Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Cập nhật: 28-08-2024 | 08:54:55

 

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT

Thiếu giáo viên không còn là câu chuyện mới của ngành giáo dục cả nước trong những năm qua, trong đó có Bình Dương. Điều này đặt ra không ít thách thức cho ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Trước thực trạng trên, ngành giáo dục Bình Dương đã và đang triển khai những giải pháp gì để bảo đảm kế hoạch dạy và học trong năm học 2024-2025? P.V báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề này.

 - Thưa bà, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh đã ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Xin bà cho biết thực trạng vấn đề này hiện nay như thế nào?

- Bước vào năm học mới 2024-2025, ngành GD&ĐT Bình Dương tiếp tục đứng trước tình trạng thiếu giáo viên, trong khi nhiều trường được giao biên chế vẫn không tuyển dụng được. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhất là khi toàn ngành GD&ĐT bắt tay vào triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở tất cả các bậc học.

Dự kiến năm học 2024- 2025, Bình Dương thiếu 3.222 giáo viên theo định mức; trong đó có 429 giáo viên mầm non, 934 giáo viên tiểu học, 1.694 giáo viên THCS và 165 giáo viên THPT. Ngoài ra, toàn ngành còn thiếu khoảng 1.067 viên chức khác. Hiện bậc tiểu học và THCS đứng đầu vềsố lượng giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao. Số lượng giáo viên ở các trường thiếu chủ yếu ở các môn như: Âm nhạc, mỹ thuật, tin học, giáo dục công dân… thời gian qua các trường đã liên tiếp tuyển dụng giáo viên ở các môn này nhưng đến nay vẫn không tuyển được.

 Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục huyện Bắc Tân Uyên năm 2024

- Dù thiếu đến hàng ngàn giáo viên nhưng ngành giáo dục Bình Dương lại gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng. Theo bà, nguyên nhân vì sao?

- Nhiều năm qua, ngành giáo dục tỉnh nhà luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các bậc học. Ngành giáo dục cũng đã cố gắng tháo gỡ những khó khăn, thế nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu tập trung ở những vấn đềsau:

Thứ nhất, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút đối với giáo viên nhưng công tác tuyển dụng ở các năm chưa đủ theo chỉ tiêu biên chế được giao do nguồn để tuyển thiếu, nhất là những môn vềmỹ thuật, âm nhạc, tin học…

Thứ hai, chế độ tiền lương cho đội ngũ chưa tương xứng với quá trình lao động, chưa bảo đảm chi phí cuộc sống khiến giáo viên không an tâm công tác; tình trạng nghỉ việc, bỏ việc ngày càng nhiều. Một số chế độ, chính sách cho đội ngũ chưa được giải quyết như: Chế độ đối với giáo viên dạy tăng giờ vượt thời gian quy định (theo quy định của Bộ luật Lao động - vượt 200 giờ); chế độ đối với giáo viên dạy song ngữ; chế độ đối với giáo viên dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Một số chế độ không còn phù hợp như: Kinh phí hỗ trợ tiền trang phục nhân sự phục vụ các lớp bán trú, kinh phí hỗ trợ công chức, viên chức xa nhà…

Thứ ba, việc khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên không nằm trong khả năng giải quyết của chính ngành GD&ĐT Bình Dương cũng như các địa phương khi nguồn cung giáo viên từ các trường đại học sư phạm rất ít so với nhu cầu. Nhiều trường chuyên ngành đào tạo sư phạm nhưng không đào tạo các ngành sư phạm mà tỉnh đang thiếu giáo viên. Điển hình như trường Đại học Thủ Dầu Một, cơ sở có đào tạo các ngành sư phạm duy nhất của tỉnh thì các ngành: Âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, thể dục lại không có đào tạo.

 Bình Dương đang nỗ lực điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách nhằm thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên và giải bài toán nhân lực cho ngành giáo dục

- Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, ngành giáo dục đã có những phương án như thế nào để bảo đảm kế hoạch giáo dục đề ra trong năm học mới sắp tới, thưa bà?

- Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT đã xây dựng và gửi Sở Nội vụ thẩm định kế hoạch tuyển dụng viên chức các đơn vị trực thuộc sở với 144 chỉtiêu. Sở đã thông báo tuyển dụng và đã thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định.

Cụ thể, Sở GD&ĐT nhận được 120 bộ hồ sơ; qua quá trình tuyển dụng đã có 76 viên chức trúng tuyển phù hợp vị trí. Các huyện, thành phố hiện cũng đang triển khai thực hiện công tác tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT tại địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành, nhưng vẫn chưa bảo đảm số lượng theo yêu cầu.

Trên cơ sở kết quả sau tuyển dụng, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chủtrương hợp đồng viên chức còn thiếu theo quy định; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện phương án hợp đồng thêm giáo viên, luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi còn thừa sang nơi thiếu; vận động giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết. Nhiều trường cũng đã thực hiện vận động giáo viên nghỉ hưu còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghềtiếp tục tham gia giảng dạy… nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian chưa tuyển dụng đủ số lượng theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát biên chế, sắp xếp, bố trí đội ngũ viên chức, nhân viên phù hợp chuyên môn và vị trí việc làm; hạn chế tối đa tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các đơn vị, địa phương.

- Thưa bà, trong thời gian tới, ngành giáo dục có những cơ chế, chính sách gì để thu hút nhân sự và giữ chân đội ngũ giáo viên?

- Vềlâu dài, để thu hút nhân sự và giữ chân đội ngũ giáo viên, Sở GD&ĐT đang phối hợp Sở Nội vụ điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách. Cụ thể, Bình Dương dự kiến bổ sung chế độ thu hút lao động có trình độ đến làm việc tại địa phương. Chế độ thu hút với tiến sĩ ở mức 200 triệu đồng, thạc sĩ 150 triệu đồng, đại học 100 triệu đồng, trung cấp và cao đẳng cùng mức 50 triệu đồng. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đềnghị Sở Nội vụ xem xét, bổ sung chế độ hỗ trợ thuê nhà đối với giáo viên vềcông tác trong ngành giáo dục của tỉnh Bình Dương.

Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, ngày 25-9- 2020 của Chính phủ, trong đó ưu tiên đào tạo giáo viên dạy các môn thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018; xem xét, chấp thuận cho sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07/2019/ NQ-HĐND ngày 31-7-2019 của HĐND tỉnh Bình Dương quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành GD&ĐT, giáo dục nghềnghiệp tỉnh Bình Dương theo hướng điều chỉnh các chế độ từ việc hỗ trợ bằng hệ số sang hỗ trợ bằng số tiền cụ thể theo tinh thần chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm…

- Xin cảm ơn bà!

Giải bài toán thiếu giáo viên ở thời điểm hiện tại biết là công việc khó, nhưng nếu như chúng ta có đủ quyết tâm, với cách làm phù hợp rồi cũng sẽ vượt qua. Hy vọng rằng với những giải pháp đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, cùng với sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của toàn ngành, tình trạng thiếu giáo viên sẽ sớm được khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn mới và không để vấn đề thiếu giáo viên trở thành nỗi lo trong năm học mới”.

(Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT)

HỒNG PHƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=273
Quay lên trên
X