Hiện nay, nước thải trong đô thị đổ ra sông với lưu lượng rất lớn, chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Chính vì thế, dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương ra đời đã và đang góp phần mang niềm vui cho một đô thị văn minh, hiện đại. Thi công hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt ở TX.TDM thuộc dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương
Dự án ra đời góp phần bảo vệ môi trường sống
Bình Dương là một tỉnh có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp và đô thị. Dân số trên 1,5 triệu người, do vậy, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh ước tính trên 100.000m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải đô thị chiếm hơn 46%. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết các đô thị hiện chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải và theo đó, các con sông hay kênh rạch hàng ngày hứng chịu trực tiếp nguồn nước thải sinh hoạt đổ ra. Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Bình Dương, cho thấy chất lượng nước trên các kênh rạch ở khu vực TX.TDM, Thuận An, Dĩ An càng ngày càng suy giảm do lượng nước thải đô thị đổ vào. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bình Dương là tỉnh đóng góp khoảng 10% tổng lượng nước thải đổ vào lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai và là tỉnh đứng thứ ba về đóng góp lượng nước thải sinh hoạt vào lưu vực sông này.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương, cho biết, để bảo vệ môi trường, 5 năm qua, Bình Dương đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường. Và dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương ra đời chính vì lẽ đó. Đây là một dự án quan trọng nhằm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của các đô thị phía Nam Bình Dương. Dự án được Chính phủ Nhật Bản tài trợ khoản vốn vay ODA trị giá 7,7 tỷ yên tương đương 1.980 tỷ đồng VN thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.
Niềm vui cho một đô thị văn minh, hiện đại
Sau nhiều năm chuẩn bị, giai đoạn 1 của dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương đã được khởi động. Ở giai đoạn này, hệ thống thu gom được triển khai trong phạm vi 900 ha bao gồm một phần phường Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Thọ, Hiệp Thành và toàn bộ khu vực phường Phú Cường và Chánh Nghĩa (TX.TDM). Đây là những tuyến đường đã và đang được thi công đường ống thu gom nước thải sinh hoạt. Phía trước mỗi hộ dân sẽ được lắp 1 hố ga. Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình sẽ được đấu nối vào hố ga này và theo hệ thống thu gom chuyển về nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Ông Thiền, giải thích do hệ thống thu gom nước thải được đấu nối vào các hố nước thải sinh hoạt của người dân nên không lẫn nước mưa và kiểm soát được mùi hôi; đồng thời cho phép đơn vị quản lý theo dõi, kiểm tra và bảo trì việc sử dụng của các hộ dân. Vật liệu chính của hệ thống ống làm từ nhựa UPVC, HDPE với tỷ lệ chống ăn mòn cao.
Cùng với hệ thống đường ống và các thiết bị thu gom, nhà máy xử lý nước thải với công suất 17.650m3/ngày đêm cũng đang được xây dựng trong khuôn khổ dự án này. Đây là toàn bộ khu vực nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng diện tích 11 ha. Hiện nay, nhiều hạng mục quan trọng của nhà máy này đang được đơn vị xây dựng triển khai khẩn trương. Các loại vật tư quan trọng phục vụ cho công tác thi công cũng đã được tập kết đầy đủ.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc Công trường, Công ty Cồ phần Xây dựng số 5, cho biết cụ thể tổng công suất của nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khi hoàn thành là hơn 70.000m3/ngày và được xây dựng trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm các tiểu dự án: Công trình đầu vào, nhà khử trùng, bể cô đặc bùn, công trình tách nước khỏi bùn, nhà khử mùi... Chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945:2005. Dự kiến công suất giai đoạn 1 là hơn 17.000m3/ngày. Sau khi hoàn thành, nước thải sinh hoạt của hơn 50.000 người dân ở TX.TDM sẽ được xử lý, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường của địa phương và bảo vệ môi trường nước của sông Sài Gòn, là nguồn cung cấp nước đầu vào cho các nhà máy xử lý nước sinh hoạt tại TP.HCM.
Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thêm việc triển khai giai đoạn 1 của dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương là một tín hiệu vui. Điều này thể hiện những nỗ lực của Bình Dương trong việc vẽ lại những gam màu sáng trong bức tranh cải thiện ô nhiễm môi trường của tỉnh; đồng thời dự án đã góp phần không nhỏ cho TX.TDM nói riêng và Bình Dương nói chung trên bước đường xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
M.Huy - H.Thanh