Níu giữ những vườn măng lão…

Cập nhật: 24-05-2022 | 08:13:48

Qua khỏi cầu Bà Lụa nối liền TP.Thủ Dầu Một và xã An Sơn, TP.Thuận An, cảnh vật dường như khác hẳn. Những chộn rộn phố phường được bỏ lại phía sau. Bạn sẽ bị thu hút bởi những vườn cây ăn trái xanh tươi ẩn mình bên dòng sông của một vùng đất trù phú, hiền hòa…

 Khâu thu hoạch măng cụt từ những cây lâu năm khó khăn và tốn nhiều công hơn

 Thăm vườn măng lão

Chúng tôi đến thăm vườn măng cụt được trồng đã hơn 50 năm (gọi là vườn măng lão) của gia đình anh Nguyễn Quang Trợ, ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP.Thuận An vào một ngày giữa tháng 5 khi mọi người đang thu hoạch. Nếu như trước đây tầm này các vườn cây ăn trái của miệt Lái Thiêu, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn (TP.Thuận An) đã tấp nập người mua kẻ bán thì nay việc thu hoạch, mua bán măng cụt không còn rầm rộ như xưa.

Tại các vườn măng lão, sản lượng thấp hơn nên trái chín chỉ để bán lai rai cho khách hàng sành ăn. Gọi là sành ăn bởi họ biết phân biệt vị ngọt thanh của trái măng cụt vùng này so với những nơi khác. Trái măng cụt nhỏ, múi và hạt cũng nhỏ hơn măng cụt trồng từ nơi khác. Nhưng vị ngọt, thanh thì không có nơi nào sánh bằng…

Đưa chúng tôi đi thăm vườn măng lão của gia đình, anh Nguyễn Quang Trợ kể vườn măng của gia đình do ông bà nội để lại được “ủy quyền” cho anh chăm sóc và bảo tồn. “Nơi đây không chỉ là vườn măng đơn thuần mà là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của gia đình, dòng tộc nên chúng tôi giữ lại, chỉ bỏ những cây quá già cỗi và trồng cây mới thay thế vào”, anh Trợ cho biết.

Theo chủ nhân vườn cây này được trồng từ trước năm 1975 và là một trong những vườn măng lão nổi tiếng của vùng An Sơn. Diện tích vườn măng là 5ha với hơn 1.000 cây đang cho trái.

Nói về việc thu hoạch măng lão thì đúng là rất… mất công tốn sức. Chủ vườn phải thuê nhân công trèo lên cây cao mới hái được trái. Trái măng cụt thì loại măng cám được cho là ngon nhất bởi vỏ mềm, múi măng ngọt, thanh hơn các trái khác. Đây cũng là loại măng được nhà vườn chọn riêng để bán với giá cao hơn. Về giá măng, nếu đầu mùa khoảng 90.000 -120.000 đồng/kg thì nay, tại vườn có giá khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại.

Trong 2 năm trở lại đây, theo đánh giá của các chủ vườn ở An Sơn, Hưng Định, Lái Thiêu, sản lượng măng cụt giảm 30 - 40% so với những vụ mùa năm trước. Anh Trợ cũng cho biết thêm, mỗi năm cả vườn măng lão cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nếu tính giá trị kinh tế thì không cao nhưng cả nhà vẫn quyết định giữ vườn măng như một khu vườn sinh thái để bảo tồn đặc sản của quê hương.

Bảo tồn vườn cây đặc sản

Có một nghịch lý khiến các chủ nhà vườn trồng măng cụt… đau đầu là món gỏi gà măng cụt (cũng vào hàng đặc sản của Bình Dương) gần đây nở rộ khiến cho việc tăng sản lượng măng chín tự nhiên là rất khó. Nhiều chủ vườn cho biết trái măng cụt để làm gỏi là loại trái vừa già nhưng chưa chín. Loại trái này nếu hái là mất luôn khả năng đậu trái vào mùa sau từ chính nhánh măng bị bẻ. Măng cụt chín cây giá đã cao, măng cụt vỏ da xanh để làm gỏi gà giá lại còn cao hơn nữa, bởi vì khi hái trái măng cụt còn chưa chín sẽ làm hư cây, ảnh hưởng đến mùa vụ sau. Để có được độ giòn tươi bắt vị của món gỏi thì măng cụt được chọn phải là loại vỏ da xanh, nhưng đã đủ độ già.

 Măng cám được coi là loại trái ngon nhất của vườn măng cụt

Sở dĩ chọn loại vỏ da xanh là vì khi vừa chín tới, thịt măng cụt bên trong sẽ có độ giòn, có vị ngọt, chua vừa phải, chắc thịt, có vị chát lạ miệng. Cũng chính vì lẽ đó mà nạn trộm măng cụt làm gỏi gần đây đã xảy ra. “Thấy người ta hái măng trộm để bán cho thương lái thu gom làm gỏi gà buồn một nhưng nghĩ tới cây bị hư, sản lượng mùa sau ảnh hưởng lại buồn mười. Kiểu này việc bảo tồn vườn măng đã khó càng khó hơn!”, anh Trợ chia sẻ.

Ở An Sơn có ngôi chùa Niệm Phật nổi tiếng cũng là nơi có vườn măng lão với tuổi đời của cây lên đến vài chục năm. Chúng tôi được Thượng tọa Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Niệm Phật đưa đi giới thiệu vườn măng lão trong khuôn viên đất chùa. Theo Thượng tọa Thích Minh Pháp, cả vườn cây còn khoảng 100 gốc măng lão. Khoảng 2 năm trở lại đây, măng không được mùa nhưng thầy vẫn quyết tâm giữ lại để bảo tồn vườn cây ăn trái đặc sản nức tiếng xưa nay.

Thông thường măng cụt đậu trái vào tháng 12 hoặc tháng 1 âm lịch và thu hoạch quả vào cuối tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Nhưng năm nay trái măng cụt trổ bông sớm hơn, tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài lại gặp mưa đột ngột khiến cây rụng nhiều trái. Vì vậy sản lượng thu hoạch không thuận lợi và nhiều như trước. Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Pháp, do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh nên diện tích trồng cây ăn trái, trong đó có măng cụt ngày càng thu hẹp. Gần đây, việc chuyển đổi đất vườn lên thổ cư được quy định chặt chẽ hơn nên các vườn măng lão mới được giữ lại. “Chính quyền cũng như người dân cần cố gắng hơn để bảo tồn vườn cây để lưu giữ một loại trái cây đặc sản với hương vị riêng biệt ít nơi nào có”, thầy Minh Pháp nói.

Theo thông tin từ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn, xã An Sơn, hiện có hơn 10 thành viên trồng măng cụt, trong đó rất ít vườn măng lão. Tổng diện tích trồng măng cụt khoảng 21ha. Do ảnh hưởng dịch, các thương lái không còn đi thu mua, gom hàng như mọi năm. Măng cụt không xuất đi nước ngoài, hợp tác xã chủ yếu tự tìm nguồn khách bán lẻ thông qua các kênh Zalo, Facebook do chủ vườn tự tạo nên. Anh Nguyễn Quang Trợ cũng cho biết anh bán hàng chủ yếu qua trang chủ Facebook Năm Trợ của anh. Trái măng cụt chỉ ra theo mùa vụ, một năm có một lần nên không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài cái khó của việc “tận thu” măng cụt chưa chín tới như trên đã nói còn cái khó nữa là giá đất ngày càng tăng chóng mặt nên chủ vườn cũng rất khó khăn trong việc bán hay giữ lại vườn măng. Tuy nhiên, với tình yêu, sự gắn bó với loại trái cây đặc sản này, với nỗi niềm tha thiết lưu giữ mảnh vườn của cha ông để lại, các chủ vườn măng vẫn quyết tâm giữ những vườn cây như một góc bảo tồn thiên nhiên cho du lịch sinh thái.

Chia tay với những người làm vườn chân chất, chúng tôi mong sao cho màu xanh của những vườn cây trái ở Lái Thiêu, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn… vẫn còn mãi, vẫn là nơi níu giữ màu xanh ngút ngàn từ vườn cây tới bầu trời xanh trong kia để du khách đến với vùng đất này cảm nhận được một cảm giác thật bình yên…

 Bà Võ Thị Cẩm Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn, TP.Thuận An cho biết hiện diện tích đất nông nghiệp của xã còn khoảng 577ha trồng cây ăn trái, trong đó chủ yếu là trồng măng cụt. Riêng vườn măng lão thì ngày càng ít đi do năng suất ngày càng thấp, người dân cải tạo vườn trồng cây mới. Diện tích trồng sầu riêng cũng không còn nhiều. Chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích người dân bảo tồn vườn cây ăn trái lâu năm, hỗ trợ cho du lịch sinh thái, giữ lại vùng chuyên canh trái cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên