Nếu bạn hay con của bạn đã một lần bị chó cắn chắc chắn sẽ có chung suy nghĩ như tôi, là việc chó cắn gây ra những tổn thất cho sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần và tiền bạc, thậm chí là tử vong một cách oan uổng. Theo một thống kê chưa đầy đủ, năm 2014 Việt Nam có khoảng 60.000 người bị chó, mèo cắn, trong đó có 14 người tử vong. Một con chó nuôi trong gia đình, bình thường nó sống từ 10 - 15 năm, mà tiêm vắc xin ngừa dại cho chó thì phải hàng năm. Do đó nếu gia đình nuôi chó mà không có điều kiện tiêm phòng hay ý thức phòng ngừa kém, thì chó quả là một hiểm họa cho nhiều người.
Vậy tổn thất khi bị chó cắn là gì?
Về mặt thể chất: Nếu bị chó cắn một vết thương không quá nặng chỉ trầy xước dưới da thì cũng phải tiêm ngừa đủ liều vắc xin phòng ngừa bệnh dại. Còn vết thương bị chó tấn công cắn vào mặt, cổ hay bụng thì rất nghiêm trọng. Vì đây là những vị trí nguy hiểm, vi rút dại dễ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, khiến trẻ tử vong nhanh chóng. Đồng thời để chữa trị vết thương do chó cắn cũng cần nhiều thời gian và chịu nhiều đau đớn.
Về tinh thần: Một ảnh hưởng tâm lý rất nghiêm trọng đối với người bị chó cắn và người thân trong gia đình. Mọi người đều hoang mang lo sợ không biết con chó có dại hay không, ảnh hưởng đến việc học tập, làm việc của nhiều người.
Về mặt tiền bạc: Khi bị chó cắn dù chưa biết rõ con chó có dại hay không thì ta phải tiêm ngừa ngay. Tiêm ngừa là một tổn thất về tiền bạc khá lớn đối với gia đình nghèo. Theo tính toán của cơ sở y tế, để điều trị một ca bị chó, mèo cắn, tốn khoảng 2,3 triệu đồng. Nếu em nhỏ bị chó cắn và khi ta trực tiếp chăm sóc điều trị sẽ thấy, ngay mũi tiêm ngừa đầu tiên, đêm đó đứa trẻ không ngủ được, bứt rứt, trằn trọc, người nóng ran, môi khô và rất mệt mỏi. Có thể nói để phục hồi lại sức khỏe cho một đứa trẻ cũng như người lớn do bị chó cắn có thể từ 2 - 4 tuần.
Từ những suy nghĩ của người đã từng có con bị chó cắn, xin nêu lên một số điểm cần lưu ý để phòng ngừa những tổn thất do chó gây ra như sau: Nguy cơ tử vong do bệnh dại rất cao. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do bệnh dại. Tại những quốc gia không nuôi nhốt chó, mèo mà thả rông (trong đó có Việt Nam). Đặc biệt, vào mùa hè, số chó, mèo bị dại tăng đột biến, nên sự phòng ngừa càng phải được đề cao. Khi bị chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, điều cần nhất là phải đưa người đó tới bệnh viện khám, tránh dùng thuốc nam để điều trị vì không có kết quả. Trước khi đưa tới bệnh viện, cần tiến hành sơ cứu ngay là phải rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối, dội nước nhiều lần để sát khuẩn và làm giảm đến mức thấp nhất lượng vi rút còn lại ở vết thương. Không chủ quan, đó là điều tiên quyết khi bị chó, mèo cắn, bởi lẽ thời gian ủ bệnh (và phát bệnh) có khi là trong 2 - 8 tuần lễ, nhưng có trường hợp kéo dài 1 năm, thậm chí lâu hơn.
Nên nhớ, tất cả những bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong. Khi bị chó, mèo cắn (không biết là chúng có bị dại hay không) nên tiêm ngừa càng sớm càng tốt, trong vòng 2 ngày thì hiệu quả rất cao.
SỸ HOÀNG (TTTTGDSK)