Trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh đưa ra các chiến lược về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trong nước vào công nghiệp để mở rộng xuất khẩu.
Máy móc phục vụ sản xuất của Công ty TNHH TMDV Nam Long (KCN Tân Bình)
Đổi mới công nghệ, phát triển thị trường
Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương tiếp tục đặt mục tiêu phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ, ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong giai đoạn này tỉnh đặt ra mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14 - 15%/ năm. GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng vào năm 2025. Thu ngân sách tăng 8%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33 - 34% GRDP. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giảm dần tỷ lệ gia công, lắp ráp; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ. Thúc đẩy phát triển một sốngành, lĩnh vực trọng điểm, cótiềm năng vàcòn dư địa lớn tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; hình thành khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ. Trong đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, trở thành trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng, liên vùng. Phát triển đa dạng thị trường nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào các thị trường lớn, tăng cường công tác quản lý, bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua nhiều doanh nghiệp địa phương đã tìm được những cơ hội để tiếp tục ổn định và mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho biết hiện nay tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh ở nước ta đã và đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia được thực thi. Nếu doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh chắc chắn cơ hội thành công rất lớn và ngược lại. Trong thời gian qua nhìn chung các doanh nghiệp trong hiệp hội đều phát triển ổn định, bảo đảm tăng trưởng, doanh thu hàng năm từ 10 - 15%/năm. Tuy vậy các doanh nghiệp cũng đang đứng trước áp lực rất lớn về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
Tìm đường về đích
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, phải đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực mới khôi phục hoàn toàn. Bên cạnh những khó khăn chung, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có một số lợi thế có thể khai thác, tăng kim ngạch xuất khẩu bởi hàng hóa đã vào được hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, tận dụng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Thực tế cho thấy bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, Bình Dương còn đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt trong năm 2020 và quý I-2021, thực hiện “mục tiêu kép” Bình Dương luôn quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, nâng cao sản lượng và tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy doanh nghiệp vẫn duy trì tốt tốc độ tăng trưởng. Quý I-2021, chỉ số tăng trưởng IIP đạt 6,9%, kim ngạch xuất khẩu 7,7 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 2,1 tỷ USD. Vốn đầu tư bổ sung đã chiếm 70% lượng vốn đầu tư trong nước thu hút được trong quý I là minh chứng rõ nét nhất.
Hiện nay, để đón làn sóng đầu tư mới, nhiều khu công nghiệp đã và đang gấp rút hoàn thành thủ tục đầu tư, chuẩn bị nguồn lực xây dựng hạ tầng hiện đại hơn, lên kế hoạch thu hút nhiều ngành nghề hỗ trợ để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong giai đoạn tới. Kỳ vọng trong 1 - 2 năm tới, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được Chính phủ phê duyệt nếu hoàn thành hồ sơ, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và có đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê mở rộng sản xuất công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng sẽ có bước tăng đột phá.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào công nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại để tìm đối tác, mở rộng xuất khẩu. Trong đó, tỉnh sẽ lựa chọn thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, đem lại giá trị gia tăng cao.
TIỂU MY