ quả của thiệt hại trực tiếp. Ví dụ: A phát tán vi-rút làm cho mạng máy tính điều hành sản xuất của Công ty B ngừng hoạt động trong thời gian 2 giờ. Công ty B phải chi số tiền là bảy triệu đồng để khắc phục sự cố của mạng máy tính trở lại nguyên trạng như trước khi bị vi-rút do A phát tán xâm nhập. Do mạng máy tính của Công ty B ngừng hoạt động trong hai giờ dẫn đến hoạt động sản xuất của Công ty B bị đình trệ gây thiệt hại hai trăm triệu đồng. Trường hợp này, thiệt hại do hành vi phát tán vi-rút của A gây ra đối với Công ty B là hai trăm linh bảy triệu đồng (bao gồm thiệt hại trực tiếp là bảy triệu đồng và thiệt hại gián tiếp là hai trăm triệu đồng).
3. Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.
Đáng chú ý trong việc xác định người bị hại, tại Điều 4 ghi: Trường hợp vì lý do khách quan, không thể xác định được người bị hại (do người bị hại sống ở nước ngoài; không xác định được người bị hại cụ thể hoặc không xác định được họ tên và địa chỉ thật của người bị hại do người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng internet, mạng viễn thông; người bị hại không hợp tác vì không muốn lộ danh tính, số tiền thiệt hại không nhiều...), nhưng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, có cơ sở xác định bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội thì việc không xác định được người bị hại hoặc xác định không đủ số người bị hại không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ pháp luật.
Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực từ ngày 29-10-2012.
NGUYỄN CAO