"Thị trấn ma" đã được biết đến từ lâu để chỉ một thị trấn bị bỏ hoang vì lý do nào đó. Thị trấn Pripyat, cách Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl khoảng 18km, 5 vạn dân sống tại đây phải sơ tán khẩn cấp mà không hẹn ngày về, bởi cái chết kinh hoàng bao trùm do ô nhiễm phóng xạ. Giờ đây những "thị trấn ma" tương tự lại xuất hiện ở Nhật Bản sau thảm họa động đất ngày 11-3.
Hơn một tháng trôi qua kể từ sau thảm họa kép động đất gây sóng thần tại các tỉnh Đông bắc Nhật Bản ngày 11-3, số người chết đã lên tới 13.843 người, trong khi vẫn còn 14.030 người mất tích và khoảng 136.480 người rơi vào cảnh không nhà cửa. Thảm họa thiên tai lớn nhất lịch sử Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đã không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc hơn 300 tỷ USD, mà còn để lại phía sau nó những "thị trấn ma" lạnh lẽo khi bị sóng thần phá hủy hoàn toàn và chìm trong các đám mây phóng xạ..
Sự yên tĩnh đáng sợ tại một “thị trấn ma” ở Nhật Bản.
Một trong những "thị trấn ma" được báo giới Nhật Bản đề cập gần đây là cảng ngư nghiệp Hakodate ở phía nam đảo Hokkaido. Khung cảnh hoang tàn, đổ nát sau thảm họa, khi hơn 30 nghìn người phải đi sơ tán khẩn cấp vì nguy cơ phóng xạ, đang biến nơi đây thành một "thị trấn ma" theo đúng nghĩa. Hình ảnh một thị trấn sầm uất trước ngày 11-3 giờ đã không còn, thay vào đó là ngổn ngang những hộp gỗ, thùng đựng cá của ngư dân địa phương bị sóng đánh tung tóe khắp nơi. Trên các tuyến đường chính vào thị trấn, nhiều xe ôtô nằm rải rác, thậm chí mắc kẹt vào nhau do sóng thần càn quét và không một bóng người.
Ngay sau khi thông tin về sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy Fukushima số 1 được đưa ra, hàng nghìn người dân ở thị trấn Odaka - nằm trong khu vực giới hạn 20km từ nhà máy - đã phải đi lánh nạn. Hơn một tháng trôi qua nhưng người dân ở thị trấn này vẫn chưa được trở về dọn dẹp nhà cửa hay tìm kiếm những người thân mất tích. Nhiều ngôi nhà có lịch sử tồn tại hàng thế kỷ, trải qua nhiều trận động đất và đã "sống sót" sau thảm họa vừa qua giờ hoang vắng vì chủ nhân của nó không được phép trở về nhà. Trước khi xảy ra thảm họa động đất, thị trấn Odaka có khoảng 13.400 người sinh sống, nhưng giờ đây nó dường như không có dấu hiệu của sự sống. Sự yên lặng bên trong thị trấn đáng sợ đến nỗi người ta có thể nghe được cả tiếng cánh đập của đàn quạ bay trên bầu trời. Cả thị trấn chỉ còn hệ thống đèn giao thông dọc các tuyến đường chính hoạt động. Nó như một dấu hiệu cuối cùng và duy nhất cho thấy tại đây từng có người sống.
Không khác mấy so với Odaka hay Hakodate, Futaba (quận Futaba, tỉnh Fukushima) là một trong 8 thị trấn, thành phố buộc phải sơ tán sau thảm họa động đất, sóng thần dẫn tới khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy Fukushima số 1. Trước khi thảm họa kép xảy ra, Futaba là nơi sinh sống của 7.000 người dân, nhưng giờ đây, thị trấn đã trở nên hoang vắng. Thị trưởng Futaba, ông Katsutaka Idogawa dự tính sẽ phải mất nhiều năm người dân mới có thể trở lại.
Một trong những thị trấn bị xóa sổ gần như hoàn toàn sau thảm họa vừa qua được báo chí nói đến nhiều là Minamisanriku, thuộc tỉnh Miyagi, với hơn 10.000 người bị mất tích, chiếm hơn một nửa dân số của thị trấn. Nhiều người đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các tòa nhà đổ sụp, số khác thì bị cuốn ra khơi. Thật không thể ngờ rằng chỉ với 6 phút càn quét, trận sóng thần kinh hoàng đã biến cả thị trấn xinh đẹp, hiền hòa thuở nào thành đống hoang tàn, đổ nát không khác gì một "thị trấn ma".
Cùng với sự tàn phá của sóng thần, những người dân sống trong bán kính 20km cách Nhà máy Fukushima số 1 vẫn phải đi sơ tán do lo ngại ô nhiễm phóng xạ sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Khi nguy cơ này chưa chấm dứt, những "thị trấn ma" không một bóng người càng làm cho không khí tại nơi sóng thần đi qua trở nên đáng sợ hơn.
Theo Hà Nội Mới