Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng dù Việt Nam hạ dịch Covid-19 thì vẫn phải coi Covid-19 là bệnh có tính đặc thù. Nhiều chính sách trong chăm sóc sức khỏe người bệnh Covid-19 sẽ thay đổi so với trước.
Tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ngày 3/6, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có quyết định thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Quyết định này được xem là một dấu mốc quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam vì sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách như thanh toán bảo hiểm y tế, tiêm phòng vaccine Covid-19...
Thẩm quyền công bố dịch thuộc về Bộ Y tế và các địa phương
Theo Bộ Y tế, khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, thực hiện theo Điểm a, b, Khoản 2, Điều 38, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố dịch.
Như vậy, dịch Covid-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ.
Về điều kiện công bố hết dịch Covid-19, theo Bộ Y tế, cần có 2 điều kiện là: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Theo Bộ Y tế, thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 thay đổi khi Covid-19 chuyển sang nhóm B. Do vậy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.
Covid-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và công bố hết dịch phải dựa trên nhiều yếu tố.
Ngày 5/5 vừa qua, WHO đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện "Chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19" sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP từ tháng 10/2021.
Tuyên bố này của WHO cũng là cơ sở để xem xét, đánh giá nguy cơ, mức độ dịch Covid-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra những thích ứng trong tình hình mới.
Phó Giáo sư Trần Đắc Phu cho hay, hiện nay Tổ chức Y tế thế giới WHO mới công bố hết quan ngại về dịch Covid-19, vẫn chưa tuyên bố kết thúc đại dịch, chuyển từ phòng chống khẩn cấp sang kiểm soát lâu dài, bền vững. Vì vậy, Việt Nam cũng cần có những bàn thảo kỹ hơn về vấn đề này. Từ đó, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành sẽ có những quyết định cụ thể hơn.
Việc công bố hết dịch cần phải xem xét cả các điều kiện về chuyên môn như nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại như thế nào, biến chủng tiếp theo có nguy hiểm không, số ca mắc có gia tăng bất thường không, hiệu quả và tính sẵn có của vaccine phòng Covid-19…
Đồng thời, phải căn cứ vào các điều kiện pháp lý dựa trên quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định về quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm hiện hành của Chính phủ.
Ông Trần Đắc Phu nhận định, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch...
“Nếu muốn công bố hết dịch thì cần phải chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên, phải thấy rõ là mặc dù nếu có xếp Covid-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, thì Covid-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch Covid-19”, ông Phu bày tỏ.
Cần tính toán phù hợp việc khám, chữa bệnh, tiêm vaccine Covid-19
Thời gian qua, mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để làm ăn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...
Hiện, chỉ còn một số hoạt động coi Covid-19 là nhóm A như quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho người mắc Covid-19, tiêm vaccine miễn phí, chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch…
Theo ông Phu, nếu theo luật, khi Covid-19 chuyển sang là bệnh truyền nhiễm nhóm B thì khi người dân mắc Covid-19 sẽ không được miễn phí điều trị. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp về vấn đề này như chi trả theo bảo hiểm y tế.
Về việc tiêm vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về kế hoạch sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2023. Quyết định này nêu rõ, việc tiêm vaccine Covid-19 theo chiến dịch hoặc có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
“Theo tôi, Bộ Y tế nên có kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới một cách cụ thể như: Đối tượng nào cần tiêm vaccine, đối tượng nào tiêm bắt buộc, đối tượng nào tiêm theo khuyến cáo, lịch tiêm như thế nào và cũng có thể đưa ra những quy định rõ ràng đối tượng nào được miễn phí, đối tượng nào phải trả tiền”, ông Phu nhấn mạnh.
WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch dịch bền vững, lâu dài. Như vậy, Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới theo sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.
Phó Giáo sư Trần Đắc Phu tiếp tục khuyến cáo người dân không được chủ quan, coi thường dịch Covid-19, vẫn phải thường xuyên dự phòng lây nhiễm bệnh này. Trong lúc chờ đợi các quy định, các khuyến cáo của Bộ Y tế có thay đổi thì người dân vẫn cần đeo khẩu trang, khử khuẩn, chú ý bảo vệ bản thân tại các nơi tập trung đông người...
Theo NDO