Nỗ lực cao nhất để hoàn thành chỉ tiêu phát triển

Cập nhật: 16-02-2023 | 08:07:15

Ngay từ đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, phấn khởi. Sự nỗ lực, khí thế lao động mang đến niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

 Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (KCN Sóng Thần)

 Chủ động nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết với những khó khăn chung của kinh tế thế giới, những tháng cuối năm 2022 ngành gỗ cũng đối mặt với những thách thức lớn. Hầu hết các DN đều gặp khó khăn chi phí đầu vào, như: Xăng dầu, logistics, các loại hóa chất sơn phủ sản phẩm… kéo theo giá thành sản phẩm rất cao. Mặc dù vậy, các DN đã chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Hiện tại, ngành chế biến gỗ cũng đang có cơ hội phục hồi khi thị trường xuất khẩu chủ lực là Hoa Kỳ dần đi vào ổn định. Các DN trong ngành đang tập trung phát triển mẫu để sẵn sàng đón nhận đơn hàng mới.

Tháng 1-2023, Bình Dương tập trung thực hiện nhiệm vụphát triển KT-XH, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh để thực hiện hiệu quảcác mục tiêu, kếhoạch đềra. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và nỗ lực từ các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn được duy trì, từng bước tận dụng các thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Nhiều giải pháp trọng tâm được triển khai đồng bộ, quyết liệt đã tiếp sức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt được những kế hoạch đề ra năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong tháng đầu năm vẫn còn một sốhạn chế. Điển hình như chỉsốphát triển sản xuất công nghiệp (IIP) giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tháng 1-2023, tháng Tết Nguyên đán Quý Mão, số ngày hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN giảm nên kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, đồng thời hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023. Trong đó, bám sát các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện kế hoạch với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”.

Nâng sức cạnh tranh

Mục tiêu trọng tâm năm 2023 là tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển KT-XH, thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông làm tiền đề để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững.

Năm 2023, khối lượng vốn đầu tư công cần giải ngân của Bình Dương rất lớn, trong khi tỷ lệ này năm 2022 chưa cao như kỳ vọng. Tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ các “điểm nghẽn” để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT-XH. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các công trình chuyển tiếp của năm 2022, tỉnh chuẩn bị triển khai một số công trình mới trong năm 2023 theo kế hoạch như: Xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương; xây dựng hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến; xây dựng Trung tâm Huấn luyện Thể thao tỉnh Bình Dương…

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết với những giải pháp cụ thể, tỉnh vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách của Trung ương và địa phương để đồng hành, hỗ trợ DN. Trong chương trình phát triển KT-XH năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Trong đó, tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

“Tin rằng, với sự quyết tâm của tỉnh, mục tiêu tăng trưởng bền vững mà chúng ta đang kiên trì, quyết tâm thực hiện là cách để biến những khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023 và thời gian tới”, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.

 Năm 2023, UBND tỉnh xác định 32 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9-10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 9-10%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 74.617 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương đạt 23.273 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ…

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=206
Quay lên trên