Theo quy định của Bộ Luật dân sự hiện hành quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định chung, xác định thiệt hại và một số trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cụ thể.
Về quy định chung:
- Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản quyền và lợi ích của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
- Nguyên tắc bồi thường thiệt hại: Phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Ngoài ra các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, cũng như hình thức bồi thường. Trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được hoặc mức bồi thường không phù hợp thì các bên có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân: Người từ đủ 18 tuổi trở lên thì phải tự bồi thường thiệt hại, còn đối với người dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể mà pháp luật quy định để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Đối với bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra thì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc có thể xem xét đến mức độ lỗi tương ứng của mỗi người để yêu cầu bồi thường.
- Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
Về xác định thiệt hại:
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại, hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản, tài sản bị giảm sút, bị mất...
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc và một số thiệt hại khác. ..
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, bao gồm: Thiệt hại về sức khỏe, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác.
- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tính bị xâm hại, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục hậu quả, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút...
Một số trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cụ thể như sau:
+ Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
+ Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
+ Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.
+ Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
+ Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.
+ Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể.
+ Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
+ Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện nay một số trường hợp thiệt hại ngoài hợp đồng thường xuyên xảy ra, cụ thể như: Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cụ thể về tai nạn giao thông nạn nhân bị thiệt hại về tính mạng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân thì người nhà có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức xâm phạm phải bồi thường về một số chi phí do thiệt hại đó gây ra, như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa; chi phí hợp lý cho viêc mai táng; chi phí cấp dưỡng và một số chí phí khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, qua đó mọi cá nhân, tổ chức cần phải nắm rõ thêm các thông tin này nhằm để bảo đảm quyền và lợi của cá nhân, tổ chức.
HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG