Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 đã kết thúc, nhưng để lại những kỷ niệm khó quên trong lòng khách tham quan về đất và người Bình Dương. Góp phần để lại những ấn tượng tốt đẹp đó trong lòng các vị khách mời là người nước ngoài phải kể đến sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ tình nguyện viên (TNV)...
Xác định vai trò của các TNV sẽ là những “trợ thủ” đắc lực cho Ban tổ chức và du khách trong việc giúp đỡ, hướng dẫn và cung cấp thông tin cần thiết về festival, ngay từ sớm, Ban tổ chức đã ra thông báo và tuyển chọn được 55 TNV xuất sắc từ hàng trăm cán bộ Đoàn - Hội, sinh viên.. đăng ký tham gia. Để khoác trên mình chiếc áo xanh TNV Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010, các bạn phải vượt qua một cuộc sát hạch mà “tỷ lệ chọi” rất cao. Về ngoại ngữ, không chỉ thông thạo một ngoại ngữ là tiếng Anh mà nhiều bạn còn thạo đến 2 - 3 thứ tiếng! Những am hiểu về phong tục, tập quán; cuộc sống và con người Bình Dương - Việt Nam cũng như những kỹ năng giao tiếp, ngoại hình là những yêu cầu khá gắt gao mà mỗi TNV phải hội đủ! Ngoài các TNV xuất sắc đã chọn lọc kỹ càng qua phỏng vấn của Ban tổ chức thì Đoàn khối các cơ quan tỉnh còn giới thiệu thêm những TNV nhiều kinh nghiệm tham gia các festival trước đây. Tất cả các bạn có một sứ mệnh quan trọng là quảng bá hình ảnh của đất và người Bình Dương cũng như tạo ấn tượng thân thiện cho đại biểu tham dự festival.
Sau khi được tuyển chọn, các TNV được tập huấn nhằm trang bị thêm các kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho festival bao gồm kỹ năng giao tiếp, ứng xử, các nguyên tắc đón tiếp khách trong và ngoài nước; thông tin về đặc điểm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.. Không chỉ tập huấn về lý thuyết, các bạn còn được tham quan thực tế tại Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Làng lu cổ ở xã Tương Bình Hiệp và khu Di tích Nhà tù Phú Lợi để có điều kiện thuận lợi trong việc hướng dẫn du khách.
Tự hào là địa phương được chọn là nơi tổ chức Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010, đội ngũ TNV ai cũng mong chờ được thể hiện mình với vai trò là chủ nhà. Hầu hết các bạn đều tự tăng cường các kiến thức hiểu biết về Bình Dương - Việt Nam cũng như văn hóa của các quốc gia để thực hiện tốt festival lần này. Chia sẻ với chúng tôi, bạn Ngô Võ Thắng, nói: “Là một hướng dẫn viên du lịch với kinh nghiệm 6 tháng và lần thứ 2 trong vai trò TNV, mình có một số điều kiện thuận lợi hơn các bạn khác. Qua festival này, chúng ta mới càng thấy được những văn hóa đặc sắc của quê hương Bình Dương, tận mắt nhìn thấy những sản phẩm, những tinh hoa gốm sứ do các bàn tay điêu luyện của nghệ nhân tạo ra, mình cảm thấy yêu quê hương mình hơn khi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất có truyền thống có nhiều làng nghề gốm sứ. Sau festival này, mình muốn cùng với các bạn trẻ ra sức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa mà quê hương mình đang có”.
Khác với Thắng, Huỳnh Thị Cẩm Bình là sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, tuy nhà ở tận Hóc Môn nhưng khi biết tin về thông báo tuyển TNV cho Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương, Bình đã nhanh chóng đăng ký tham gia và trúng tuyển vào đội ngũ TNV lần này. Bạn nói “Qua những ngày tham gia TNV, mình cảm thấy đã nhận được rất nhiều thứ về kiến thức văn hóa - xã hội về đất nước cũng như quê hương Bình Dương, các kỹ năng của một hướng dẫn viên du lịch, được làm quen với nhiều bạn mới và đặc biệt là mình đã được quen biết với các cô chú lãnh đạo. Họ là những người vui vẻ, cởi mở chứ không như những gì mình lo lắng ban đầu”.
Còn bạn Nguyễn Hoàng Thiên Thư, sinh viên năm cuối trường Đại học Bình Dương được phân công hướng dẫn đoàn Kon Tum, thì cho biết chỉ một thời gian ngắn làm hướng dẫn viên nhưng để lại trong bạn những kỷ niệm khó quên. Thư nói: “Được làm những điều có ích cho địa phương là một niềm vui lớn đối với mình, nhất là góp phần trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh của địa phương đến các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Mình nghĩ, mình đã học hỏi được công tác tổ chức một sự kiện lớn, xử lý tình huống và trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức về Bình Dương và đất nước Việt Nam”.
Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 được xem là thành công tốt đẹp. Thành công của lễ hội này có sự đóng góp công sức của những TNV. Họ tham gia tình nguyện vì không chỉ mong muốn giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa của địa phương và nước nhà mà còn phát huy nhiều hơn nữa những giá trị vốn có của Bình Dương - Việt Nam.
DIỄM TRINH