Nỗ lực đàm phán giúp G20 đạt tuyên bố chung

Cập nhật: 13-09-2023 | 15:05:55

Sau 200 giờ đàm phán, 300 cuộc họp và 15 dự thảo, các thành viên G20 cuối cùng cũng đạt được tuyên bố đồng thuận về xung đột Ukraine.

Đêm 8/9, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc ở New Delhi, Ấn Độ, phái đoàn các thành viên của nhóm các nền kinh tế giàu nhất thế giới vẫn chưa thể đạt nhất trí về cách đề cập vấn đề Ukraine trong tuyên bố chung.

Trong bản dự thảo tuyên bố chung, phần đề cập đến "tình hình địa chính trị" vẫn bỏ trống. Các nước châu Âu muốn sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để lên án chiến dịch của Nga ở Ukraine, nhưng Nga và Trung Quốc phản đối bất cứ điều khoản nào đề cập đến chiến sự. Đoàn Trung Quốc còn phản đối việc đề cập Mỹ giữ chức chủ tịch G20 năm 2026, nhưng không thành công.

G20 lúc này phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: chấp nhận một tuyên bố chung với ngôn ngữ nhẹ nhàng về xung đột Ukraine, hoặc không có tuyên bố chung nào cả. Ngoại trưởng Sergei Lavrov trước đó tuyên bố rằng Moskva sẽ chặn tuyên bố chung của hội nghị G20 nếu nó không bao gồm quan điểm của Nga về xung đột Ukraine.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) cùng các lãnh đạo G20 tại New Delhi ngày 10/9.

Bốn nhà ngoại giao tham gia các cuộc thảo luận mô tả quá trình đạt được tuyên bố chung khá khó khăn. Các cuộc đàm phán giữa phái đoàn các nước đã diễn ra trong hơn 200 giờ, với 15 dự thảo tuyên bố chung được soạn ra.

Tranh cãi về vấn đề Ukraine được xem là phần phức tạp nhất trong quá trình thảo luận. Các quan chức Nga và Trung Quốc liên tục tìm cách loại bỏ những ngôn từ gay gắt liên quan đến chiến dịch ở Ukraine khỏi văn kiện. Một số dự thảo tuyên bố chung thậm chí không chứa bất kỳ ngôn từ nào về xung đột này.

Đại diện của một số quốc gia đang phát triển trong G20, ủng hộ duy trì quan hệ với Moskva, cũng tỏ ra không đồng thuận về việc sử dụng những từ mạnh để chỉ trích Nga, khiến các cuộc đàm phán kéo dài.

Những ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, các dự thảo tuyên bố chung được đề xuất đều không chứa ngôn từ giống như trong tuyên bố tại Bali, Indonesia năm ngoái.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bali, G20 đã đạt được tuyên bố chung vào phút chót sau nhiều tranh cãi, trong đó phần lớn các nước thành viên lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva rút quân vô điều kiện.

Ngay trước nửa đêm 8/9, các nhà ngoại giao cho rằng thỏa hiệp là lựa chọn duy nhất, nếu không muốn hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên trong lịch sử kết thúc mà không ra được tuyên bố chung.

"Đây không phải là tuyên bố mà G7 hay NATO soạn thảo. Đây là câu chuyện hoàn toàn khác và các kỳ vọng cũng khác", một quan chức châu Âu tham gia vào các cuộc thảo luận nói.

Ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như cũng thừa nhận điều này. "Chúng ta hãy đối mặt với thực tế rằng G20 không phải là diễn đàn cho các cuộc thảo luận chính trị", ông nói tại New Delhi, cho thấy hội nghị thượng đỉnh của nhóm phù hợp hơn với các cuộc đàm phán về kinh tế và biến đổi khí hậu.

Đến sáng 9/9, khi thời gian dần cạn, các quan chức Ấn Độ trình dự thảo tuyên bố chung đã bổ sung phần về chiến sự Ukraine với những ngôn ngữ nhẹ nhàng. Các lãnh đạo đã chấp thuận tài liệu này, hy vọng tránh những rạn nứt công khai trong nội bộ G20, bởi điều đó có thể làm suy yếu uy tín và nhóm và khiến Thủ tướng Narendra Modi, chủ nhà G20 năm nay, "mất mặt".

Tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 tái khẳng định lo ngại về chiến sự Ukraine, nhưng không chỉ trích trực tiếp Nga. Thay vào đó, văn bản này kêu gọi "mọi quốc gia hành xử phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc trong toàn văn Hiến chương Liên Hợp Quốc", phản đối "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, độc lập chính trị của nước khác".

Tuyên bố chung thừa nhận vấn đề Ukraine vẫn tồn đọng "những quan điểm và đánh giá khác nhau" giữa các thành viên G20, song đồng thuận rằng kỷ nguyên đương đại không thể chấp nhận chiến tranh.

Nhà Trắng ca ngợi tuyên bố chung là "quan trọng" và "chưa từng có". Họ chỉ ra rằng ngay cả khi không đề cập rõ ràng tới chiến dịch của Nga, tuyên bố chung đã thuyết phục các nước trung lập như Brazil và Nam Phi đồng ý duy trì toàn vẹn lãnh thổ và ngăn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng.

Chủ nhà Ấn Độ ca ngợi thỏa thuận như chiến thắng ngoại giao đạt được 24h trước khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. "Bali là Bali. New Delhi là New Delhi. Bali là một năm trước. Tình hình đã khác. Nhiều điều đã xảy ra kể từ đó", Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar nói.

Đằng sau hậu trường, các quan chức cũng lưu ý đến tầm quan trọng của G20 năm nay trong việc nâng tầm ông Modi lên thành chính khách toàn cầu. Nếu hội nghị thượng đỉnh kết thúc mà không có tuyên bố chung, đó sẽ là điều gây thất vọng lớn, bởi đây là chuyện chưa có tiền lệ trong 15 năm qua.

Mỹ và châu Âu đã tìm cách củng cố vị thế của ông Modi trên trường quốc tế trong nỗ lực tăng cường quan hệ với Ấn Độ. Đây được coi là động lực để họ chấp nhận "mềm hóa" ngôn ngữ trong tuyên bố chung theo hướng không chỉ trích Nga.

"Chúng tôi đã có thể ngăn những nỗ lực của phương Tây nhằm Ukraine hóa chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh. Tuyên bố chung hoàn toàn không đề cập tới Nga", Ngoại trưởng Lavrov nói, tuyên bố hội nghị G20 là một thành công.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=902
Quay lên trên