Nỗ lực giữ nhịp sản xuất công nghiệp

Cập nhật: 29-02-2024 | 08:59:15

Trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN), tiếp tục đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh, nhất là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

 Nhiều DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực phục hồi và phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Bonfiglioli Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3)

 Khởi đầu tích cực

Ngay từ đầu năm 2024, Bình Dương triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, gắn với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của DN thông qua hoàn thiện hệ thống hạ tầng; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và hợp tác đầu tư. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương kịp thời có phương án hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, nhất là các DN đang vào đà phục hồi, phát triển SXKD.

2 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng, do đó các DN phải tuyển dụng với số lượng lớn lao động, đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Công thương, trong năm 2024, các ngành công nghiệp trong tỉnh dựkiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng chung của kinh tếtoàn cầu vẫn còn tăng trưởng chậm, việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của DN vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn… Trong bối cảnh đó, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu phấn đấu năm 2024, Sở Công thương sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợDN đã được Chính phủ, UBND tỉnh thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, da giày, linh kiện điện tử...

Tận dụng tốt cơ hội

Theo Cục Thống kê tỉnh, tháng 1-2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,2% so với cùng kỳ. Hiện các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày da, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại đã ký kết để mở rộng giao thương quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Nhiều DN đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu, cùng với nhiều giải pháp trọng tâm được triển khai đồng bộ, quyết liệt của tỉnh với kỳ vọng tiếp sức cho hoạt động SXKD đạt được những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2024.

Mới đây, Công ty TNHH Panasonic Electric Works chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thiết bị nối dây tại Khu công nghiệp VSIP II. Nhà máy mới này giúp nâng công suất của công ty lên 1,8 lần so với mức hiện tại, đạt gần 150 triệu thiết bị/năm. Theo đại diện Panasonic Electric Works, công ty sẽ đẩy mạnh tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất của nhà máy mới cũng như các nhà máy hiện có nhằm rút ngắn thời gian sản xuất và giao hàng. Đồng thời, công ty sẽ tối ưu hóa dây chuyền sản xuất bằng cách tích hợp với giải pháp từ nhà máy Tsu với công nghệ sản xuất hiện đại từ chế tạo khuôn mẫu, lắp ráp theo quy trình khép kín, hướng tới mục tiêu đến năm 2029 sản xuất 150 triệu thiết bị/ năm. Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ tự động hóa đã được phát triển tại Nhật Bản và dự kiến đến năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ tự động hóa lên gấp đôi hiện tại.

Hiện nay, Bình Dương có khoảng 9.000 DN hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó DN FDI chiếm khoảng 25% số lượng và trên 57% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu của DN FDI chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, như: Đồ gỗ nội thất, máy móc, thiết bị, hàng dệt may, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày…

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp năm 2024, bên cạnh tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để gia tăng giá trị, sở đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, lựa chọn ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch và tỷ lệ nội địa hóa; đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, đẩy mạnh thương mại điện tử… để hỗ trợ SXKD cho DN.

 Năm 2024, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng, trong đó phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7%. Trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài với những rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế trong năm 2024, mục tiêu này là thách thức không nhỏ với ngành công thương tỉnh. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công thương sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, SXKD, giúp DN khôi phục sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=456
Quay lên trên