Nỗ lực vì mục tiêu chuyển đổi số

Cập nhật: 14-01-2023 | 10:25:38

Thời gian qua, Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc về chuyển đổi số (CĐS). Những kết quả đạt được đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành thông tin và truyền thông (TT&TT).

Sự ra đời của Trung tâm giám sát, Điều hành thông minh (IOC) được xem là bước đột phá, tạo dựng được nền tảng xây dựng và củng cố chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương. Tiếp nối thành quả của IOC, Bình Dương đã xây dựng và đưa vào sử dụng nền tảng số “Ứng dụng Bình Dương số phục vụ người dân và doanh nghiệp” với mong muốn tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đây là một trong chuỗi những hoạt động có sự đóng góp rất lớn của ngành TT&TT Bình Dương trong tiến trình thực hiện CĐS. Năm 2022, Sở TT&TT đã tham mưu nghị quyết về CĐS; kế hoạch CĐS năm 2022; thành lập IOC; thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và tổ giúp việc CĐS các cấp; tổ báo cáo viên CĐS cấp tỉnh; triển khai tổ công nghệ số cộng đồng.


Người dân có thể nắm bắt thông tin về tiến trình xử lý hồ sơ theo sở, ngành thông qua các dữ liệu hiển thị trên màn hình led tại hệ thống một cửa, Cổng dịch vụ công của tỉnh

Theo đánh giá của Bộ TT&TT trong năm 2021, Chỉ số đánh giá CĐS (DTI) tỉnh Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 31/63 tỉnh thành phố). Các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng đã được quan tâm, liên tục đầu tư và cải tiến, nhằm tạo ra nhiều phương tiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền ngày càng tốt hơn, việc tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ qua mạng nhằm giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở TT&TT đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn công tác CĐS cho cán bộ chuyên trách và lãnh đạo các đơn vị, UBND cấp xã…

Các ứng dụng nền tảng của chính quyền điện tử đang dần được xây dựng hoàn thiện, kết nối với các hệ thống Chính phủ điện tử của bộ, ngành Trung ương, với 11 cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin; có khoảng trên 90 phần mềm nội bộ đang được triển khai. Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh đã được thành lập và đi vào hoạt động, kết nối dữ liệu và tích hợp lên hệ thống IOC hơn 1.000 chỉ số ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đang triển khai xây dựng, thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh cấp huyện. Tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp “Bình Dương số” và ứng dụng phục vụ điều hành “Chính quyền số Bình Dương”. Ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung đang từng bước được chuẩn hóa. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai liên thông 4 cấp với 279 cơ quan sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT, công tác CĐS đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022. Đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, tổ giúp việc CĐS, xây dựng kế hoạch triển khai tổ công nghệ số cộng đồng với kết quả đạt được ban đầu là đã thành lập 585 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên là 2.992 người. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập thuộc thành phần các tổ của khu, ấp.

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, trong thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực của xã hội phục vụ CĐS và xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy phát triển mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp; thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao tỷ trọng dịch vụ, thu hút và phát triển mô hình doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và sản xuất thông minh; thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp. Ngành tiếp tục đẩy mạnh, thúc đẩy mô hình khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số, phát triển chính quyền số và cải cách hành chính; hình thành phát triển các dạng thông tin và dữ liệu số qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; nâng cao năng lực hoạt động chính quyền số; phát triển nhân lực chính quyền số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chính quyền số.

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=296
Quay lên trên