Gia đình nghèo khó, thiếu sự quan tâm và chăm lo của cha mẹ hay bị khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam còn sót lại trên thân thể nhỏ nhắn của cô học sinh hiền lành... Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng các bạn đều cố gắng vươn lên để đạt thành tích cao trong học tập. Những tấm gương vượt khó học giỏi ấy đã để lại cho chúng ta nhiều bài học về nghị lực thật ý nghĩa!
Nguyễn Lĩnh Tâm: Quyết tâm học tốt để có việc làm ổn định
Là một thanh niên sinh ra trên mảnh đất nông thôn ở Cù lao Rùa, xã Thạnh Hội (Tân Uyên), Nguyễn Lĩnh Tâm lớn lên trong hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn. Căn nhà nhỏ nằm nép bên mảnh đất khô cằn của gia đình không thể trồng trọt được đã khiến cho 5 thành viên trong gia đình phải sống dựa hẳn vào đồng lương bảo vệ của ba, trong khi mẹ bệnh nặng.
Dù khó khăn nhưng cả 3 anh em Tâm luôn có tinh thần hiếu học. Tâm hiện đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Công nghiệp, TP.HCM. Con đường để thực hiện mơ ước trên giảng đường đại học của Tâm vẫn đang thật sự khó khăn. May mắn là Tâm có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh và bạn bè như được ở nhà trọ với giá thật rẻ, mượn tập sách để trang bị cho việc học. “Ba mẹ luôn động viên 3 anh em học giỏi dù hoàn cảnh có thiếu trước hụt sau, vì thế mình nhất định không đầu hàng hoàn cảnh. Dù có như thế nào mình cũng phải quyết tâm học hoàn thành chương trình đại học để có thể có việc làm ổn định giúp đỡ ba mẹ và các em”, Tâm cho biết.
Trần Thị Yến Nhi và Trần Thị Tuyết Nhung: Hai chị em cùng học giỏi
Đến trường tiểu học Tân Bình (Tân Uyên), có thể tìm gặp hai chị em Trần Thị Yến Nhi và Trần Thị Tuyết Nhung, học sinh lớp 5 và lớp 2. Thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa khi 2 chị em phải sống côi cút trong sự đùm bọc của bà ngoại nuôi vì cả cha và mẹ đều đã có cuộc sống riêng cho mình. Có lẽ do cuộc sống quá khó khăn, vất vả nên họ hầu như không có thời gian để về thăm con, dành sự quan tâm, chăm sóc cho con. Chính vì thế mà Nhung cứ mím chặt môi để khỏi phải bật khóc khi được sự quan tâm, hỏi thăm của mọi người.
Nỗi buồn hằn sâu trong ánh mắt ngây thơ của hai em làm cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bà ngoại nuôi không có chồng nên xin đứa con gái về nuôi, đến lớn khôn, đứa con nuôi ấy lập gia đình rồi lại để hai đứa cháu cho bà gồng gánh đùm bọc. Già hơn cái tuổi 64, hàng ngày bà vẫn cố gắng ra vườn cao su thu gom từng miếng mủ đất bán được vài chục ngàn gói ghém cho ba bà cháu. Ấy vậy mà cả Nhung và Nhi đều là học sinh khá giỏi của trường qua các năm. “Chúng con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng bà ngoại”, Nhung nói. Tuy nhiên điều lo lắng nhất của bà là “ngày càng già yếu nên không biết có lo được cho hai cháu cắp sách đến trường khi các cháu lên lớp lớn hơn hay không nữa”...
Phan Thị Trang: Cố gắng học giỏi đền đáp công ơn gia đình
Ấn tượng đầu tiên dành cho những người lần đầu gặp Phan Thị Trang, học sinh lớp 6A5, trường THCS Lai Hưng (Bến Cát) là một cô gái có nét mặt thanh tú và nụ cười rạng rỡ thật duyên. Thế nhưng, khi nhìn cánh tay và đôi chân của Trang yếu ớt, di chuyển khó khăn cần sự dìu dắt của bạn bè mới thấy thương. Đó là hậu quả của chất độc da cam còn sót lại trong thân thể mẹ và truyền sang cho Trang. Trang sinh ra ở Quảng Trị, vào Bình Dương học 3 năm qua. Do 2 mẹ con đều mang bệnh nên người cô ruột đùm bọc, yêu thương cho Trang được đến trường như các bạn, dù hoàn cảnh gia đình chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ nghề sửa xe của dượng.
Hoàn cảnh là vậy nhưng Trang luôn cố gắng học, đạt khá giỏi qua các năm. Một tay gõ nhịp đều trên mặt bàn để vỗ tay theo nhịp điệu bài ca kết đoàn, thường trực trên môi Trang là nụ cười tươi thắm như không còn có nỗi đau nào có thể chiến thắng được nghị lực vươn lên trong em. Nụ cười ấy làm chúng tôi nhớ mãi!
Ngọc Trinh