Gần 2 tháng qua, căn nhà mặt tiền khang trang trên đường Phan Chu Trinh, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An được anh Trần Văn Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Kim Long trưng dụng, thuê thêm nhà kề bên để thực hiện mong muốn của cả gia đình, đó là mở “Bếp cơm nghĩa tình” phục vụ bữa trưa 0 đồng cho mọi người. Không chỉ người dân khó khăn, mà tất cả những ai có nhu cầu đến với bếp cơm này đều được phục vụ những suất ăn ngon miệng.
Ấm lòng người nhận
“Bếp cơm nghĩa tình” này đi vào hoạt động từ ngày 18- 6-2024, là nơi phục vụ những bữa ăn 0 đồng vào mỗi trưa (từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần) cho tất cả mọi người. Nhiều người dân khó khăn, lao động tự do, làm thuê… trên địa bàn phường Lái Thiêu và khu vực lân cận đã trở thành thực khách quen thuộc của bếp ăn từ những ngày đầu mở cửa đến giờ. Cuộc sống hàng ngày còn không ít khó khăn, nhiều thực khách của bếp mà chúng tôi có dịp trò chuyện chia sẻ rằng, những suất cơm nghĩa tình ở bếp ăn này đã giúp họ vơi bớt phần nào nhọc nhằn mưu sinh.
Mỗi ngày sau khi xong việc ở tiệm, anh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) đều tranh thủ đến bếp phụ mọi người
Tranh thủ làm xong việc ở một quán ăn khác, bà Lê Thị An, 68 tuổi, ở phường Lái Thiêu đạp xe đến “Bếp cơm nghĩa tình” này để ăn trưa. Chỉ vào 2 đứa nhỏ ngồi chờ cùng bàn với mình, bà cho biết đó là cháu nội của mình. 2 cháu ở nhà, nghe bà nói về bếp ăn này nên mỗi trưa cũng tự chở nhau bằng xe đạp đến đây ăn trưa với nội. Bà An lớn tuổi được ưu tiên phục vụ tận bàn không phải xếp hàng, nên 2 cháu của bà cũng được ưu tiên phục vụ theo.
Chia sẻ với chúng tôi, bà An cho biết nhiều ngày qua, bếp ăn này là nơi đã mang đến cho 3 bà cháu những bữa ăn rất ngon miệng. “Công việc của cô là phụ rửa chén thuê ở quán ăn sáng cho người ta, mỗi ngày kiếm được 60.000 đồng. Thấy cô cũng khó khăn nên người ta giới thiệu cho cô đến đây, sau ngày bếp ăn này mở cửa được 2 - 3 ngày đến bây giờ. Thức ăn của bếp nấu ngon lắm, giúp cô bớt được một phần chi phí hàng ngày”, bà An chia sẻ.
Năm nay đã 76 tuổi nhưng vì cuộc sống khó khăn nên ông Bùi Văn Út vẫn cặm cụi đi bán vé số kiếm sống hàng ngày. Rong ruổi qua nhiều con đường dài không biết bao nhiêu km, cũng đúng lúc đến giờ cơm trưa, ông Út tạt vào đây để nhận cơm ăn, tranh thủ chuyện trò với mọi người cho thoải mái. Được giới thiệu đến đây ăn trưa cũng gần 4 tuần rồi, điều mà ông cảm nhận được đó là không khí ở đây rất vui vẻ, thân tình. Không chỉ là những suất ăn miễn phí, ông còn được những người phục vụ mang món ăn đến tận bàn, ăn xong có sẵn ly trà đá mát lạnh để uống.
Ông Út chia sẻ với ánh mắt lấp lánh niềm vui: “Đến đây chúng tôi được ăn no, được đối xử rất tử tế, nên những người khó khăn như tôi không thấy mặc cảm. Tính ra mỗi tháng đến đây ăn 4 tuần sẽ giúp tôi tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng. Một số tiền không nhỏ, giúp tôi làm được nhiều việc khác. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của anh Tuấn và gia đình anh đã mở ra bếp cơm rất ý nghĩa này”.
Ai cũng ấm lòng với những suất ăn ngon và sự đối đãi tử tế ở bếp cơm này
Vui lòng người trao
Ở khu vực bếp, sau khi hoàn thành các khâu chế biến, mỗi người tự nhận một việc để kịp giờ mở cửa phục vụ bà con. Người xếp các khay thực phẩm đã nấu chín lên bàn, người chia bánh canh, người chia chả cá, mực, thịt bằm, giá hẹ, hành phi vào tô. Hôm nay, bếp phục vụ bánh canh để đổi món cho bà con ăn ngon miệng hơn. Các cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ phường Lái Thiêu cũng chung sức với bếp, mỗi người phụ một tay để mỗi bữa cơm thêm ấm áp. Người đến sớm thì phụ lau dọn bàn ghế, chén đũa, bưng bê, người đến sau phụ hướng dẫn bà con xếp hàng trật tự, trao suất ăn nghĩa tình đến người dùng.
Đúng 11 giờ, những suất ăn nóng hổi đầu tiên đã được trao đến tay người dùng. Người già, đi lại khó khăn sẽ được ưu tiên phục vụ món ăn tận bàn; còn những người trẻ, khỏe hơn thì tự giác đứng xếp hàng theo thứ tự để nhận cơm rồi mang đến bàn ăn. Trung bình mỗi ngày, “Bếp cơm nghĩa tình” này phục vụ hơn 600 suất ăn.
Giờ phục vụ của bếp từ 11 giờ trưa cho đến khi hết món ăn, nhưng những người phục vụ ở bếp ăn này phải bắt đầu công việc mỗi ngày từ sáng sớm. Điều đặc biệt là tất cả những người đến đây làm những công việc này chỉ với mong muốn được góp một phần nhỏ công sức mang những bữa ăn ấm lòng đến mọi người và họ đều là người nhà, người thân của anh Trần Văn Tuấn. Chị Phạm Thị Mỹ Phương, người phụ trách “Bếp cơm nghĩa tình”, hiện đang là nhân viên và cũng chính là em cô cậu ruột của anh Tuấn. Chị Phương cho biết khi anh Tuấn nói có ý định mở ra bếp ăn này chị và nhiều nhân viên khác đều đồng ý hỗ trợ.
“Công việc tuy hơi cực chút xíu nhưng khi nhìn mâm cơm thành phẩm của cả bếp cùng chung sức chế biến, nhìn bà con ăn hết và phát biểu cảm nhận rất ngon, no bụng thì mỗi thành viên chúng tôi đều rất ấm lòng. Mình chưa có điều kiện giúp được gì cho xã hội, nhưng từ khi có bếp cơm này mình có cơ hội chung sức cùng anh Tuấn để mang đến cho bà con những bữa ăn, san sẻ một phần với người khó khăn trong cuộc sống, như vậy là mình thấy vui rồi”.
Đến với bếp cơm này, chúng tôi lại nhớ đến câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Xuất phát từ cái tâm thiện nguyện, với tấm lòng yêu thương rộng mở, gia đình anh Tuấn đã mở ra “Bếp cơm nghĩa tình” này. Trước khi có bếp cơm này, gia đình anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội hỗ trợ người dân khó khăn ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. “Gia đình vẫn luôn ấp ủ việc mở một bếp cơm để phục vụ miễn phí cho bà con ở địa phương mình sinh sống. Mỗi suất ăn không đáng bao nhiêu, nhưng san sẻ với bà con khó khăn một phần chi phí hàng ngày bản thân mình cũng thấy vui hơn. Niềm vui của người khác cũng là niềm vui của mình”, anh Tuấn chia sẻ.
Để mọi người có những bữa trưa ngon miệng, hàng ngày bếp đều lên kế hoạch thay đổi thực đơn để không trùng lắp trong một tuần. Những ngày nấu cơm, mỗi suất ăn đều có món mặn, xào, canh và trái cây tráng miệng. Lâu lâu, bếp lại đổi món ăn nước như bánh canh, bún để cho bà con đỡ ngán, ăn ngon miệng hơn. Một vấn đề khác mà bếp luôn đặt lên hàng đầu là nguồn thực phẩm nấu ăn hàng ngày phải luôn tươi ngon. Bếp cũng đã được ngành y tế cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm và đều thực hiện lưu mẫu hàng ngày theo quy định. |
HỒNG THUẬN