Niềm tự hào của người dân đất Thủ

Cập nhật: 09-03-2024 | 10:19:25

Trong tiến trình phát triển của xã hội, cây xanh luôn gắn kết với con người. Có những cây xanh có tuổi đời hàng trăm, hàng ngàn năm, là nhân chứng của lịch sử, của sự biến động đổi thay của một vùng đất, của nhiều thế hệ con người nơi đó. Tại Bình Dương có 3 cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam” đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.


Dưới gốc cây trôm 150 tuổi trong khuôn viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương là nơi diễn ra nhiều hoạt động do nhà trường tổ chức

Có dịp trò chuyện với các giáo viên, học viên đã, đang giảng dạy và học tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, chúng tôi cảm nhận rất rõ những tình cảm của mỗi người về cây trôm tại sân trường. Với tuổi đời hơn 150 năm, cây di sản này từng chứng kiến nhiều thế hệ giáo viên, học viên gắn bó với trường, với Bình Dương. Dưới bóng mát cây trôm, nhiều người đã bắt gặp những mạch nguồn cảm xúc sáng tạo nghệ thuật. Theo đó, những câu chuyện vui buồn trong giảng dạy, học tập và sáng tạo nghệ thuật của thầy trò ở ngôi trường này đều được lưu giữ trong quá trình sinh trưởng của cây trôm.

Không những vậy, cây trôm tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương còn chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của địa phương. Hiện nay, cây trôm là điểm nhấn nổi bật tại địa phương, bởi có tuổi đời lớn nhất so với các cây khác trên đoạn đường Bạch Đằng nối dài (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), là nơi có cảnh đẹp được nhiều người đến vui chơi, giải trí…

Cùng với cây trôm, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một còn có 2 cây cổ thụ khác cũng vừa được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” trong đợt này. Đó là cây kơ nia và cây đa trong khuôn viên đình thần Tương Bình Hiệp (khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp). Cây kơ nia có tuổi đời khoảng hơn 200 năm, còn cây đa hơn 150 tuổi. 2 cây cổ thụ này đang phát triển xanh tốt, trong đó cây kơ nia mọc thẳng bên trong và được cây đa cùng rễ của nó ôm vòng, bao bọc bên ngoài, tạo thành 2 cây cổ thụ ôm lấy nhau rất đẹp. Chính vì vậy, người dân nơi đây còn gọi 2 cây này là “cây đoàn kết”.

Với người Bình Dương, bảo tồn cây cổ thụ không chỉ khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ cây mà còn góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng. Để chiêm ngưỡng dáng vẻ hùng vĩ hàng trăm năm tuổi của 3 cây cổ thụ tại TP.Thủ Dầu Một, cũng như lắng nghe người dân nói về niềm tự hào về 3 cây di sản này, ý nghĩa của việc được công nhận là cây di sản trong đời sống văn hóa tinh thần của người Bình Dương…, mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương thực hiện. Chương trình được phát lúc 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 10-3-2024) tại địa chỉ: www.baobinhduong.vn và trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Bình Dương, như: YouTube, Facebook…

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên