Nỗ lực tạo sự bứt phá của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cập nhật: 29-08-2020 | 06:36:24

Tổng thống Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với việc chấp nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump chính thức trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng này tham gia cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến vào ngày 3/11 tới. 

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến “giờ G”, con đường trụ lại Nhà Trắng đối với Tổng thống Trump được dự báo còn rất nhiều chông gai. Những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là trở ngại lớn nhất đối với cơ hội tái đắc cử của ông Trump trong khi đối thủ chính trong cuộc chạy đua là ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đang có sự vươn lên mạnh mẽ. Ông Biden đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ giới truyền thông, nhất là các hãng thân đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, với nền tảng chính là sự phục hồi của nền kinh tế (dù vẫn còn mong manh) và tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ - những cơ sở được xem là nhân tố quyết định lá phiếu của cử tri đang giúp ông Trump duy trì được cơ hội khá lạc quan về khả năng tái cử một nhiệm kỳ 4 năm.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cử tri Mỹ có đủ lý do để không bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, song cũng chưa có đủ lý do để quyết định lựa chọn ông Biden. Xung đột giữa ông Trump và giới truyền thông ngay từ khi ông lên nắm quyền lại được thổi bùng từ những tháng đầu tiên của năm bầu cử, nhất là về các tuyên bố chính sách đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19 và phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng khắp đất nước sau cái chết của nạn nhân da màu George Floyd. Điều đó đã mang lại những thuận lợi cho ông Biden.

Tuy nhiên, việc các kênh truyền thông ủng hộ đảng Dân chủ đưa tin dày đặc về việc ông Biden đang được cử tri ủng hộ có thể tạo ra một sự "ngộ nhận" khá lớn, khiến chiến dịch tranh cử của ứng cử viên này mất đi sự tập trung cần thiết, nhất là việc phải bám sát vào các nội dung, chủ đề trong cương lĩnh tranh cử. Việc có phần sa đà vào các cuộc đấu khẩu với phe Cộng hòa và Tổng thống Trump thời gian gần đây có thể khiến hình ảnh và uy tín của ông Biden trong mắt cử tri nói chung bị suy giảm, bởi thực tế cho thấy cử tri Mỹ đang cần hơn bao giờ hết một nhân vật "hành động" nhằm giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Trong khi đó, chiến dịch của Tổng thống Trump cần phải vượt qua được những sức ép về dư luận từ các cuộc thăm dò gần đây. Thống kê về tỷ lệ ủng hộ trung bình trong các cuộc thăm dò của RealClearPolitic cho thấy Tổng thống Trump đang ở thế bám đuổi ứng cử viên Joe Biden với cách biệt khoảng 7%, đồng thời ông chủ Nhà Trắng cũng bị đối thủ vượt qua tại 6 bang chiến địa, gồm Florida, Arizona, Michigan, Carolina Bắc, Pennsylvania và Wisconsin, thậm chí kể cả các bang "đỏ" vốn có truyền thống ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa như Texas, các bang Trung Tây thuộc vành đai công nghiệp Rust Belt có nhiều người da trắng sinh sống.

Ông Biden cũng tỏ ra chiếm ưu thế hơn trong một số cuộc thăm dò về sự ủng hộ của một số nhóm cử tri nòng cốt như người Mỹ da màu gốc Phi, gốc Mỹ Latinh, cử tri nữ sinh sống tại khu vực ngoại ô.

Tuy nhiên, chính cuộc chạy đua năm 2016 giữa ông Trump và ứng cử viên của đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton cũng như một số cuộc bầu cử trước đây cho thấy kết quả từ các cuộc thăm dò dư luận đôi khi không phản ánh đúng thực tế cuộc đua, nhất là khi đa số các cuộc thăm dò dư luận không thu hút đông đảo người tham gia và được thực hiện bởi các hãng truyền thông vốn không ưa thích ông Trump, đặc biệt là trong bối cảnh tâm trí của người Mỹ hiện nay quan tâm nhiều hơn tới sự phục hồi kinh tế cũng như việc làm, hơn là những tranh cãi và chỉ trích mang động cơ chính trị đảng phái.

Bên cạnh đó, dù phần lớn kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ưu thế, thậm chí với cách biệt vượt trội lên tới 2 con số của ông Biden so với ông Trump, song xu hướng về khoảng cách tỷ lệ ủng hộ đang có xu hướng thu hẹp do những tín hiệu tốt hơn về hiệu quả của chính sách đối phó với các tác động của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump cũng thường vượt ông Biden liên quan các vấn đề điều hành nền kinh tế Mỹ - chủ đề thường đóng vai trò chính quyết định thành bại trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Trump đang tận dụng lợi thế Tổng thống đương nhiệm để đẩy mạnh chiến lược tranh cử. Chính quyền của ông gần như hàng ngày đều đưa ra các chính sách, biện pháp cứu trợ nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 như các gói trợ cấp thất nghiệp, tạm ngừng thu thuế thu nhập, gia hạn các khoản vay cho sinh viên,... Thông qua các biện pháp mở cửa nền kinh tế theo từng giai đoạn, vấn đề mở cửa trở lại trường học (dù gây nhiều tranh cãi), chính quyền Tổng thống Trump muốn hướng tới việc đưa đất nước trở lại hoạt động bình thường, khôi phục việc làm và tạo động lực phục hồi nền kinh tế.

Các chỉ số việc làm, tiêu dùng có phần tốt hơn trong những tháng gần đây có thể tiếp thêm động lực cho chính quyền Mỹ, đồng thời tạo thêm sự ủng hộ của cử tri đối với bản thân ông Trump. Trong khi đó, ứng cử viên Joe Biden dường như không có nhiều cam kết về việc giúp tầng lớp lao động có thêm việc làm - điều mà Tổng thống Trump không chỉ tuyên bố mà còn đang hành động rất quyết liệt.

Ông Trump có vẻ đang chủ động hơn trong việc triển khai chiến dịch tranh cử. So với việc ông Biden tạm dừng các hoạt động vận động tranh cử trực tiếp, ông Trump vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động này tại các tiểu bang quan trọng với một số lượng cộng tác viên đông đảo, đẩy mạnh việc gây quỹ với số tiền lớn hơn, đồng thời chi rất nhiều cho các hoạt động quảng cáo kỹ thuật số.

Trong khi ông Biden đang hướng sự vận động tới một số nhóm cử tri nòng cốt, trung thành với đảng Dân chủ như người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latinh và người lớn tuổi, chiến dịch của ông Trump tập trung vào nhóm cử tri từng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đua năm 2016 là những người lao động không có trình độ đại học sống tại các khu vực nông thôn, những người có quan điểm bảo thủ truyền thống.

Dù chiến dịch của ông Biden hướng tới sự ủng hộ của cử tri da màu gốc Phi (dự kiến chiếm khoảng 13% tổng số cử tri Mỹ năm 2020) thông qua việc đề cử liên danh là Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, song nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần ông Trump nhận được sự ủng hộ của khoảng 12% nhóm cử tri này, cơ hội chiến thắng của ông Biden sẽ không còn nhiều.

Những nỗ lực của đảng Dân chủ thúc đẩy việc bỏ phiếu qua bưu điện đang gặp nhiều thách thức từ đảng Cộng hòa và chính quyền của Tổng thống Trump, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội tham gia bỏ phiếu từ nhóm cử tri lớn tuổi mà đảng Dân chủ đang kỳ vọng nhận được sự ủng hộ. Với việc cho rằng bỏ phiếu qua bưu điện có thể dẫn tới gian lận, làm chậm kết quả kiểm phiếu (cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại New York vừa qua mất ít nhất 6 tuần để kiểm phiếu), ông Trump và Tổng Giám đốc Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) Louis DeJoy đang tận dụng các ưu thế về quản lý hành chính để tạo ra các "rào cản kỹ thuật" đối với đảng Dân chủ.

Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử của Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào đêm 27/8 (theo giờ Mỹ), bên cạnh việc chỉ trích đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ, Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh cam kết tiếp tục làm cho nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và vĩ đại hơn bao giờ hết. Với những nỗ lực mạnh mẽ hiện nay, ông Trump đang hy vọng sẽ tạo được sự bứt phá ngoạn mục để có thể tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1264
Quay lên trên