Những ứng viên nặng ký cho giải Nobel Hòa bình 2015
(BDO) Thời hạn trao giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2015 đã cận kề, nhưng câu hỏi ai sẽ là chủ nhân của giải thưởng này trong số 273 cá nhân và tổ chức được đề cử vẫn còn chưa được làm sáng tỏ. Giới quan sát dự báo sẽ có nhiều kịch tính xẩy ra.
Chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2015 sẽ được công bố ngày hôm nay tại Oslo (Ảnh: Guardian)
Giải Nobel Hòa bình 2015 sẽ chính thức được công bố vào 11g (giờ Oslo, tức 16g giờ Việt Nam) ngày 9-10. Nhưng báo giới vẫn còn những đồn đoán khác nhau về nhân vật sẽ nhận được giải thưởng.
Theo đó, dư luận được biết nhiều nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Giáo hoàng Francis và cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden… là những nhân vật nổi bật trong 273 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình năm nay.
Tuy nhiên, có các nhận vật được coi là nhiều khả năng nhất đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel vì cách ứng phó của bà với cuộc khủng hoảng di cư hoặc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran, ông Javad Zarif do nỗ lực giúp đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran với Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, và Đức).
Danh sách ứng viên giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay gồm 273 cá nhân và tổ chức. Một số nhà quan sát cho rằng giải thưởng năm nay sẽ thuộc về những người hành động xoa dịu khủng hoảng di cư châu Âu; một số khác lại nghiên về hành động giúp cho Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân, vấn đề gây tranh cãi và bế tắc trong cách giải quyết đã tồn đọng nhiều năm.
Các lập luận khác nhau đều có lý và đều dựa trên những tiêu trí là những hoạt nhằm mang lại hòa bình cho nhân loại, đúng như cái tên của Giải thưởng.
- Những người dự đoán và ủng hộ bà Angela Merkel, vì hành động dũng cảm của bà đã xoa dịu làn sóng nhập cư từ Trung Đông vào châu Âu, tránh để xẩy ra một thảm họa nhân đạo nếu vấn đề nhập cư không được giải quyết thỏa đáng.
Hãng tin AFP trích dẫn Kristian Berg Harpviken, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Prio) cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel là một sự lựa chọn rõ ràng: “Bà Angela Merkel thực sự là một nhà lãnh đạo có phẩm hạnh”.
Theo Bloomberg, các chuyên gia dự báo cũng nhận định: “Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong số các ứng cử viên hàng đầu của giải thưởng cao quý này nhờ chính sách mở cửa nước Đức với người tị nạn Trung Đông, vì cuộc khủng hoảng tị nạn đang làm rung chuyển châu Âu sẽ là chủ đề nóng của giải Nobel Hòa bình năm nay”.
Nhà nghiên cứu Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo, cũng khẳng định: “Bà Merkel đã thể hiện phẩm chất lãnh đạo trong một tình huống đầy khó khăn, có thể nói là xấu hổ đối với châu Âu”.
Theo họ, việc nước Đức chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn thực sự là điều khiến dư luận quốc tế phải ngả mũ trước “Người đàn bà thép”. Năm nay, ước tính 1 triệu người tị nạn đến Đức và bà Merkel khẳng định Đức sẽ đủ sức chăm sóc cho họ.
Còn Ủy ban Nobel Hòa bình xác nhận, trên thực tế, bà Merkel cũng đã được ghi công từ khi thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngồi vào bàn đàm phán hồi tháng 2 năm nay để tìm một giải pháp hòa bình cho miền Đông Ukraine.
Những người dự đoán giải Nobel Hòa bình có thể thuộc về các kiến trúc sư của thỏa thuận hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif. Vì theo họ, trong quá khứ Giải thưởng Nobel Hòa bình thường trao cho những người hoặc tổ chức nhằm ca ngợi những nỗ lực chống hạt nhân, và năm nay kỷ niệm chẵn 70 năm Mỹ ném bom xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945, rất có thể lặp lại.
Được biết, giải Nobel Hòa bình trong các năm 1975, 1985, 1995 và 2005 lần lượt thuộc về nhà hoạt động Liên Xô Andrei Sakharov, Hiệp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (IPPNW), Joseph Rotblat và phong trào Pugwash, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và giám đốc Mohammed el-Baradei.
Hồi tháng 7 vừa qua, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, khi Iran chấp nhận giảm quy mô hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Tehran từ năm 2006, là một hoạt động gây ấn tượng mạnh nhất tác động đến hòa bình và an ninh của nhân loại. Đó là cơ sở để dự báo khả năng ông John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif sẽ được Hội đồng Giải thưởng Nobel lựa chọn.
“Kẻ 8 lạng, người nửa cân”, đang là tình cảm của giới quan sát và dự báo dành cho 2 trong số 273 ứng cử viên của Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2015. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cả hai kịch bản đều có thể xây ra.
Kịch bản 1, thuộc về bà Angela Merkel vì hành động quyết đoán của bà diễn ra vào đúng thời điểm gây cán nhất, khi nguy cơ khủng hoảng nhân đạo về dòng người nhập cư từ Trung Đông tràn vào châu Âu, trong khi EU đang lúng túng về cách giải quyết và trước đó, bà Angela Merkel cũng có công đưa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề miền Đông Ukraine.
Kịch bản 2, thuộc về ông Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif, vì hai ông này đã có những nỗ lực phi thường trong việc thuyết phục các bên để đạt một thỏa thuận lịch sử về vẫn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran, trước đó nhiều năm các cuộc đàm phán đều dẫn đến bế tắc, nay đã được khai thông ngay đúng vào dịp nhân loại kỷ niệm 70 năm ngày thảm họa hạt ở Nhật Bản làm chết hàng trăm ngàn người.
Cũng theo giới phân tích, kịch bản thứ hai có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn, vì hiệu ứng của hoạt động này có ý nghĩa lớn, bao trùm và gốc gác hơn, nhất là trong năm kỷ niệm 70 năm thảm họa hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản.
Tuy nhiên, dự báo vẫn chỉ là dự báo, độ dung sai nhiều ít còn còn chưa rõ và điều kịch tính vẫn có thể xẩy ra. Dư luận hiện vẫn đang tiến gần đến 16h ngày 9-10-2015.
Theo Dân Trí