Nỗ lực hạ giá thành logistics, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Cập nhật: 20-01-2021 | 10:35:54

 Để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các DN ngành logistisc nỗ lực giảm chi phí nhằm gia tăng cạnh tranh và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là vấn đề đang gặp nhiều khó khăn, cần nhiều giải pháp căn cơ.

 Kiểm hàng lưu kho tại Công ty Traransimex Distribution (TP.Dĩ An)

 Từ chuyện thiếu container

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết cuối năm vừa qua là thời điểm DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu hiện nay đang gặp khó khăn chung là thiếu container rỗng để đóng hàng và giá cước vận chuyển đường biển tăng đột biến khiến không ít DN lo lắng. Đáng nói hơn, tình trạng thiếu container rỗng đóng hàng diễn ra liên tục kể từ đầu tháng 9-2020 đến nay đang gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất, xuất khẩu, buộc DN phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và từ chối đơn hàng mới. Dự kiến tình trạng này còn kéo dài đến giữa năm 2021.

Theo phản ánh của các thành viên thuộc ngành gỗ, giày da, DN không chỉ gặp tình trạng khan hiếm container đóng hàng xuất khẩu mà giá thuê vỏ container còn tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước. Nhiều DN chia sẻ, chưa bao giờ tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng như lúc này. Các DN phải giành giật nhau để có container đóng hàng xuất khẩu giữa lúc các hãng tàu nâng cước vận chuyển liên tục. Thêm vào đó, giá cước có thể thay đổi theo từng ngày, thậm chí có thể tăng gấp đôi chỉ trong một tuần mà vẫn không có container rỗng. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều DN ngành sản xuất e dè khi nhận những đơn hàng mới vì giữa mùa dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng hóa thì việc tăng giá ngay lúc này không dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), dù nhiều DN xuất khẩu đang áp dụng phương thức bán FOB. Theo đó, người mua phải chịu chi phí thuê tàu và container, DN xuất khẩu Việt Nam chỉ trả các chi phí nội địa như việc lấy container từ depot về để đóng hàng. Do vậy, việc tăng giá cước thuê tàu và container không ảnh hưởng trực tiếp đến DN xuất khẩu Việt Nam nhưng việc hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu cũng gây thiệt hại cho DN, chi phí lưu kho, lưu bãi bị đội lên ước tính khoảng 10 - 20% giá trị lô hàng. Hàng hóa không chuyển đi được khiến khách hàng không thanh toán, DN Việt Nam không thu được tiền về để tiếp tục sản xuất.

Theo ông Vũ Sinh Tùng, Giám đốc Công ty Traransimex Distribution (TP.Dĩ An), hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian quay vòng trung bình của một container đã vọt lên 100 ngày, so với mức 60 ngày trước đây. Tình trạng này đã dẫn tới việc thiếu container rỗng đóng hàng xuất khẩu trên toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Công ty dịch vụ logistics cũng tích cực hỗ trợ bằng cách liên hệ các hãng tàu khác nhưng tình trạng thiếu container hiện nay không phải của một hãng tàu, một tuyến vận tải mà là vấn đề của tất cả các hãng tàu lớn nhỏ. Để hỗ trợ DN, đơn vị này tích cực tăng ca, giảm thiểu thời gian trả container rỗng để quay vòng nhanh nhất có thể. Cùng với đó, trong dịch bệnh Covid-19, DN cũng đã giảm 5 - 10% phí logistics cho các đối tác, mức giá này sẽ giữ nguyên cho đến hết năm 2021. “Đây được xem là cách chúng tôi chia sẻ thiết thực với khách hàng giữa lúc khó khăn hữu hiệu nhất, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa”, ông Tùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Sang, Phó Giám đốc Công ty Phương Nam Logistics (KCN VSIP I), thấu hiểu khó khăn, các DN vận tải cũng rất muốn chia sẻ chi phí với các DN xuất khẩu song hiện nay do thiếu container nên DN vận tải cũng rất ít đơn hàng. “Nếu trước đây chúng tôi đi 1 ngày 3 đầu container thì đến nay chỉ có thể là 1 đầu. Nếu có thể, các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu hãy sử dụng hợp lý, hiệu quả container, trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời để tận dụng tối đa luân chuyển container hai chiều, nhằm hạ giá thành vận tải”, ông Nguyễn Quang Sang cho biết.

Cần giải pháp căn cơ

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương thẳng thắn thừa nhận hạ tầng giao thông của Bình Dương chưa phát triển tương xứng và đang đối diện với sự quá tải do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội. Lưu lượng giao thông tăng nhanh trên đường bộ dẫn đến việc ùn tắc vào giờ cao điểm diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường huyết mạch như Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT743 hay Quốc lộ 13... gây ra nhiều hệ lụy như tăng chi phí logistics, tăng thời gian vận chuyển.

Dù đã có rất nhiều nỗ lực quy hoạch cho các cảng trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, nhưng khối lượng vận chuyển hàng hóa còn khiêm tốn do chưa có cảng quy mô lớn được xây dựng. Đường sắt thì chỉ có tuyến Bắc Nam và ga hàng hóa Sóng Thần với khối lượng chuyên chở không lớn do kết nối với đường bộ hạn chế, không có kết nối đường thủy. Hiện trạng hệ thống kho bãi, trung tâm phân phối chủ yếu nhỏ lẻ, chưa có trung tâm logistics hoàn chỉnh. Các cảng và ICD cũng như ga hàng hóa chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của DN. Các cảng của vùng kinh tế trọng điểm như Cát Lái và Cái Mép có đủ công suất phục vụ vận chuyển hàng hóa nhưng hệ thống giao thông là một điểm nghẽn tại khu vực kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh. Tất cả vấn đề đặt ra đòi hỏi tất yếu trong việc cần nhanh chóng xây dựng chuỗi logistics theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để vượt qua những thách thức hiện hữu nêu trên, tỉnh đã đưa ra các chương trình và kế hoạch lớn, đồng bộ nhằm đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ đổi mới. Cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương hiện nay đang trong tình trạng thiếu cân bằng do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp trong khi dịch vụ chưa chiếm tỷ trọng tương xứng. Do đó trong đề án xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương kết hợp với xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương nhấn mạnh việc nâng cao tỷ trọng dịch vụ các hoạt động thương mại và kết nối quốc tế, trong đó cần tập trung vào dịch vụ logistics.

Hiện tỉnh đang nỗ lực xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính; định hướng phát triển giao thông đường thủy kết hợp với các cảng trên sông Đồng Nai và Sài Gòn để vận chuyển hàng hóa nhằm giảm ùn tắc, giảm thời gian vận chuyển và giảm khí thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hiện nay tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ đang chọn tư vấn thực hiện đề án: “Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Với đề án này, các đơn vị trong tỉnh, trong đó có cộng đồng các DN, các hiệp hội cùng đóng góp để hoàn thiện đề án. Kỳ vọng đề án sẽ là kim chỉ nam cho Bình Dương phát triển hạ tầng và nhân lực phục vụ phát triển logistics.

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tân Cảng IDC Sóng Thần, để giảm chi phí không đáng có khi vận chuyển hàng hóa nội địa và xuất khẩu, cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, hoàn thiện cơ chế phát triển logistics; hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics... Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tạo được mạng lưới đối tác rộng khắp trên thế giới. Thông qua hợp tác quốc tế sẽ đẩy mạnh việc tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên