Nhảy Flashmob hay dân vũ… đang là vũ điệu kết nối cộng đồng được các bạn trẻ yêu thích. Cả hai đều có những vũ điệu vui nhộn, song về ý nghĩa mỗi thể loại mang cho mình những đặc trưng riêng. Dân vũ là vũ điệu thể hiện bản sắc dân tộc của từng quốc gia, dân tộc. Phá cách hơn, Flashmob thể hiện được sự đơn giản của vũ điệu nhưng không kém phần sôi nổi để thu hút khối đông cùng tham gia tại một thời điểm nhất định.
Hàng ngàn học sinh, sinh viên tham gia nhảy Flashmob vui nhộn với bài hát “Việt Nam ơi” trong chương trình “Vạn trái tim hướng về biển đảo”
Ảnh: S.ANH
Nhảy dân vũ là sự thể hiện văn hóa đặc trưng riêng của từng quốc gia, dân tộc. Động tác được sử dụng trong bài nhảy nói lên cuộc sống lao động hàng ngày của con người ở từng quốc gia. Vì thế, khi nói đến dân vũ Thái Lan đó là vũ điệu “Té nước”, Indonesia “Rasa saying” hay Hàn Quốc là “Con nòng nọc”…. Hiện nay, dân vũ đã được du nhập vào Việt Nam nhưng vẫn chưa có vũ điệu đặc trưng chính thức được công nhận để giới thiệu cùng bạn bè quốc tế. Trong những cuộc giao lưu, có rất nhiều bài hát được đưa ra sử dụng như “Trống cơm”, “Việt Nam ơi” hay “Nối vòng tay lớn”… thế nhưng các động tác vẫn chưa nói hết được sự đặc trưng riêng để thể hiện cái hồn, cái bản sắc dân tộc Việt.
Hiện tại, giới trẻ đang có sự nhầm lẫn trong cách gọi vì có những cải biên các bài hát như: “Nhà có năm nàng tiên”, “Con cào cào”, “Chú ếch con”… cho đó là dân vũ. Sau đó, phổ biến rộng rãi ở các trường học. Anh Thái Kiến Thuận, Chủ nhiệm CLB Tình nguyện xanh (Bình Dương) chia sẻ: “Do sự hiểu nhầm giữa dân vũ và Flashmob nên một số trường trong tỉnh đã có cải biên những bài hát vui nhộn được các bạn trẻ yêu thích, dàn dựng động tác để luyện tập cho học trò, các bạn thanh niên… biểu diễn tạo hiệu ứng khối đông và gọi đó là dân vũ. Thật ra, đúng hơn đó là Flashmob, nhảy tập thể, thu hút khối đông trong một thời điểm nhất định. Trong những chuyến công tác, tôi cũng đã có những giải thích để các bạn hiểu đúng và điều chỉnh cho hợp lý…”. Anh Kiến Thuận chia sẻ thêm, mong muốn của CLB Tình nguyện xanh sẽ cố gắng phối hợp cùng các trường tổ chức hội thi sáng tác nhảy Flashmob. Lúc bấy giờ mọi người sẽ không nhầm lẫn giữa 2 vũ điệu.
Flash mob hay Flashmob là hoạt động của một nhóm bạn bè cùng hẹn trước (thông qua internet, blog, email hoặc tin nhắn nhanh, SMS...) nhanh chóng tụ họp tại một nơi công cộng để cùng làm một việc gì đó lạ mắt và lý thú theo kịch bản hay là tự phát ngẫu hứng rồi lập tức giải tán nhanh như là lúc tụ họp, xem như là chưa hề có chuyện gì xảy ra. Flash mob thông thường chỉ để làm một trò lạ mắt, vui nhộn, ngẫu hứng vô thưởng vô phạt nhằm góp vui cho mọi người; nhưng nhiều khi nó còn được sử dụng để gây chú ý trong việc truyền một thông điệp cụ thể nào đó.
Tại Bình Dương, tính cộng đồng của các bạn trẻ vẫn chưa cao, vẫn còn e ngại nên Flashmob được tổ chức theo kiểu có sự luyện tập trước với rất nhiều người để trình diễn đẹp mắt. Gần đây nhất mà mọi người thấy đó là sự kiện “Vạn trái tim hướng về biển đảo” hay đại hội “Công dân trẻ tiêu biểu” với sự tham gia của hàng ngàn học sinh, sinh viên cùng biểu diễn trong bài hát “Việt Nam ơi”, “Nối vòng tay lớn”.
Anh Nguyễn Phan Thái Anh, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi Bình Dương chia sẻ: “Dân vũ và Flashmob đều là vũ điệu mang tính chất cộng đồng, giúp cho mọi người trở nên gần gũi, cởi mở hơn trong cuộc sống sinh hoạt. Việt Nam cũng cần có sự thống nhất bài hát và vũ điệu đặc trưng để đưa ra giới thiệu cùng bạn bè quốc tế và để các bạn trẻ không còn nhầm lẫn giữa hai vũ điệu vui nhộn này…”.
SONG ANH