Nỗ lực bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch

Thứ năm, ngày 20/03/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, Bình Dương sẽ tổ chức đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trên quan điểm xử lý nghiêm vi phạm, các cơ quan ban ngành kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động và sẽ chuyển cơ quan điều tra, truy tố những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, tái diễn.

 Đội kiểm tra liên ngành TP.Thủ Dầu Một kiểm tra thức ăn đường phố

 Kiểm soát chặt chẽ

Là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút rất nhiều người từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đến sinh sống, học tập, làm việc, vì vậy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn Bình Dương rất lớn. Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng, kéo theo nguy cơ sản phẩm kém chất lượng bị trà trộn, đe dọa quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình như vừa qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện một số vụ trữ, bán thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Một số loại thực phẩm bị phát hiện là thịt gà xay đông lạnh, khô chân gà, chân vịt, thanh cua, ống rau câu.. .

Theo nhận định, mặc dù thời gian qua các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn lưu hành trên thị trường nhưng vẫn tồn tại ở một số nơi. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, từ đầu năm đến nay Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh đã tổ chức đồng loạt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm ở tuyến tỉnh và các huyện, thành phố.

Theo đó Ban Chỉ đạo đã thành lập 134 đoàn kiểm tra 998 cơ sở, qua đó phát hiện 110 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm các điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người. Các đoàn đã tiến hành xử phạt 35 cơ sở với tổng số tiền hơn 262 triệu đồng, buộc 7 cơ sở ngưng hoạt động và nhắc nhở 68 cơ sở.

Không nương tay với các vi phạm

Nhận định về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mới đây, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Theo đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tích cực, chủ động phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh thanh, kiểm tra liên ngành thường xuyên và đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

 Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh, cho biết thực hiện Công văn 1277/UBND-VX của UBND tỉnh, ngành y tế đã lên kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. “Trên quan điểm xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật, quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, tái diễn, tỉnh sẽ chuyển cơ quan điều tra; công khai các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng”- ông Nguyễn Hồng Chương nhấn mạnh.

Được biết trong đợt ra quân kiểm tra lần này, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

 Trong đợt kiểm tra này, các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát việc kinh doanh thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm; việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm.

 KIM HÀ