Niềm tin nhà đầu tư vào Bình Dương tăng cao

Cập nhật: 06-08-2016 | 05:37:17

Trong những năm qua, Bình Dương liên tục có những biện pháp cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư… Nhờ đó, vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước vào tỉnh tiếp tục tăng cao; các dự án đầu tư ngày càng có quy mô, tầm cỡ hơn. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã đặt trọn niềm tin, quyết định nâng vốn để tiếp tục phát triển tại Bình Dương.

Những năm gần đây, nhiều DN nước ngoài đã tăng vốn đầu tư vào Bình Dương. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Môi trường đầu tư luôn được cải thiện

Những năm qua, môi trường đầu tư của Bình Dương được cải thiện ngày càng tốt hơn. Điều đó có thể nhận thấy là số lượt DN nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh ngày một tăng. Đặc biệt, các ngành, lĩnh vực như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại - dịch vụ… đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điều đáng nói, đã có nhiều nhà đầu tư quyết định tăng vốn sau thời gian dài làm ăn và tin tưởng vào khả năng cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn của Bình Dương.

Ông Choi Jae Ho, Giám đốc Công ty TNHH Panko Vina cho biết, công ty đã đầu tư 2 xưởng may với khoảng 2.000 lao động tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước I (TX.Bến Cát) từ năm 2003. Trong quá trình làm ăn kéo dài 13 năm, Panko Vina luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của lãnh đạo địa phương. Chính vì thế, công ty quyết định tiếp tục tăng vốn đầu tư tại đây, thay vì tìm kiếm địa phương khác để đầu tư mới. Đến nay, công ty đã tăng vốn gấp 4 lần so với thời điểm 2003, lên khoảng 50 triệu USD và số lao động đã hơn 8.000 người. Ông Choi Jae Ho cho biết thêm, môi trường đầu tư tại Bình Dương thuận lợi cùng với những kết quả sản xuất, kinh doanh tốt và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực… là những cơ sở để công ty tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Bình Dương.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát Bình Dương cũng thực sự ấn tượng trước cơ sở hạ tầng, chính sách nhất quán, nhiều ưu đãi đối với nhà đầu tư của tỉnh Bình Dương. Ông cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã đầu tư tại tỉnh. Quá trình đầu tư tại đây cho thấy, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư an tâm phát triển. Chính vì thế, Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 155 tỷ đồng để mở rộng nhà máy sản xuất tại Bình Dương vào đầu năm 2016”.

Có thể nói, với nhà đầu tư, những ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi từ phía lãnh đạo tỉnh là một nguồn lực rất quan trọng trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, lợi thế về hạ tầng, yếu tố địa lý… cũng là những điều kiện tốt để khoản đầu tư của DN sinh lợi theo mong muốn và đó cũng là cơ sở để nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào tỉnh. Theo ông Jo Chang Sik, Giám đốc Công ty TNHH Baiksan Việt Nam, cuối năm 2007, công ty được tỉnh Bình Dương cấp phép cho dự án sản xuất da nhân tạo, sản xuất và gia công sản xuất hóa chất dùng làm dung môi trong ngành sản xuất các sản phẩm nhựa và cao su tổng hợp… với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 16 triệu USD tại KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) II. Với những kết quả sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đến nay công ty đã quyết định mở rộng đầu tư với số vốn tăng lên nhiều lần so với trước.

Đón cơ hội mới

Việc vốn ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư cũ quyết định tăng vốn đầu tư vào Bình Dương được các chuyên gia kinh tế lý giải là từ sự nhạy bén của nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng tốt và công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả của tỉnh. Đón cơ hội từ TPP, năm 2014, nhà máy sản xuất vải dệt các loại của Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile đã được nhà đầu tư rót vốn xây dựng tại KCN Việt Hương II (TX.Bến Cát). Nhà máy có vốn đầu tư 120 triệu USD, được khởi công xây dựng vào tháng 10- 2014, quy mô xây dựng trên diện tích 12 ha. Khi hoàn thành giai đoạn 1, nhà máy có công suất 36 triệu mét vải/năm.

Tiếp theo đó, đầu năm 2015, Tập đoàn Far Eastern của Đài Loan (Trung Quốc) cũng quyết định rót vốn lớn, đầu tư nhà máy giai đoạn 1 là 274 triệu USD để sản xuất vải sợi cho ngành dệt may. Ông Cheng Chen Yu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam cho biết, việc đầu tư nhà máy tại Việt Nam là để đón đầu TPP. Hiện thị trường Việt Nam rất tiềm năng, dự kiến thời gian tới DN sẽ nâng vốn mở rộng giai đoạn 2 từ 700 triệu đến 1 tỷ USD. Điều đáng nói là trước đó, tập đoàn này chỉ dự định đến Việt Nam đầu tư quy mô khiêm tốn. “Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, chúng tôi đã nhận ra nhiều ưu điểm của tỉnh Bình Dương. Những ưu điểm này nếu phát huy tốt có thể mang lại giá trị sinh lợi cao, nên chúng tôi đã bỏ ý định đầu tư nhà máy ở Trung Quốc và chuyển hướng sang đầu tư dự án lớn tại Bình Dương”, ông Cheng Chen Yu nói.

Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh khẳng định, với cơ sở hạ tầng tốt, cung cấp điện năng đầy đủ, cùng với chính sách thông thoáng là những lợi thế để thu hút đầu tư. Việc Bình Dương chú trọng và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng là bước đi cần thiết đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đô thị, dịch vụ…

Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư mới, tăng niềm tin cho nhà đầu tư khi đến làm ăn tại địa phương, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chủ trương, quan điểm của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những kiến nghị và vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường… Đặc biệt, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch mở rộng các KCN nhằm tạo quỹ đất sạch cho DN triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định cho địa phương.

68 dự án đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng vốn trong 6 tháng đầu năm 2016

Đó là con số thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các DN này đăng ký tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm hơn 389 triệu USD. Trong số các DN tăng vốn lần này có đến 46 dự án nằm trong các KCN với số vốn là 276 triệu USD. Hầu hết các dự án được điều chỉnh tăng vốn đều đã đi vào hoạt động ổn định, tạo giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và góp phần vào quá trình phát triển của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.713 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 24,7 tỷ USD. Phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh tập trung vào các KCN hoặc cụm công nghiệp. Thời gian qua, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Điều quan trọng, các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại, dịch vụ… đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư mới hoặc tăng vốn.

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên