Bài 7: Hiệp An - nơi ghi dấu quyết định lịch sử
Chợ Bưng Cầu (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) xưa không chỉ là nơi giao thương hàng hóa thuận lợi. Tại đây, đêm 23-8- 1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã họp mở rộng để kiểm điểm lực lượng, phân công cán bộ, lập ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Văn Công Khai làm Trưởng ban; quyết định dời trụ sở chỉ huy về ngã ba Lò Chén để khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lỵ.
Thời khắc quyết định
“...Thiên hạ thất kinh/ Là chợ Hớn Quản/ Khô như bánh tráng /Là chợ Phan Rang/Xe thổ mộ dọc ngang/Là chợ Thủ Dầu Một/Khỏi lo ngập lụt /Là chợ Bưng Cầu...” (Vè 47 chợ). Chợ Bưng Cầu từ xưa vốn nổi tiếng là nơi giao thương hàng hóa, nhất là các loại rau màu được trồng quanh vùng Tân An, Tương Bình Hiệp, Định Hòa... Hình ảnh chợ này đã đi vào thơ ca, vè dân gian. Và hiện nay, đây cũng là một chợ nông sản, có giá tương đối rẻ. Với nhiều người dân địa phương, chợ Bưng Cầu còn ghi dấu ấn kỷ niệm tuổi thơ. Ở đó có những bà mẹ tần tảo bán buôn tại chợ để nuôi con mình khôn lớn. Để rồi, những người con, sau này dù đã trưởng thành, mỗi khi đi qua chợ, đều nhớ lại những hình ảnh thân thương ấy...
Bà Huỳnh Thị Tuyết Loan (bìa phải), Bí thư Đảng ủy phường Hiệp An, ông Lê Trọng Khanh (giữa) và ông Nguyễn Ngọc Lắm trao đổi, trò chuyện về lịch sử phát triển của địa phương. Ảnh: T.THẢO
Không chỉ nổi tiếng trong giao thương, chợ Bưng Cầu còn được xem là một “địa chỉ đỏ” trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một nhớ lại: Ngày 17, 18 -8 -1945, Xứ ủy Nam kỳ đã quyết định khởi nghĩa. Tại Thủ Dầu Một tất cả đã sẵn sàng. Đêm 23-8-1945 được coi là thời khắc lịch sử. Đêm đó, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã họp mở rộng để kiểm điểm lực lượng, phân công cán bộ, lập ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Văn Công Khai làm Trưởng ban; quyết định dời trụ sở chỉ huy về ngã ba Lò Chén để khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lỵ.
Cùng với những đóng góp to lớn trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám tại địa phương, với địa bàn chiến lược, quân và dân tại vùng đất này còn rất kiên cường đấu tranh, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối năm 1945, quân Pháp đã chọn Bưng Cầu làm điểm lập đồn chính với thành phần hỗn hợp 1 tiểu đội lính Pháp, 1 tiểu đội lính Miên và 1 trung đội lính ngụy. Tên quan ba chỉ huy người Pháp rất hung dữ, người dân gọi là “thằng Tây mặt đỏ”. Chưa hết, dọc lộ 13 có tua đầu cầu Hòa Mỹ với binh lực 1 tiểu đội và bốt An Định có non 1 trung đội. Ở đây chúng thực hiện chính sách tam quang (giết sạch, đốt sạch, phá sạch), gây nên tội ác man rợ nhằm đè bẹp ý chí đề kháng của quân dân ta. Trong năm 1946, cuộc chiến đấu trên đất Hiệp An - Định Hòa diễn ra trong tình huống tương quan lực lượng giữa ta và địch khá chênh lệch. Vì vậy, có những lúc cán bộ và du kích xã phải kéo nhau lên rừng Vĩnh Lợi đứng chân.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến quốc lộ 13 càng trở nên ác liệt. Ông Lê Trọng Khanh, một người từng là chiến sĩ biệt động của tỉnh kể lại: “Từ năm 1965-1968, tui trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ ở phường Tân An - Định Hòa - Tương Bình Hiệp, nay một phần diện tích đó được tách ra thành phường Hiệp An. Có thể nói, đây là địa bàn chiến lược khi có con đường huyết mạch - quốc lộ 13 đi qua. Địa bàn các phường này lại tương đối trống trải, lại thuận lợi về đường thủy nên dễ bị địch tấn công. Vì vậy, ở đây nhiều cuộc chiến cam go giữa ta và địch đã xảy ra. Nhưng người dân Hiệp An hiện nay và Tân An, Tương Bình Hiệp xưa kia luôn đoàn kết, đồng lòng chống giặc ngoại xâm.
Lịch sử sang trang
Năm 2003, xã Hiệp An được thành lập trên cơ sở tách ra từ Tân An và Tương Bình Hiệp. Đến năm 2008, Hiệp An được nâng cấp lên thành phường. Nhắc đến Hiệp An, ngoài Khu du lịch Đại Nam, người ta còn nhớ đến những ruộng kiệu mùa tết… Những ngày giáp tết, khi đi ngang khu vực này, mùi thơm nồng của kiệu, khiến lòng người nôn nao, mong chờ một năm mới bắt đầu.
Một góc chợ Bưng Cầu tại phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một hôm nay.
Ảnh: T.THẢO
Ông Nguyễn Ngọc Lắm, một chiến sĩ cách mạng tù đày, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hiệp An chia sẻ: “Vui mừng lắm chứ. Địa phương mình hôm nay thay da đổi thịt từng ngày. Rõ nhất là những con đường đều được bê tông hóa, trải nhựa nóng khang trang. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi phát động cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương đang tiếp tục có nhiều đóng góp xây dựng diện mạo mới cho phường bằng những hàng cây xanh, vỉa hè thông thoáng...”.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Loan, Bí thư Đảng ủy phường Hiệp An phấn khởi cho biết, từ khi lên phường, Hiệp An có nhiều điều kiện để phát triển. Đường sá được quan tâm, bố trí vốn đầu tư. Nhờ đó bộ mặt phường nhanh chóng trở nên khang trang, hiện đại. Hiện nay, các tuyến đường ĐX của phường đều được bê tông, nhựa nóng. Đặc biệt, Khu du lịch Đại Nam nằm trên địa bàn phường nên cũng đã góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển mạng mẽ. Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra là thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 63,3% - 36,2% - 0,5% và phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ trọng 65% - 34,5% - 0,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 phấn đấu đạt 85 triệu đồng/người/năm.
Theo bà Huỳnh Thị Tuyết Loan, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Đảng bộ và nhân dân trong phường sẽ đoàn kết, tập trung và huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn. Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp, phường tiếp tục phát huy thế mạnh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng đầu tư, kinh doanh. Đối với nông nghiệp, tuy còn chiếm tỷ trọng ít nhưng địa phương khuyến khích nông dân phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, chuyên canh những vùng rau màu hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng huy động các nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Các tổ chức đoàn thể của phường sẽ chú trọng quản lý tốt các nguồn vốn vay, các dự án giải quyết việc làm, tổ xoay vòng vốn giúp nhau phát triển kinh tế…
Sau 72 năm kể từ thời khắc lịch sử ấy, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một hôm nay đang vững bước trên đường phát triển. Phát huy truyền thống, những bài học kinh nghiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Hiệp An tiếp tục chung sức, chung lòng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh (còn tiếp).
Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của Hiệp An chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra là thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 63,3% - 36,2% - 0,5% và phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ trọng 65% - 34,5% - 0,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 phấn đấu đạt 85 triệu đồng/người/năm.
THU THẢO