Nỗ lực tháo “điểm nghẽn” trong đầu tư công

Cập nhật: 23-03-2023 | 08:52:01

Bình Dương chú trọng đầu tư, xây dưng cơ sở hạ tầng nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó công tác đầu tư công luôn được tỉnh quan tâm, nỗ lực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện đầu tư công của tỉnh vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.

 Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua phường Thuận Giao, TP.Thuận An nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong đền bù giải tỏa

 Giải “bài toán” đơn giá đất

Giải phóng mặt bằng, trong đó thẩm định và phê duyệt đơn giá đất vẫn là “điểm nghẽn” lớn nhất trong giải ngân đầu tư công, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án, rất cần khơi thông.

Tại buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo tỉnh trong tuần đầu tháng 3 vừa qua, ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết tiến độ thực hiện một số dự án đền bù trên địa bàn huyện vẫn còn chậm. Nguyên nhân do nhiều hộ dân kiến nghị, khiếu nại kéo dài, chủ yếu không chấp nhận giá đền bù và một số trường hợp phải áp dụng các thủ tục cưỡng chế thu hồi đất làm ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện.

Việc xác định giá đất là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bồi thường hỗ trợ, là cơ sở để áp giá, xây dựng phương án bồi thường. Tuy nhiên, hiện nay đa số các đơn vị thẩm định giá không tham gia ký kết hợp đồng do chi phí thấp và một số tiêu chí khác trong phương pháp định giá khó thu thập, trong khi đó trách nhiệm pháp lý lại rất cao, từ đó cũng làm ảnh hưởng chậm tiến độ bồi thường một số dự án. Ngoài ra, quy trình thẩm định và phê duyệt chứng thư thẩm định giá để bồi thường về đất cho người dân cũng kéo dài và mất nhiều thời gian, từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, giá đất Nhà nước quy định không theo kịp với sự phát triển của địa phương, dẫn tới sự chênh lệch với giá đất thị trường. Do vậy người dân không chịu nhận đền bù, không có mặt bằng cho đơn vị thi công.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi tổng kết kế hoạch triển khai chiến dịch cao điểm 50 ngày đêm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh công tác đầu tư công liên quan đến nhiều khâu, trong đó nhiều nhất là về giá đất. Hội đồng thẩm định giá đất, tổ giúp việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, kịp thời hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để thẩm định và trình phê duyệt, nhất là các hồ sơ tồn đọng chuyển tiếp từ năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải đôn đốc, tăng cường chỉ đạo công tác đền bù giải tỏa, tập trung các công trình trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4, đường Thủ Biên - Đất Cuốc…

Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tại Bình Dương tập trung các nhóm vấn đề về quy định về giá đất, tính chuyên môn và trách nhiệm của Hội đồng tư vấn xác định giá đất, thời hạn ban hành giá đất, vấn đề thu hồi đất, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư... Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư, có ý kiến cho rằng chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng Luật Đất đai lần này là phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân. Do đó, đề xuất đền bù đất đai khi bị thu hồi phải trên cơ sở tương đương giá trị, ngay thời điểm thị trường tại địa phương, theo từng vị trí đất, loại đất... Những đề xuất đền bù đất đai nếu được đưa vào Luật Đất đai, tin tưởng “bài toán” về đơn giá đất cũng như “điểm nghẽn” của đền bù giải tỏa, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được “giải”.

Đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm

Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đôn đốc và quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Coi việc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm là một trong những nhiệm vụ then chốt và xuyên suốt, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp về công tác đầu tư công nhằm kịp thời đề ra các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc các dự án, công trình. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã liên tục đi kiểm tra, giám sát thực địa tại các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa, tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án giao thông kết nối.

Tại mỗi buổi kiểm tra, khảo sát, lãnh đạo tỉnh luôn chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, các đơn vị thi công và đơn vị liên quan tích cực phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Ông Võ Văn Minh cho biết UBND tỉnh đã có văn bản đôn đốc các sở ngành, địa phương thực hiện quyết liệt có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ các dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, thường xuyên kiểm tra, rà soát từng dự án.

 Trong năm 2022, UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747b, ĐT743, dự án đường Vành đai 4 và dự án nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng (TP.Hồ Chí Minh)...

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=417
Quay lên trên