Vượt qua nhiều trở ngại, KDC 135 xã Vĩnh Phú (Thuận An) đang dần hoàn thiệnTrong thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) luôn được tỉnh Bình Dương và các huyện, thị quan tâm. Bởi nếu làm tốt công tác đầu tư XDCB thì mới tạo ra được một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thông thoáng, hiện đại thu hút các nhà đầu tư. Muốn đầu tư XDCB tốt thì trước hết phải có mặt bằng để xây dựng và thi công. Và điều này buộc Nhà nước phải tổ chức thu hồi đất, bồi thường để giải phóng mặt bằng phục vụ cho công tác đầu tư XDCB. Trên thực tế, hầu hết đại bộ phận nhân dân có đất đai, tài sản khi bị giải tỏa đều ủng hộ và chấp hành tốt chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về việc này. Tuy nhiên, trước tình hình đất đai ngày càng có giá, diện tích đất mỗi năm bị thu hẹp nên công tác bồi thường giải tỏa mặt bằng (BTGTMB) ngày càng gặp nhiều khó khăn và phức tạp.
Từ Luật Đất đai năm 1993 đến Luật Đất đai 2004, Nhà nước đã 4 lần ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, thay thế, bổ sung cho phù hợp với tình hình đổi mới và phát triển của đất nước. Trong nhiều năm đó, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định để hướng dẫn và quy định về thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho phù hợp với tình hình thực tế (NĐ 22/1998, NĐ 197/2006, NĐ 84/2007 và NĐ 69/2009). Tuy nhiên, khi triển khai nghị định vào thực tiễn và trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thuận lợi cũng phát sinh những điều bất cập.
Giá đất bồi thường sát với giá thị trường?
Trong các văn bản của Nhà nước có quy định: Khi giá đất mà UBND tỉnh quy định tại thời điểm bồi thường chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì tổ chức làm nhiệm vụ BTGTMB có trách nhiệm tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cho giá đất bồi thường sát với giá thị trường. Nhưng tiêu chí để xác định giá thị trường là trên những cơ sở hay điều kiện nào thì chưa được hướng dẫn cụ thể. Bởi lẽ tâm lý của một người cần bán hay cần mua có khác nhau, có thể vì cần mà bán rẻ hay mua mắc! Hơn nữa, nếu căn cứ các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tham khảo thì cũng chưa hẳn chính xác. Vì đa số giá trên các hợp đồng đều được người dân thỏa thuận ghi thấp để giảm đóng thuế. Do vậy, để xác định giá đất bồi thường sát với giá thị trường là một vấn đề khó khăn và điều này dẫn đến người dân luôn “kêu” là giá bồi thường chưa sát với giá thị trường!
Bồi thường đất nông nghiệp và đất nông nghiệp liền kề, xen kẽ trong khu dân cư
Hầu hết người dân, nhất là bà con ở nông thôn chưa có khái niệm cụ thể về đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Đa số họ cho rằng “đất nào cũng là đất” và ngay cả trong các thỏa thuận mua bán đất thì người dân cũng có thói quen là “bán gộp” theo giá bao nhiêu tiền 1 mét ngang hay 1m2. Còn Nhà nước khi bồi thường đất thì phải phân loại đất theo quy định là đất nông nghiệp, đất thổ cư hay đất chuyên dùng. Nếu xét về mặt kết cấu, hình thành thì “vật chất” đất nào cũng như nhau. Nhưng khi đưa vào sử dụng thì tùy theo mục đích mà trở thành khác nhau. Cùng một thửa đất đó nhưng khi được bồi thường thì sẽ có khác nhau về giá trị của 1m2. Ví dụ một thửa đất có cả đất nông nghiệp và đất thổ cư. Nếu Nhà nước bồi thường theo giá đất thổ cư thì cao nhưng không thể bồi thường toàn bộ theo giá đất thổ cư vì đất thổ cư phải có hạn mức. Nếu ngoài hạn mức thì phải chuyển mục đích sử dụng và đóng tiền sử dụng đất. Còn nếu bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì thấp và người dân khiếu nại là giá bồi thường chưa sát với giá thị trường. Do vậy, tại NĐ 197 có quy định thêm về phương thức hỗ trợ đất nông nghiệp liền kề và xen kẽ trong khu dân cư. Đó là ngoài việc bồi thường đất nông nghiệp theo giá quy định của UBND tỉnh, thì người dân còn được hỗ trợ thêm một khoản % so với đất thổ cư cùng vị trí. Việc này cũng gặp khó khăn khi xác định hỗ trợ bao nhiêu % là hợp lý để người dân không khiếu nại.
Bồi thường đất hành lang bảo vệ đường bộ
Luật Đất đai năm 2004 có quy định, khi Nhà nước thu hồi đất hành lang thì được bồi thường. Nếu không thu hồi mà xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến đất hành lang đó thì sẽ được hỗ trợ. Từ quy định này, UBND tỉnh có cụ thể hóa bằng Công văn 6429/UBND-SX ngày 21-12-2005, nội dung công văn chỉ cho phép: xem xét bồi thường đất hành lang bảo vệ đường bộ (HLBVĐB) được xác lập sau ngày 15-10-1993 (là ngày ban hành Luật Đất đai năm 1993) còn những HLBVĐB được Nhà nước xác lập trước đó thì không bồi thường. Một số ý kiến đã cho rằng: Công văn 6429 đã trái Luật Đất đai vì luật không quy định bồi thường đất HLBVĐB theo thời điểm.
Thực tế là trước đây, UBND tỉnh Sông Bé có ban hành Quyết định 51/QĐ-UB ngày 11-2-1991 về quy định bảo vệ đường bộ, trong đó có quy định phải giải tỏa hành lang một số tuyến đường, nhưng có thể vì nhiều lý do nên chưa thể giải tỏa để quản lý mà vẫn để cho người dân sử dụng. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận của người dân là “Nhà nước chưa giải tỏa thì vẫn còn thuộc quyền sử dụng của người dân”! Do vậy, nếu như thời điểm đó mà Nhà nước tổ chức giải tỏa và quản lý luôn thì đến nay công tác BTGTMB sẽ thuận tiện biết mấy vì đất đai vào thời điểm trên còn rẻ, điều kiện sinh hoạt và kinh doanh ở đất mặt tiền chưa sôi động nên người dân sẽ không tiếc mà sẵn sàng hợp tác.
Giải tỏa trắng, bố trí tái định cư và đơn giá bồi thường nhà cửa
Hầu hết các công trình giao thông khi đầu tư nâng cấp mở rộng đều vướng mắc ở một số hộ khi mở rộng đầu tuyến hoặc các đường cong. Các trường hợp này thường phải giải tỏa trắng, nhưng quỹ nhà đất để hoán đổi hay bán lại cho các hộ giải tỏa trắng này thì chưa có hoặc có rất hạn chế và không tập trung. Do đó rất khó trong việc bố trí cho từng trường hợp tương xứng với vị trí đã giải tỏa. Đối với các DN thì vấn đề này dễ giải quyết hơn vì trong quá trình thông qua quy hoạch thiết kế, nhà đầu tư luôn có dành sẵn một khu đất để làm khu tái định cư. Đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, công trình phụ cũng luôn bị người dân thắc mắc là không đủ để xây dựng lại. Hiện nay, khung giá để tính toán bồi thường cho người dân được áp dụng theo Quyết định 22/2008/QĐ-UBND ngày 24-6-2008 của UBND tỉnh Bình Dương. Trong quá trình thực hiện thì có những thời điểm biến động về giá vật tư và giá thuê nhân công. Do vậy, cũng rất khó khi tính toán bồi thường, hỗ trợ người dân cho tương đối thỏa đáng và vận động người dân nhận tiền bồi thường.
Ngoài ra, việc xác định cấp nhà để làm cơ sở áp giá cũng như xác định diện tích giải tỏa để bồi thường cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bởi lẽ, căn nhà của từng hộ dân thì không căn nào giống căn nào. Nếu so với quy định thì có những căn có một phần kiến trúc, trang trí thuộc cấp nhà này nhưng phần khác lại thuộc cấp nhà thấp hoặc cao hơn. Mặt khác, có những trường hợp vạch giải tỏa đi qua một góc nhà hay một phần mặt tiền nhà, diện tích giải tỏa và giá trị bồi thường rất ít nhưng khi phá dỡ sẽ làm cho ngôi nhà có hình thể khó coi, khó sử dụng và bất tiện cho người dân trong sinh hoạt. Nhưng tiêu chí thế nào để được hỗ trợ thêm hay bồi thường hết căn nhà thì chưa có quy định cụ thể là bao nhiêu? Do vậy, nếu bồi thường hết căn nhà thì giá trị hỗ trợ sẽ rất lớn hơn nhiều lần so với giá trị bồi thường theo phạm vi giải tỏa thực tế. Nhưng nếu không bồi thường hết căn nhà thì người dân liên tục khiếu nại và cho rằng Nhà nước bồi thường không thỏa đáng!
Thay lời kết
Nhìn chung, việc triển khai chủ trương bồi thường giải tỏa thuộc các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như đường sá, trường học thì tương đối thuận lợi. Riêng các công trình điện thường bị người dân phản ứng vì người dân cho rằng: không hưởng lợi trực tiếp gì khi công trình hoàn thành, cũng như nhà đất mà gần đường điện hay trạm điện thì cũng không an tâm và rất khó sử dụng. Ngoài ra, việc hỗ trợ công tác bồi thường cho các DN (theo điều 40, NĐ 84/2007/NĐ-CP) cũng gặp phải một số ít hộ dân bất hợp tác như “đóng cổng cố thủ” trong nhà, không cho kiểm kê mà Quyết định 50/2009/QĐ-UBND ngày 24-7-2009 của UBND tỉnh về quy định trình tự kiểm kê bắt buộc lại chưa quy định cụ thể xử lý trường hợp này. Từ đó khiến công tác giải tỏa mặt bằng khó có thể triển khai một cách suôn sẻ và dứt điểm trong thời gian nhất định.
Thuận lợi rất cơ bản là cho dù công tác BTGTMB luôn là “vấn đề thời sự” do đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người. Tuy nhiên, hầu hết người dân có đất đai, tài sản khi bị giải tỏa cũng đã thông cảm và ủng hộ chủ trương của Nhà nước, một số ít không đồng tình thì sau khi được các ngành, đoàn thể của địa phương vận động thuyết phục cũng đã vui vẻ chấp hành. Chỉ có rất ít trường hợp hoàn toàn “bất hợp tác” nhưng thường thuộc diện các công trình do DN làm chủ đầu tư phải bồi thường để giải tỏa đất đai, tài sản của người dân là một việc mà Nhà nước và nhân dân đều không muốn. Tuy nhiên, nếu không giải tỏa thì lấy đâu ra mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.
Do vậy, để việc bồi thường giải tỏa được thuận lợi hơn, thiết nghĩ cần phải có kế hoạch xây dựng giá đất bồi thường cho phù hợp mà cụ thể là giá đất nông nghiệp đừng chênh lệch quá so với đất thổ cư; đồng thời cần có chính sách ưu đãi thêm đối với những hộ đầu tuyến hay ở các ngã 3, ngã 4. Cần có các khu tái định cư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng hay sử dụng quỹ nhà đất hiện có để sẵn sàng bố trí cho các hộ giải tỏa trắng khi bị giải tỏa để nâng cấp, mở rộng các đường giao thông. Song song đó, các cơ quan hữu quan cũng cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ cho người dân sau giải tỏa như: Tạo điều kiện thuận lợi khi xây dựng lại nhà cửa, làm lại các thủ tục giấy tờ về nhà đất... Có như vậy sẽ giúp người dân giảm bớt phần thiệt thòi khi nhà đất bị giải tỏa, giúp cho công tác BTGTMB được thực hiện nhanh chóng và tạo sự đồng thuận cho người dân.
H.HẠNH - H.VĂN