Nỗ lực trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Cập nhật: 29-09-2023 | 22:26:10

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2069/QĐ- TTg về danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành tư pháp là trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật (NKT). Đây là một trong những chính sách nổi bật, góp phần phổ biến giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT được tiếp cận và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Xóa bỏ tâm lý e ngại

Mới đây, khi bà Nguyễn Thị T. (ngụ huyện Bắc Tân Uyên) là NKT đến Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) là ông Nguyễn Thanh Vũ tham gia tố tụng từ giai đoạn khởi kiện cho đến khi kết thúc vụ án.

Là người có “thâm niên” với 300 vụ bào chữa cho bị cáo, bảo vệ trong công tác hoạt động tố tụng, ông Đỗ Thanh Vũ cho biết năm 2006 Luật TGPL có hiệu lực thi hành, tuy nhiên bước đầu chủ yếu là công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về TGPL. Sau đó, Luật TGPL được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ năm 2018 thì ngoài công tác tuyên truyền, TGVPL còn tham gia các hoạt động tố tụng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NKT.

Trợ giúp viên pháp lý tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho người khuyết tật, người khó khăn tại huyện Dầu Tiếng

Theo ông Đỗ Thanh Vũ, công tác TGPL cho NKT hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể như phần lớn NKT thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu và do tâm lý tự ti, mặc cảm nên họ thường có tâm lý giấu kín sự việc, e ngại, không tiếp xúc chia sẻ. Nhiều NKT khó khăn về tài chính, không biết về quyền được TGPL miễn phí hoặc có trường hợp có biết về quyền của mình nhưng vẫn không yêu cầu trợ giúp… Đây là lý do mà nhiều trường hợp tổ chức và người thực hiện TGPL không thể kịp thời giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp để bảo đảm công bằng trước pháp luật.

Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt về dạng tật như “câm - điếc” thì TGVPL khó tiếp cận khi không có người phiên dịch hoặc phải nhờ người nhà; đối với trẻ em bị xâm hại có tâm lý tự ti, mặc cảm nên giấu sự việc và chậm tố giác tội phạm, dẫn đến chứng cứ không kịp thời thu thập được. Song song đó, hiện nay đội ngũ TGVPL còn ít và chưa được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu về tư vấn, tham gia tố tụng khi tiến hành thực hiện TGPL cho nhóm đối tượng đặc thù này. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác TGPL cho NKT… Đây là những “rào cản” lớn mà người làm công tác TGVPL cần vượt qua và khắc phục để giúp NKT.

Tăng cường TGPL lưu động

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết TGPL cho NKT là nhiệm vụ chính trị mang ý nghĩa nhân văn. Đây còn là điểm tựa pháp luật của NKT. Hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT nói chung và NKT có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã cử TGVPL tham gia 9 vụ tố tụng liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ly hôn và tranh chấp nuôi con.

Theo đó Trung tâm TGPL phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội NKT tỉnh, trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về pháp luật để họ biết các chính sách mà NKT được thụ hưởng. Với những người mù sẽ có sách về chữ nổi hoặc thu âm để họ nghe được, những người câm điếc sẽ có một đội ngũ hỗ trợ là đọc khẩu hình và ngôn ngữ ký hiệu.

Hiện nay, các vấn đề mà NKT thường yêu cầu TGPL là các tranh chấp liên quan đến đất đai, chế độ chính sách, hôn nhân và gia đình. Khi một trường hợp đến trung tâm TGPL yêu cầu tư vấn, trung tâm sẽ cử TGVPL xuống cơ sở để tiếp cận nắm vụ việc, tư vấn và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan, nếu vụ việc phải đưa ra tòa án thì sẽ phối hợp cùng luật sư để tham gia bào chữa cho vụ việc.

Thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tổ chức TGPL lưu động tại khu dân cư, trường học cho trẻ em, người chưa thành niên và nhiều xã, phường, trường học trên địa bàn dưới hình thức nói chuyện chuyên đề pháp luật. Đặc biệt, đối với các vụ việc tố tụng mà trẻ em là NKT, người chưa thành niên thì TGVPL đưa ra các quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. “Việc thực hiện tốt công tác TGPL cho NKT không chỉ giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn giúp họ phát huy khả năng của mình để vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội công bằng”, ông Nguyễn Trọng Tùng nhấn mạnh.

QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên