Huyện Bắc Tân Uyên xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Để đưa nền kinh tế huyện phát triển nhanh, bền vững, trong tiến trình CĐS huyện lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng phát triển kinh tế số dựa trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mai Dịch vụ và Vận tải Dân Tiến mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
Kết quả nổi bật
Theo ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, trong tiến trình CĐS, huyện chú trọng một số lĩnh vực ưu tiên, như: Y tế, giáo dục - đào tạo, sản xuất công nghiệp và logistics, giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp... Trong đó, ngành giáo dục và thư viện là hai lĩnh vực thực hiện khá tốt CĐS. Ngành giáo dục đã đẩy mạnh nền tảng số và công nghệ số để đổi mới chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng giáo dục, phương pháp dạy và học, phương thức đánh giá, thực hành, thực tập theo hướng kết hợp học trực tiếp và học trực tuyến, học từ xa...
Ngành thư viện cũng nỗ lực khai thác có hiệu quả công nghệ số bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Chị Nguyễn Hà, tổ trưởng tổ thư viện huyện, cho biết: “Hiện nay, ngành thư viện huyện đang sử dụng phần mềm PSC ZLIS 7 để quản lý đầu mục sách và quản lý mượn trả... Trong năm 2023, ngành thư viện huyện phấn đấu xây dựng website; trang bị đầu đọc mã vạch tài liệu; trang bị thiết bị webcam chụp hình thẻ độc giả và máy in thẻ độc giả”.
Cùng với các ngành, lĩnh vực đang tích cực từng bước triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, huyện thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân. Qua đó, góp phần đưa huyện nhà tiến nhanh, tiến chắc trên hành trình CĐS toàn diện.
Thúc đẩy kinh tế số
Để tạo ra các giá trị về kinh tế lớn, thúc đẩy phát triển, huyện Bắc Tân Uyên đang nỗ lực vận dụng công nghệ số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông - vận tải, tài chính, ngân hàng, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa... Trong đó, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đang từng bước CĐS đã góp phần tạo sự khởi sắc cho bức tranh kinh tế huyện nhà.
Toàn huyện hiện có 27 HTX, trong đó HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số. Các HTX nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (công nghệ tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân qua nước, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...); nhiều HTX tham gia sản xuất với sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Để thích ứng với xu thế xã hội, nhiều HTX đã nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS trong quá trình sản xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử postmart.
HTX cây ăn trái Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) là điển hình thành công trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm bền vững nhờ tích cực CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc liên kết thành công với hệ thống siêu thị Co.opmart để sản phẩm cây ăn trái có múi có thị trường vững chắc, HTX còn tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, cho biết: “Việc áp dụng CĐS trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm giúp các HTX tiếp cận không giới hạn khách hàng, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh. Ứng dụng công nghệ từ sản xuất, chế biến đến truy xuất nguồn gốc sẽ giúp xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của HTX”. Hay như HTX thép Toàn Lực (thị trấn Tân Bình), đã chủ động xây dựng website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm nhằm tiết kiệm chi phí một cách tối ưu nhất.
Nhận thức CĐS trong nông nghiệp không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, mà còn là ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mai Dịch vụ và Vận tải Dân Tiến (xã Tân Định), cho biết: “Để nâng cao chất lượng hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, HTX nỗ lực CĐS, tích cực học hỏi triển khai ứng dụng phần mềm kế toán nhằm nâng cao chất lượng công việc, quản lý tài chính của đơn vị”.
Theo khảo sát, hiện nay các HTX trên địa bàn huyện đều có trang bị hệ thống máy tính để phục vụ cho công việc. Bên cạnh những HTX chú trọng, đầu tư áp dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn những HTX quy mô còn nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn trong áp dụng CĐS nên chưa có tính bền vững, chất lượng dịch vụ chưa cao. Thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động CĐS trong khu vực kinh tế tập thể, huyện sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn về CĐS, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng tem nhãn, truy xuất nguồn gốc; tích cực đào tạo nâng cao năng lực hoạt động nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ trong sản xuất; phấn đấu đưa các sản phẩm, hàng hóa, hàng nông sản của người dân lên sàn thương mại điện tử, hướng tới sự phát triển bền vững.
TIẾN HẠNH