Ngày 28.8, một tòa án ở Iran tuyên án tử hình Majid Jamali Fashi, một người bản địa bị kết tội sát hại chuyên gia vật lý Massoud Ali Mohammadi vào tháng 1.2010 và làm gián điệp cho Israel. Vụ xét xử Fashi góp phần làm hé lộ chiến dịch bí mật và quyết liệt của Israel nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân của nước CH Hồi giáo.
Tiết lộ từ WikiLeaks
>>Kỳ 1: Libya nổi sóng ngầm từ lâu
>>Kỳ 2: Quan tâm về an toàn điện hạt nhân
Trong hàng trăm ngàn thư tín ngoại giao của Mỹ do website WikiLeaks tung ra, nhiều hồ sơ cho thấy Israel cực kỳ lo ngại chương trình hạt nhân của Iran và thường xuyên thảo luận kín với giới chức các nước về biện pháp đối phó. Theo những tài liệu mới nhất từ WikiLeaks, Israel chỉ có 10-12 phút để chuẩn bị chống đỡ một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Nhận định này được Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Gabi Ashkenazi đưa ra với một phái đoàn Quốc hội Mỹ vào tháng 11.2009. Ông Ashkenazi nói rằng Iran có khoảng 300 tên lửa Shahab, trong đó có loại có thể mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn chạm đến nhiều khu vực trên lãnh thổ Israel.
Majid Jamali Fashi bị cáo buộc ám sát nhà khoa học Massoud Ali Mohammadi - Ảnh: ReutersQua nội dung các thư tín, có thể thấy rõ Israel đang lo sợ một Iran "hạt nhân hóa" và thường xuyên tìm cách gây áp lực lên đồng minh Mỹ để nước này hành động mạnh tay với Iran. Theo các tài liệu từ WikiLeaks, Tel Aviv thậm chí xác định năm 2010 là "năm cấp thiết" đối với việc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. "Nếu người Iran tiếp tục bảo vệ và củng cố các cơ sở hạt nhân của họ sẽ càng khó nhắm trúng và phá hủy chúng", một thư tín dẫn lời một quan chức Israel nhận định.
Trên thực tế, trong năm ngoái Mỹ không hề có hành động phủ đầu nào đối với Iran do Mỹ đang bận rộn tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, năm 2010 là thời điểm bắt đầu chiến dịch ám sát của tình báo Israel nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân Iran. Tel Aviv đang cố gắng giải quyết mối lo từ Tehran theo cách của mình trong khi chờ Washington "nghĩ lại".
"Phát súng" đầu tiên
Vụ sát hại ông Massoud Ali Mohammadi được cho là đòn tấn công đầu tiên của Israel trong cuộc chiến triệt tiêu chương trình hạt nhân của Iran "từ gốc". Theo báo Asia Times, là một chuyên gia về lý thuyết trường lượng tử và là giáo sư vật lý hạt sơ cấp tại Đại học Tehran, ông Mohammadi từng công bố 53 báo cáo nghiên cứu trên các chuyên san khoa học có uy tín.
Nhà khoa học này bị ám sát vào ngày 12.1.2010 khi một quả bom cài trên xe máy phát nổ cạnh chiếc ô tô trước nhà riêng của ông ở khu Gheytariyeh, phía bắc Tehran. Dù ông Mohammadi không có bất kỳ mối liên hệ công khai với chương trình hạt nhân của Iran hay bất cứ dự án nhạy cảm nào, nhưng những diễn biến trong quá trình xét xử Majid Jamali Fashi cho thấy ông tham gia vào những kế hoạch mang tầm quan trọng quốc gia. Bản thân Fashi thừa nhận được Israel trả 120.000 USD để giết Mohammadi.
Tại phiên tòa, vợ nạn nhân là bà Mansoureh Karami chỉ trích nặng nề Israel và cơ quan tình báo của nước này và khẳng định chồng bà là người "hiến thân cho đất nước Iran". Giới quan sát đánh giá sự xuất hiện và những tuyên bố của bà Karami về người chồng quá cố cho thấy ông có liên quan đến các chương trình quốc phòng và hạt nhân nhạy cảm của Tehran.
Những nạn nhân tiếp theo
Nhiều tháng sau đó, lần lượt nhiều nhà khoa học hạt nhân Iran nổi trội khác trở thành mục tiêu của Israel. Theo báo Der Spiegel, vào ngày 29.11.2010, 2 nhà khoa học cao cấp bị ám sát gần như cùng lúc bằng bom gài trong xe tại các khu vực khác nhau ở thủ đô Tehran. Hậu quả là giáo sư vật lý hạt nhân Majid Shahriari thiệt mạng. Trong khi đó, tiến sĩ
Fereydoon Abbasi may mắn thoát chết. Ông này là một chuyên gia về phân tách đồng vị, quy trình quan trọng trong việc sản xuất nhiên liệu uranium làm giàu dùng để vận hành các lò phản ứng hạt nhân cũng như chế tạo bom. Sau khi bình phục, ông Abbasi được Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bổ nhiệm làm Phó tổng thống kiêm Giám đốc Tổ chức năng lượng hạt nhân Iran.
Đến tháng 7 năm nay, ông Darioush Rezaei trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến dịch bí mật của Israel. Chuyên gia 35 tuổi thiệt mạng sau khi bị bắn vào cổ trước nhà trẻ của con gái mình ở phía đông Tehran. Truyền thông Iran đưa tin 2 thủ phạm của vụ tấn công đã tẩu thoát bằng xe gắn máy. Theo các tài liệu mật, ông Rezaei tham gia phát triển công tắc cao áp, một bộ phận then chốt trong quá trình bắn đầu đạn hạt nhân, và đã nằm trong đích nhắm của lực lượng tình báo thù địch với Iran từ lâu.
Sau những vụ ám sát vừa qua, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia của Quốc hội Iran Kazem Jalali tuyên bố Israel đang "tuyệt vọng" trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng tuyên bố nước này không ngại chế tạo bom hạt nhân nhưng không có ý định làm điều đó. AFP dẫn lời ông Ahmadinejad phát biểu hồi tháng 6: "Nếu chúng tôi muốn chế tạo bom hạt nhân, chúng tôi chẳng sợ ai và cũng không ngại tuyên bố điều đó. Không ai có thể làm được cái quái gì".
Tình báo Israel khó có thể cử sát thủ của mình sang Iran nên họ tuyển dụng và đào tạo những người bản địa. Theo Asia Times, Fashi, thủ phạm giết ông Mohammadi được Lãnh sự quán Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ và được đào tạo "sơ bộ" tại đây.
Y cũng đã gặp giới chức tình báo Israel ở Azerbaijan và Thái Lan, có lúc được đưa vào Israel để đào tạo tăng cường và chuẩn bị cho vụ ám sát. Tình báo Iran ước tính có khoảng chục người được Israel đào tạo và đang hoạt động trong lòng nước CH Hồi giáo.
Dĩ nhiên, Tel Aviv bác bỏ sự dính líu vào những vụ ám sát nói trên. Nhưng các chuyên gia tình báo tin rằng thủ phạm không ai khác chính là Cơ quan tình báo Mossad nổi tiếng, vốn đôi lúc phối hợp hành động với các đồng nghiệp CIA của Mỹ. Theo nhiều hồ sơ mật, trong 5 năm qua, CIA nỗ lực thu phục những sinh viên khoa học của Iran nhằm đẩy nước này vào cảnh thiếu hụt các chuyên gia chế tạo bom. Tình báo Mỹ cũng cố gắng dụ dỗ các nhà khoa học cao cấp của Iran đào tẩu nhưng không đạt nhiều kết quả.
Những vụ ám sát cho thấy Iran vẫn còn sơ hở trong việc bảo vệ nguồn nhân lực khoa học hạt nhân của nước này và nếu tình hình cứ tiếp diễn, Tehran rất có thể sẽ trả đũa. Về phần mình, Israel không loại trừ khả năng không kích các cơ sở hạt nhân Iran như đã từng làm ở Syria nếu chiến dịch ám sát không đem lại kết quả mong muốn. Các thư tín ngoại giao được WikiLeaks tung ra cho thấy chính quyền Úc từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu Israel tấn công Iran.
Cảnh báo của Tổng thống Pháp
Iran vừa yêu cầu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không đưa ra những lời phát biểu dựa trên thông tin "thiếu kiểm chứng". Trước đó, AFP dẫn lời ông Sarkozy tuyên bố ngày 31.8 rằng Pháp sẽ hợp tác với các đồng minh tăng cường hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm buộc Iran nhượng bộ về vấn đề làm giàu uranium. Tổng thống Pháp cảnh báo thêm rằng nếu các biện pháp trừng phạt không đem lại kết quả mong muốn, một quốc gia khác có thể tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran. Ông Sarkozy không nêu tên nước này. Đáp lại, ông Hasan Tajik, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Tây Âu thuộc Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: "Như đã nhiều lần khẳng định, hoạt động hạt nhân của Iran là hoàn toàn hòa bình và các báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đã xác nhận điều đó. Các hoạt động phòng thủ của Iran cũng hoàn toàn nhằm mục đích ngăn chặn. Những phát biểu dựa trên thông tin thiếu kiểm chứng có thể gây mất ổn định khu vực".
Theo TNO