Nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 06-01-2022 | 09:23:09

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT). Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức nhân viên chức, người lao động toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.


Các tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh trao giải thưởng môi trường Bình Dương năm 2021

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng sâu rộng tới sức khỏe, tính mạng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống của nhân dân. Dù vậy, nhiều bộ ngành, địa phương vẫn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, đạt được kết quả rất quan trọng. Trong năm 2021, Bộ TN&MT đã rà soát 440 văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của ngành; xây dựng và trình Chính phủ ban hành 7 nghị định, 2 nghị quyết chuyên đề, ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý biển đảo, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT, Sở TN&MT đã xây dựng những văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành những chính sách mới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và quy định chung của ngành. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, để thực hiện tốt công tác chuyên môn, thời gian qua Sở TN&MT đã giao các phòng ban, đơn vị chuyên môn chủ động xây dựng các văn bản trình UBND tỉnh thông qua. Những văn bản này được xây dựng dựa trên sự đối chiếu chính xác, minh bạch giữa quy định quản lý nhà nước ngành TN&MT và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Nhìn lại một năm đầy thử thách với sự hiện diện của vi rút SARS-CoV-2, ngành TN&MT cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đã xây dựng thành công điểm sáng “sự nghiệp bảo vệ môi trường” mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ luôn hướng tới trong nhiều năm qua. Ngành TN&MT đã trình, được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên và Môi trường biển và hải đảo năm 2015, chiến lược phát triển kinh tế biển năm 2018, trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định về quản lý biển, vùng bờ, quản lý môi trường biển. Đó là những tiền đề quan trọng góp phần tạo điều kiện thuận lợi các ngành, các địa phương phát triển kinh tế biển gắn liền bảo vệ môi trường.

Nâng cao trách nhiệm, vị thế

Trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với nhiều nguy cơ như: Dịch bệnh hoành hành; môi trường sinh thái bị suy thoái, ô nhiễm; mực nước biển dâng cao cùng với tình trạng trái đất nóng lên mỗi ngày… trách nhiệm và vị thế của ngành TN&MT càng được đề cao hơn hết. Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn gắn liền với các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công lĩnh vực đất đai, ngành TN&MT còn một nhiệm vụ to lớn mang tầm thời đại nữa là quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản và xúc tiến sự nghiệp cải tạo, cải thiện, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống.

Ngoài các hoạt động mang tính tuyên truyền, phổ biến và vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân chung tay bảo vệ môi trường sống, ngành TN&MT còn được giao nhiệm vụ chủ động nắm bắt xu thế toàn cầu để tham mưu cho Chính phủ các sáng kiến góp phần xây dựng nền kinh tế - xã hội xanh gắn liền phát triển bền vững.

Đối với những vấn đề phát sinh do dịch bệnh Covid-19 có liên quan đến lĩnh vực mà ngành TN&MT quản lý, thời gian qua cũng được thực hiện khá tốt. Thực tế tại Bình Dương công tác thu gom, xử lý rác thải y tế được ngành TN&MT các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện khá tốt. Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong môi trường nhà máy, xí nghiệp… ngành TN&MT tỉnh cũng chủ động phối hợp, tham gia cùng các sở ngành chức năng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; đồng thời phối hợp ngành chức năng và địa phương tổ chức khử khuẩn và làm sạch những khu vực được đánh giá là ô nhiễm và có nguy cơ cao gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ quán triệt tới các bộ ngành, địa phương là thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số cũng được ngành TN&MT thực hiện khá tốt trong thời gian qua. Theo đó, dưới sự đôn đốc, chỉ đạo của Bộ TN&MT và UBND tỉnh, thời gian qua Sở TN&MT đã phối hợp các sở ngành và các tổ chức đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước và các thủ tục hành chính lĩnh vực TN&MT. Đến nay 100% cán bộ, công nhân viên chức và người lao động làm việc tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc sở đã sử dụng thành thạo kỹ năng vi tính văn phòng và các phần mềm, ứng dụng chuyên biệt. Công tác tiếp nhận, xử lý, trả kết quả và lưu trữ hồ sơ lĩnh vực TN&MT được thực hiện chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn so với trước đây.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua ngành TN&MT đã đẩy mạnh công tác đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống các trạm quan trắc tự động. Đây là những trạm quan trắc kỹ thuật môi trường, nước sử dụng công nghệ hiện đại giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt dữ liệu tức thời các yếu tố như: Nước thải, khí thải, lưu lượng và chất lượng tài nguyên nước ngầm, nước mặt tại các vị trí lắp đặt trạm quan trắc. Thông qua hệ thống này, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm soát và kịp thời thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời có hướng khắc phục, xử lý trước khi xảy ra các sự cố môi trường.

Bình Dương dù không có biển nhưng sự nghiệp bảo vệ môi trường vẫn được tỉnh nhà chú trọng thực hiện khá tốt. Theo đó, trong năm 2021, tỉnh đã phối hợp Bộ TN&MT và World Bank cùng các tổ chức phi Chính phủ thực hiện tốt các chuyên đề, hội thảo về các giải pháp mang tính chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Từ những luận điểm thiết thực rút ra được, tỉnh đã đối soát quy định nhà nước tiến hành xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, thiết lập hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=790
Quay lên trên