Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại, công nhân lao động phấn khởi khi tiếp tục được lao động, mưu sinh. Trong cuộc sống ở trạng thái “bình thường mới”, công nhân vừa lao động, vừa luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Chủ nhà trọ tuyên truyền cho người lao động chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”
Niềm vui lao động
Không như những buổi sáng của mấy tháng dịch bệnh phức tạp, giãn cách xã hội phải ở trong phòng trọ chống dịch, một buổi sáng giữa tháng 10, đường sá đông đúc xe cộ hơn khi nhiều anh chị em công nhân đến công ty, nhà máy, xí nghiệp để bắt tay vào sản xuất. Một dãy nhà trọ ở khu phố Bình Phước A (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) dường như sinh động hơn khi nhiều công nhân xa quê đều vui mừng trong tình hình dịch bệnh ổn định và công ty hoạt động trở lại.
Chị Nguyễn Tố Thi, quê Bạc Liêu, được mặc lại chiếc áo công nhân ngày nào mà trong lòng cảm thấy phấn khởi vô cùng. Đối với chị, sau nhiều ngày chiếc áo công nhân nằm ở một góc tủ, nay dường như trở nên “mới mẻ” hơn. Ở chung nhà trọ với chị cũng có nhiều công nhân làm cùng công ty. Ai nấy đều như chị, đi làm trở lại không những được “giãn gân giãn cốt” mà còn là niềm vui khi Bình Dương vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh và người lao động xa quê được bước ra khỏi căn phòng trọ nhỏ hẹp để hòa mình vào “bình thường mới”.
Tâm trạng tốt hơn khi được đi làm trở lại, người công nhân, lao động xa quê sẽ an tâm khi có thu nhập ổn định để vượt qua khó khăn của đời sống. Dù đeo khẩu trang, thấy nhau không thấy hết được gương mặt nhưng ngày trở lại công ty, mọi người đều cảm thấy vui khi gặp lại bạn bè. Anh Nguyễn Trọng Tuấn, công nhân ở trọ tại phường Dĩ An (TP.Dĩ An), chia sẻ: “Những ngày ở phòng trọ chống dịch, tôi chỉ mong dịch bệnh mau hết để đi làm. Trải qua giai đoạn dịch bệnh, tôi càng quý hơn thời điểm này, được làm việc và lao động. Đi làm có lúc mệt nhưng vẫn vui hơn, gặp gỡ mọi người và có thu nhập để lo cho gia đình” .
Ngoài niềm vui ngày đi làm trở lại, người lao động còn có niềm động viên lớn khi bản thân đã vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh; từ đây bắt đầu bằng sự nỗ lực, cố gắng vươn lên trong lao động. Hơn 1 tuần nay ngoài đi làm ở công ty, chị Nguyễn Thị Thơm, công nhân ở trọ tại phường Lái Thiêu (TP.Thuận An) còn tranh thủ lấy hàng gia công về làm thêm. Chị nói: “Do một số công nhân về quê nên có xưởng may gần nơi ở trọ thiếu người làm, tôi nhận hàng về, tranh thủ thời gian buổi chiều tối làm gia công để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, tiếp tục nhịp sống với niềm vui lao động”.
Luôn nâng cao ý thức phòng dịch
Tuy dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng việc phòng dịch và tinh thần không chủ quan, lơ là vẫn luôn cần công nhân lao động ở trọ nâng cao ý thức hơn. Trải qua đợt dịch phức tạp lần này, cuộc sống người lao động xa quê rất khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập không ổn định và còn có những mất mát lớn về tinh thần cùng với nhiều áp lực. Chị Lê Thị Anh ở trọ tại phường Thuận Giao (TP.Thuận An), chia sẻ: “Dịch bệnh đã khiến cho nhiều hoàn cảnh của người lao động xa quê khốn khó. Mặc dù mọi người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn phải ý thức phòng bệnh. Nhà tôi có con nhỏ chưa đến tuổi tiêm vắc xin nên cũng rất lo và cố gắng phòng bệnh. Lợi ích của công nhân khi phòng bệnh, trước mắt công ty sẽ hoạt động tốt thì mình mới đi làm và nuôi sống gia đình. Cho nên mọi người cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và phòng bệnh trong cộng đồng”.
Theo ghi nhận thực tiễn ở một vài địa phương có nhiều khu nhà trọ, vẫn còn các trường hợp người lao động ở trọ dương tính với Covid-19 và được cách ly tại phòng trọ. Chị Trần Thị Liên, công nhân ở trọ tại phường Thái Hòa (TX.Tân Uyên), nói: “Dịch bệnh được kiểm soát ai cũng mừng cả, nhất là người lao động ở trọ được ra ngoài thoải mái về không gian sống nhưng phải thích ứng an toàn. Điều đó phụ thuộc vào mỗi cá nhân, mọi người không nên lơ là phòng bệnh vì sức khỏe quan trọng hơn”.
Chia sẻ về điều này, anh Trần Văn Lên, công nhân ở trọ tại phường Uyên Hưng (TX. Tân Uyên), bày tỏ: “Tại khu trọ của bạn tôi có F0. Vìvậy, mọi người đi ra ngoài hay ở tại phòng trọ thì cũng nên đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác. Việc đeo khẩu trang nên trở thành thói quen, bây giờ nó là “vật bất ly thân”. Nếu mọi người ỷ lại việc đã tiêm 2 mũi và nghĩ lỡ có là F0 cũng sẽ nhẹnhư bệnh cảm cúm, thì nên nhìn lại tính chất lây lan trong cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ; dù ít hay nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bản thân. Vì vậy, người lao động vẫn phải luôn nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh để không ảnh hưởng đến sức khỏe; đồng thời tự giác, tuân thủcách ly đúng quy định, bảo đảm không để dịch bệnh lây sang người khác”.
K.TUYẾN