Logistics trở thành lĩnh vực không thể thiếu trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Một nền sản xuất mạnh đòi hỏi phải có hệ thống logistics xứng tầm để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết giảm thời gian, chi phí trong vận chuyển. Xác định tầm quan trọng của logistics, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch đưa TP.Bến Cát trở thành trung tâm trung chuyển lớn của tỉnh và khu vực có hệ thống kho cảng logistics đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Khơi thông tiềm năng
TP.Bến Cát đang được quy hoạch và định hướng để trở thành một trung tâm trung chuyển logistics quan trọng của tỉnh Bình Dương và cả khu vực phía Nam. Với những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và định hướng phát triển công nghiệp của thành phố, Bến Cát đang trên đà trở thành trung tâm logistics tầm cỡ của vùng. TP.Bến Cát nằm ở vị trí cửa ngõ phía bắc của tỉnh Bình Dương, kết nối trực tiếp với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp phía bắc tỉnh Bình Dương, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh về các cảng biển lớn như Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh).
Theo quy hoạch, Cảng tổng hợp An Tây trên sông Sài Gòn là dự án trọng điểm đã được tỉnh thông qua với quy mô 100 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một tổ hợp giao thông - vận tải logistics và thương mại lớn, đóng vai trò trung tâm liên kết tỉnh Bình Dương với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án này sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín, giảm chi phí logistics và thúc đẩy liên kết tỉnh Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai thông qua các tuyến đường bộ, kể cả đường sông. Tương tự, Cảng ICD Rạch Bắp được quy hoạch trở thành cảng cạn quan trọng tại TP.Bến Cát, góp phần vào chuỗi logistics trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, hạ tầng cảng cạn An Điền với quy mô 80 ha, công suất 93.600 TEU/năm, sẽ là đầu mối quan trọng để tập kết, phân phối hàng hóa, thực hiện các thủ tục hải quan, góp phần giảm tải cho các cảng biển lớn trong vùng.
UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó TP.Bến Cát được định vị là một trong những khu vực trọng điểm để hình thành các trung tâm logistics, cảng và các dịch vụ hỗ trợ. Đây là cơ sở quan trọng trong quy hoạch, định hướng phát triển đưa TP.Bến Cát trở thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng Đông Nam bộ.
Hạ tầng giao thông đa kết nối
TP.Bến Cát có nhiều lợi thế nhờ có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng rất tốt để phục vụ phát triển ngành logistics. Trong đó, tuyến Quốc lộ 13 là trục đường huyết mạch kết nối xuyên suốt TP.Hồ Chí Minh - tỉnh Bình Dương - tỉnh Bình Phước, kết nối các khu công nghiệp phía nam của tỉnh; đường Mỹ Phước - Tân Vạn tuyến đường đô thị và công nghiệp quan trọng, nối liền các khu công nghiệp với các cảng biển; đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua TP.Bến Cát đã hoàn thành và đưa vào khai thác tạo trục kết nối Đông - Tây đến các cảng trên sông Sài Gòn và các cảng cạn. Tuyến đường này có vai trò chiến lược, kết nối trực tiếp các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo hành lang vận tải hàng hóa liên vùng hiệu quả. Bên cạnh đó, các tuyến đường tỉnh ĐT741, ĐT744, ĐT748 cũng tạo kết nối đi tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên.
Cùng với đó, với lợi thế nằm ven sông Sài Gòn và sông Thị Tính đã và đang tạo thuận lợi để TP.Bến Cát phát triển cảng sông và vận tải thủy nội địa, cùng các dịch vụ hỗ trợ. Song song đó, các phường An Tây, An Điền và xã Phú An của TP.Bến Cát được quy hoạch thành khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ với quy mô khoảng 2.700 ha.
Với 8 khu công nghiệp lớn và tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ, dự báo nhu cầu về dịch vụ logistics vận chuyển, kho bãi, thông quan... tại TP.Bến Cát là rất lớn, tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Việc phát triển, đưa Bến Cát trở thành trung tâm logistics sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh, góp phần gia tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Với những lợi thế cùng sự quan tâm đầu tư của tỉnh Bình Dương, kỳ vọng TP.Bến Cát sẽ sớm trở thành trung tâm trung chuyển logistics hiện đại, kết nối liên vùng, phục vụ không chỉ cho nhu cầu của tỉnh Bình Dương mà còn cho cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của TP.Bến Cát nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung. |
DUY KHANG