Nợ công của Việt Nam vẫn dưới ngưỡng an toàn

Cập nhật: 18-10-2011 | 00:00:00

Nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng biến động tỷ giá đồng yên Nhật đã và đang làm số nợ “phình to” ra.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính ngày 17-10 cho biết như vậy.

Nhật Bản là quốc gia cung cung cấp ODA và cho Việt Nam vay nhiều nhất. Theo đó, đồng yên cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất (38,83% trong tổng nợ nước ngoài phân theo loại tiền của Việt Nam). Tuy nhiên năm 2006 một USD đổi được 116,3 Yên nhưng sang năm 2010 một USD chỉ đổi được 84,11979 Yên. Biến động này đã khiến Việt Nam sẽ phải cần thêm nhiều USD hơn để mua tiền Yên trả nợ, khiến tổng số nợ nước ngoài và nợ công của Việt Nam gia tăng. 

 

Tuy nhiên, theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới thì các chỉ tiêu nợ công của Việt Nam hiện vẫn dưới ngưỡng an toàn. Những biến động về tỷ giá, khủng khoảng tài chính và nợ công trên thế giới cùng các rủi ro khác đang đe dọa tính bền vững của nợ công nước nhà. Thực tế, sau sự ra đời của Luật quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, công tác quản lý nợ công ngày càng được chú trọng. Mặc dù vậy, do hoạt động vay nợ ngày càng đa dạng, khả năng huy động nguồn ODA của Việt Nam có xu hướng giảm dần vì Việt Nam đã chuyển sang nhóm các nước có thu nhập trung bình và bối cảnh tài chính thế giới còn diễn biến phức tạp, tăng rủi ro cho các khoản vay của Việt Nam.

Chính vì vậy, hôm qua (17-10), Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) tổ chức Tọa đàm về quản lý nợ công và nợ ngước ngoài của quốc gia nhằm thu thập những kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế, nhằm hoàn thiện công cụ quản lý nợ công của Việt Nam. Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung khẳng định: “Đối với Việt Nam, nguồn vốn vay nợ của Chính phủ đã, đang và sẽ vẫn là nguồn tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển”. Vấn đề còn lại là phải làm sao sử dụng vốn vay hiệu quả và quản lý chặt chẽ nợ công, trong đó chú ý hạn chế thấp nhất các rủi ro.

Đại diện Ngân hàng Thế giới, bà Keiko Sato nhận định, cuộc tọa đàm này diễn ra vào thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới ngày một trầm trọng, đặc biệt là vấn đề nợ chủ quyền. Các nước đang cố gắng giảm gánh nợ tài khóa một cách cẩn trọng và giảm rủi ro ngắn hạn nhưng nhiều nước chưa có kinh nghiệm ứng phó. Cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền ở các nước tiên tiến đã khiến một số vận may của một số nước mất đi, ngay cả ở những nước có nợ tốt. Tuy nhiên, bà Keiko Sato đánh giá: “Vị thế nợ của Việt Nam vẫn tốt, Việt Nam vẫn ở vị thế rủi ro nợ thấp”. Bà khuyến nghị, Việt Nam không bị miễn nhiễm từ tình hình nợ công từ Mỹ và châu Âu. Vì vậy, Việt Nam phải quản lý nợ theo hướng bảo đảm tính bền vững. Bà cho rằng, các nhà hoạch định chính sách và quản lý nợ đang đối mặt với thách thức một mặt phương án vốn đang ngày càng hạn chế, gánh nặng nợ tăng lên tài khóa phải thắt chặt và niềm tin thị trường suy giảm vì thế trách nhiệm quản lý nợ nặng nề hơn quá khứ.

Ông Ugo Panizza, Phó Giám đốc Bộ phận Nợ và Tài chính của UNCTAD chia sẻ kinh nghiệm: Tại sao phải có những công cụ quản lý nợ phức tạp vì giúp giảm cú sốc và giảm tác động tiêu cực. “Khủng hoảng nợ ở EU cho thấy họ đã không có sự sáng tạo trong các công cụ quản lý nợ và Việt Nam cần làm tốt hơn vấn đề này”, ông nói.

Đặc thù nợ công Việt Nam

Hiện các tổ chức nước ngoài công bố số liệu về nợ công của Việt Nam cao hơn số liệu trong nước. Về vấn đề này,  tiến sĩ Nguyễn Thành Đô giải thích, nợ công ở Việt Nam gồm các khoản nợ của Chính phủ (nợ trong và ngoài nước), nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của các địa phương. Sở dĩ các doanh nghiệp Nhà nước đi vay nợ không được tính vào nợ công là do ở Việt Nam các DNNN cũng như các doanh nghiệp khác đều hoạt động theo cùng Luật doanh nghiệp. Điều này có nghĩa các DNNN sẽ phải tự tính toán, căn cứ vào vốn sở hữu để tự đi vay và tự trả (trừ phần đi vay được Chính phủ bảo lãnh thì đã được tính vào phần nợ công), chứ Chính phủ không trả hộ. “Điều này giải thích tại sao nợ công của Việt Nam có khác các nước, do địa pháp lý của các DNNN Việt Nam khác nhau”, ông Đô nói. Mục tiêu nợ công của Việt Nam cũng khác, tiến sĩ Đô cho biết thêm, Việt Nam đi vay nợ chỉ nhằm mục đích đầu tư cho phát triển, trong khi Chính phủ một số nước đi vay cho chi tiêu thường xuyên, như trả lương cho công chức….

Ông Nguyễn Thành Đô khẳng định: “Nợ công của Việt Nam tăng nhanh nhưng nếu không có số vay cao như vậy thì Việt Nam sẽ không có được thành công như ngày công cuộc đổi mới hôm nay”. Mặc dù vậy ông Đô cũng thừa nhận, mọi khoản vay đều có rủi ro, đặc biệt khi tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều so với mức tăng GDP cũng đã gây lo ngại. Nợ Chính phủ hiện chiếm 80% nợ công, (trong đó nợ trong nước chiếm 42% và có xu hướng ngày một tăng và Việt Nam sẽ duy trì xu hướng này, nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, phát huy nội lực), nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% và nợ của các địa phương chỉ chiếm 1%. Tổng nợ công hiện bằng 57,3% GDP, đa số là các khoản nợ dài hạn với mức lãi suất thấp và cố định. Ông Đô khẳng định, các chỉ tiêu đều nằm dưới ngưỡng an toàn.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên